Trang trọng Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 231 tổ chức tại thành phố Vinh, Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung trong dịp chuẩn bị Kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô là dịp ôn lại chặng đường đã qua, tự hào về truyền thống của các thế hệ cha ông đã dành biết bao công sức, trí tuệ, tâm huyết để dựng xây đất nước, mở mang bờ cõi.

Sáng 13/9 (nhằm ngày 29/7 năm Quý Mão), trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thành phố Vinh đang tích cực thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, thành phố Vinh trọng thể tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm nhân Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 231.

bna_IMG_9637.JPG
Toàn cảnh Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm nhân Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 231. Ảnh: Thành Duy

Dự lễ có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy và các ban, sở, ngành cấp tỉnh. Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có sự tham dự của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tư lệnh Quân khu và đoàn đại biểu.

Lãnh đạo TP. Vinh có đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, cùng các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và các ban, ngành, phường xã. Cùng dự có Ban Liên lạc họ Hồ Nghệ An, TP. Vinh và Thái Lão, Hưng Nguyên.

bna_IMG_9693.JPG
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm nhân Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 231. Ảnh: Thành Duy

Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753) tại ấp Kiên Thành, phủ Tuy Viễn, huyện Quy Nhơn, nay là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Tổ tiên của Ngài vốn là người họ Hồ, quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An, sau khi vào Bình Định đổi sang họ Nguyễn. Ngài sinh ra trong bối cảnh hai tập đoàn Trịnh - Nguyễn phân tranh, Bắc - Nam chia cắt, dân tình cơ cực, đất nước điêu tàn.

bna_IMG_9719.JPG
Hoạt cảnh tái hiện lại cuộc trùng phùng của Hoàng đế Quang Trung và Ngọc Hân công chúa tại Thăng Long. Ảnh: Thành Duy

Trước tình cảnh đó, năm 1771, Ngài cùng với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, ba anh em phất cờ khởi nghĩa tại đất Tây Sơn. Với tầm thao lược quân sự thiên tài và được nhân dân khắp mọi nơi đồng tình ủng hộ, Ngài đã chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn đánh đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, tạo điều kiện cho hai miền Nam Bắc thống nhất.

Năm 1785, Nguyễn Ánh cầu cứu quân Xiêm sang can thiệp, Ngài đã chỉ huy quân Tây Sơn tiêu diệt 5 vạn tên xâm lược tại Rạch Gầm, Xoài Mút, tỉnh Tiền Giang.

bna_IMG_9837.JPG
Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An dâng hoa lên anh linh Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Thành Duy

Trong bối cảnh lực lượng Tây Sơn từ giữa năm 1786 đã bị phân biệt làm 3 vùng, “ý mệnh trời thuận lòng người”, ngày 22/12/1788 (25/11 năm Mậu Thân), tại núi Bân lịch sử, Nguyễn Huệ đã xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ đăng quang Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất rồi hạ lệnh xuất quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, tạo nên chiến thắng hiển hách vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

bna_IMG_9864.JPG
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý thành kính dâng hương lên anh linh Hoàng đế Quang Trung tại Điện thờ. Ảnh: Thành Duy

Sau khi dẹp bỏ thù trong, giặc ngoài, Triều đại Tây Sơn dưới sự trị vì của Hoàng đế Quang Trung đã chăm lo chấn hưng đất nước về cả kinh tế chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao.

Ngày 1/10/1788, cách đây vừa tròn 235 năm, Hoàng đế Quang Trung đã hạ chiếu xây dựng kinh đô Phượng Hoàng tại xã Yên Trường, huyện Chân Lộc dưới chân núi Dũng Quyết, nay là phường Trung Đô, thành phố Vinh; vì “chỉ đóng đô ở Nghệ An là đường vừa cân, vừa khống chế được trong Nam, ngoài Bắc và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về”. Đây còn là vùng đất có “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, thực là chỗ đất đẹp để đóng đô”.

bna_IMG_9927.JPG
Lãnh đạo TP. Vinh thành kính dâng hoa, dâng hương lên anh linh Hoàng đế Quang Trung tại Điện thờ. Ảnh: Thành Duy

Giữa lúc đất nước đang trên đà phát triển, thái bình và hưng thịnh thì ngày 29/7 năm Nhâm Tý (tức 16/9/1792), Hoàng đế Quang Trung băng hà ở tuổi 39, để lại niềm tiếc thương vô hạn với những sự nghiệp còn dở dang của Hoàng đế.

Hoàng đế Quang Trung mất, Quang Toản lên nối ngôi, triều đại Tây Sơn kéo dài thêm một thời gian ngắn thì sụp đổ. Mặc dù tồn tại không dài nhưng Triều đại Tây Sơn đã ghi đậm mốc son chói lọi trong truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, tạc vào lịch sử ngàn năm văn hiến, những trang sử hào hùng của một dân tộc anh hùng.

bna_IMG_9954.JPG
Đại diện dòng họ Hồ dâng lễ lên anh linh Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Thành Duy

Sự nghiệp lớn lao ấy trước hết thuộc về Nhân dân ta, dân tộc ta nhưng vai trò lịch sử của Hoàng đế Quang Trung- người anh hùng áo vải, văn võ song toàn, một nhà quân sự thiên tài đã có công hết sức to lớn trong việc diệt thù trong, dẹp giặc ngoài, thống nhất giang sơn mở mang bờ cõi. Vị anh hùng kiệt xuất ấy, dân tộc ta, Nhân dân ta mãi mãi tự hào và tôn vinh.

bna_IMG_0041.JPG
Đồng chí Trần Thị Cẩm Tú - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh trình bày diễn văn tưởng niệm nhân Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 231. Ảnh: Thành Duy

Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung trong dịp chuẩn bị Kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô là dịp đặc biệt để cùng nhau ôn lại chặng đường đã qua, tự hào về truyền thống của các thế hệ cha ông đã dành biết bao công sức, trí tuệ, tâm huyết để dựng xây đất nước, mở mang bờ cõi.

Đồng thời kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, của cha ông, những thành tựu và kết quả của quá trình xây dựng và phát triển thành phố Vinh nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.

bna_IMG_0085.JPG
Để tưởng nhớ công ơn của Hoàng đế Quang Trung, các đại biểu dành phút mặc niệm tại Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm nhân Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 231. Ảnh: Thành Duy
bna_IMG_0107.JPG
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tư lệnh Quân khu 4 và đoàn đại biểu dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Thành Duy

“Chúng ta tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, viết tiếp những trang sử mới, tô thắm thêm truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước”, đồng chí Trần Thị Cẩm Tú - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh khẳng định trong diễn văn tưởng niệm nhân Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 231.

bna_IMG_0145.JPG
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Thành Duy
bna_IMG_0159.JPG
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Thành Duy
bna_IMG_0204.JPG
Các đồng chí Thường trực Thành ủy Vinh dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Thành Duy

Tại buổi lễ, trong không khí thiêng liêng, thành kính, với tấm lòng tri ân sâu sắc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, sở, ngành và thành phố Vinh, cùng đông đảo Nhân dân, dòng họ Hồ thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của vị anh hùng áo vải Quang Trung; mong anh linh Hoàng Đế phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, toàn dân trên dưới một lòng bảo vệ và phát triển đất nước; tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh phát triển ngày càng giàu đẹp văn minh.

bna_IMG_0207.JPG
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung tọa lạc tại núi Dũng Quyết, thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tin mới