Trả nợ vốn vay sinh viên khi chưa có việc làm

(Baonghean) Thực hiện Quyết định 157/ CP của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho HSSV, tại Nghệ An sau 5 năm, chương trình đã giúp hàng ngàn hộ nghèo có con đi học và đã tạo điều kiện cho hàng ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, ra trường có việc làm. Từ 2008 đến 2012, doanh số cho vay HSSV ở Nghệ An đạt 3.001 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay năm học 2011-2012 đạt 723 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 30/9/2012 đạt 2.736 tỷ đồng. Hơn 159.000 học sinh, sinh viên của 122.000 hộ được vay vốn học tập, trong đó có hàng ngàn em đã có việc làm.

Thông tin từ Ngân hàng CSXH tỉnh thì: dư nợ đối với sinh viên học đại học của Nghệ An đạt 1.301 tỷ đồng, dư nợ đối với sinh viên cao đẳng đạt 944 tỷ đồng, hệ trung cấp dự nợ đạt 489 tỷ đồng, đối với học nghề ngắn hạn dư nợ đạt 1.057 tỷ đồng. Doanh số thu nợ đến nay đạt 271 tỷ đồng, đạt 73% tổng nợ đến hạn. Một số địa phương thực hiện rất tốt chương trình như : Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương, Thành phố Vinh…

Tuy nhiên 3 năm qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước suy thoái, số học sinh, sinh viên ra trường có cơ hội việc làm không nhiều. Nhiều em có bằng đại học, cao đẳng nhưng không thể tìm được việc làm. Như tại Hà Tĩnh - là tỉnh có dư nợ cho vay HSSV cao nhất cả nước, một năm có 8.000 HSSV tốt nghiệp ra trường,  nhưng chỉ có 600 em có việc làm tại tỉnh, còn các em phải đi tìm việc khắp cả nước, trong đó có nhiều em không thể tìm được việc . Vì vậy, tại cuộc họp trực tuyến về chương trình tín dụng HSSV ngày 21/2/2013, theo ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chính phủ cần xem xét tới vấn đề gia hạn cho sinh viên đã vay vốn HSSV nhưng chưa tìm được việc làm, trong khi gia đình vẫn chưa thoát nghèo. Ông Ngô Văn Dưỡng - PGS, TS, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ trong tình hình khó khăn như hiện nay, cần gia hạn cho học sinh, sinh viên vay vốn nhưng chưa tìm được việc.  Tại Nghệ An, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã vay vốn tín dụng HSSV, tốt nghiệp đại học chính qui các Trường Đại học Nông nghiệp, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Huế, Cao đẳng Giao thông Hà Nội… nhưng 2 năm qua vẫn chưa tìm được việc làm, phải làm phụ việc tại các quán cà phê, gia sư …  trụ lại ở các thành phố. Chưa kể tới những em  trú tại miền núi, nông thôn, đi học ở các trường liên thông, trung cấp, cao đẳng khác. Một số em sau nhiều năm không xin được việc đã phải xin học nghề khác để tìm việc, gây lãng phí  nguồn đầu tư và nhân lực.

Kinh tế suy giảm cùng với cơ chế đào tạo đại học, cao đẳng ồ ạt trong cả nước thời gian qua đã khiến cơ hội về việc làm ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết. Lấy ví dụ mới đây: Ngành Thuế Nghệ An tổ chức thi tuyển công chức, chỉ lấy 50 chỉ tiêu nhưng có gần 2.500 sinh viên đủ điều kiện dự thi. Trong đó đã có trên 200 em tốt nghiệp bằng đỏ tại các trường đại học chính qui. Như vậy, có thể thấy, cơ hội cho các em tốt nghiệp loại khá, loại trung bình ở đây hầu như là không có. Việc làm khó như vậy, trong khi nợ đến hạn phải trả, là một gánh nặng, nỗi ám ảnh cho nhiều học sinh, sinh viên và gia đình. Chính vì vậy, lúc này vấn đề gia hạn trả nợ vốn vay đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cần được đưa ra xem xét, thảo luận về việc có cho gia hạn không,  đối tượng nào được gia hạn, thời hạn gia hạn… để một chủ trương nhân văn của Chính phủ thực sự có hiệu quả trọn vẹn. Bên cạnh đó, các gia đình cũng cần xem xét sức học của con để  hướng nghiệp cho con, tránh bằng mọi giá đi học đại học để rồi  mang nợ, làm khó thêm cho gia đình mà lại không có việc làm.

Châu Lan

Tin mới