Trần Hữu Thung - Nhà thơ dân dã

(Baonghean)- 1. Nhà thơ Trần Hữu Thung thỉnh thoảng ăn trầu, trông bề ngoài như một nông dân. Ông điềm đạm, vui vẻ, luôn giấu mình là  nhà thơ Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh. Chủ nhật, ông đạp xe từ Vinh về Diễn Châu giúp vợ làm mọi việc. Lại theo đường quốc lộ  đạp xe ra rừng thông núi Cấm, nhặt lá rụng làm củi. Mới tuần trước, cũng trên trục đường này, cơ  quan giao thông mời nhà thơ đến nói chuyện thơ.

Thế mà hôm nay, ông lại là “tiều phu”  chở một bao tải to lá thông khô sau xe. Khi đi qua cổng giao thông, ông cắm đầu cắm cổ đạp xe một mạch, chỉ lo người dự buổi nói chuyện hôm trước... trông thấy!

2. Đại hội Văn nghệ năm  ấy, nhà thơ Trần Hữu Thung hết nhiệm kỳ  chủ tịch. Khác với mọi ngày, ông luôn nhai trầu, phấn chấn, rạng rỡ. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ  Tĩnh bấy giờ là ông Trương Kiện, mời nhà  thơ xuống Cửa Lò một ngày vừa nghỉ ngơi, vừa bàn tính nhân sự đại hội. Đồng chí Bí  thư yêu cầu ông ở lại nhận chức Chủ  tịch Hội thêm khóa nữa, vì đội ngũ văn nghệ  sĩ tỉnh nhà đang cần đến ông...

Trần Hữu Thung - Nhà thơ dân dã ảnh 1

Nhà thơ Trần Hữu Thung (trước) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo 


Sau một ngày làm việc với Bí  thư, ông vẫn giữ nguyên quyết định là  xin nghỉ hưu để có thời gian viết.

Trở về ít lâu, ông có  tác phẩm Ký ức đồng chiêm, dành giải cao của Báo Văn Nghệ.


3. Trần Hữu Thung về quê, anh em hội viên cảm thấy thiếu vắng. Không khí hoạt  động văn chương không còn đầm ấm như xưa. Tôi ra thăm ông vào một  buổi chiều tại ngôi nhà  cấp bốn mới xây do Hội Nhà văn Việt Nam và huyện Diễn Châu tài trợ kinh phí.


Trước bàn làm việc của  ông bề bộn giấy và bản thảo. Gương mặt  ông trở nên đăm chiêu, kiên nghị, rắn rỏi. Chắc còn nhiều dự định sẽ lần lượt hình thành trên trang viết. Đối diện hàng ngày nơi làm việc, ông viết hai chữ “Chế nộ” (nén tức giận) bằng chữ Hán  để tự nhắc nhở mình.


4. Nghe tin Trần Hữu Thung nhập viện. Tôi cùng nhà thơ Phan Văn Từ đến thăm. Ông ngồi trên giường, hình dáng gầy gò bên cạnh người vợ. Đôi mắt ông sâu giờ lại sâu thêm nhưng vẫn sáng. Anh em văn nghệ quý ông vì  đức tính hiền lành, dân dã, dễ gần. Không bao giờ  ông ác ý với ai. Có người đến, ông tươi tỉnh hẳn. Lâu lâu cơn ho nổi lên làm ông phải dừng lại giữa chừng câu chuyện.


Khi chúng tôi chào ra về, ông nói:


- Nếu còn sống, ta lại còn tiếp tục bàn chuyện văn chương!
 


Phan Quốc Bình

Tin mới