Trùng tu, bảo tồn di tích đi đôi với xây dựng ý thức người dân

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, dưới nhiều triều đại, Nghệ An luôn là đất "phên dậu", chỗ dựa vững chắc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Thế nên, tại đây vẫn lưu giữ hàng nghìn di tích - đánh dấu sự phát triển của đất nước. Để gìn giữ cho muôn đời sau, phát huy những di sản của cha ông để lại, những năm gần đây tỉnh Nghệ An đã có sự quan tâm đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích...

Trùng tu, tôn tạo di tích, bài toán "đầu tiên" đã có lời giải


Theo các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, các di tích hiện nay ở Nghệ An rất phong phú (gần 1.000 di tích) và đa dạng về thể loại (di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật...). Trong đó, có khoảng 170 di tích đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh... Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau đã khiến nhiều di tích biến mất, biến dạng và mai một. Tiến sỹ Hồ Bá Quỳnh - người đã có nhiều năm nghiên cứu các di tích, di sản ở Nghệ An vẫn chưa nguôi niềm tiếc nuối về di tích Cống Cầu Hữu gạch vòm ở Thành cổ Vinh ngay cạnh mộ Đội Cung, di tích Nhà thờ Cầu Rầm cũ bị bom phá hư - tố cáo tội ác chiến tranh...đã bị dỡ bỏ. Ông Quỳnh cho biết: có rất nhiều đình làng, miếu mạo ở các vùng quê giờ cũng không còn.


Ý thức được sự quan trọng của các di tích, ngay sau khi Luật Di sản văn hóa ra đời vào năm 2001, tỉnh ta đã ban hành nhiều quy chế quản lý, sử dụng, bảo vệ di tích danh thắng, đề ra nhiều biện pháp để xây dựng, quy hoạch tu bổ, tôn tạo, phân cấp quản lý.

Đã có những công trình quan trọng được tôn tạo ngay sau đó, như: Khu di tích Kim Liên, cụm di tích Hoàng Trù, Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong... Song phải nói rằng: Số lượng các di tích được trùng tu vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân được chỉ rõ: Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, ngoài nguồn ngân sách Trung ương thì ngân sách địa phương còn hạn chế (khoảng 280 - 300 triệu đồng/năm), mới chỉ có thể ưu tiên cho những di tích xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó là việc thẩm định, đánh giá để kiến tạo thành một công trình có giá trị lịch sử, văn hóa đích thực còn chậm...Năm 2010, ở Nghệ An vẫn còn gần 70 di tích văn hóa lịch sử đang chờ bảo tồn, tôn tạo, phục hồi như Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Đền Vua Lê...

Trùng tu, bảo tồn di tích đi đôi với xây dựng ý thức người dân ảnh 1

Chùa Lô Sơn (Nghi Thu - Cửa Lò) phục dựng lại bằng kinh phí xã hội hóa - Ảnh: Thanh Thủy


Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An, Sở VHTT&DL đã đưa ra định hướng xã hội hóa việc bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị các di tích với sự tích cực, chủ động tham gia của người dân và các đơn vị. Đối với những công trình có chủ trương nhưng chậm triển khai, tỉnh và các huyện đã yêu cầu chuyển đổi chủ đầu tư để thực hiện.

Và kết quả là hàng loạt công trình di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo như di tích đền và miếu mộ Vua Mai,đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Hà Mã (Thành phố Vinh), chùa Làng Vành (Đô Lương), đền Lý Nhật Quang ( huyện Anh Sơn), Đền Yên Lương (Thị xã Cửa Lò) ... cùng với đó là nhiều nhà thờ dòng họ có lịch sử lâu đời cũng đã được sửa sang lại. Kinh phí trùng tu, tôn tạo lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Mới đây ngày 01/7, UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản giao cho Sở VHTTDL làm chủ đầu tư dự án phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Nghệ An -bị bom đạn của chiến tranh phá hủy gần như hoàn toàn vào những năm 50-60 của thế kỷ trước.


Bảo tồn cần dựa trên cơ sở khoa học, sự chung tay của toàn xã hội


Chủ trương xã hội hóa của nhà nước, của tỉnh rõ ràng đã giúp cho việc trùng tu, tôn tạo di tích trở nên dễ dàng hơn. Song, phải nhìn nhận rằng không phải cứ có tiền là di tích sẽ được phục hồi tốt, phát huy giá trị. (Hiện nay, trên địa bàn có khá nhiều xã, đơn vị tham gia xây chùa, cải tạo đền, miếu mạo trên cơ sở nguồn ngân sách của địa phương, đóng góp của người dân, đầu tư của doanh nghiệp).

Trùng tu mà không nghiêm túc thực hiện các quy định trong Quy chế "Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh",bỏ qua khâu thẩm định kỹ thiết kế kỹ thuật thì rất dễ "tiền mất, tật mang". Bài học đền Cuông và đền thờ Quang Trung, trong quá trình thi công, nhiều hạng mục bị làm mới, biến dạng so với bản gốc, đã bị Cục Di sản Văn hóa "thổi còi" năm 2007 vẫn còn đó.


Trước hết, phải khẳng định: việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy trùng tu di tích thuộc trách nhiệm của cộng đồng. Mỗi người dân đều phải có ý thức trước sự bền vững của di sản ấy. Cần có sự hướng dẫn, định hướng cho người dân những kiến thức về công tác tu bổ, tôn tạo, có thái độ ứng xử phù hợp với di sản và quan trọng nhất là giúp người dân hiểu rõ giá trị di sản. Thời gian qua, có nhiều địa phương trong tỉnh như Yên Thành, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thị xã Cửa Lò đã tập trung tuyên truyền mạnh mẽ về Luật Di sản Văn hóa giúp người dân nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của di tích, đặc biệt là các di tích gắn liền lễ hội.


Ông Nguyễn Minh Siêu - Nguyên Trưởng ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh nêu ý kiến: Việcmột di tích đã gãy, sập đổ thì không thể không thay vật liệu mới vào. Cái không được thay đổi chính là hình dáng kiến trúc, quy mô, vị trí của di tích. Một viên gạch hỏng thì phải thay đúng kiểu gạch ấy. Chỉ đến khi nào bất khả kháng thì cực chẳng đã mới đành phải thay thế"... Bên cạnh đó, nhiều di tích trên địa bàn Nghệ An sau khi đã được trùng tu nhưng vẫn chưa được khai thác hoặc khai thác chưa tốt. Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh cho rằng: Việc khai thác du lịch sẽ mang lại kinh phí để phục vụ việc trùng tu, nâng cấp, bảo quản di tích, nhưng nhiệm vụ quan trọng hơn là để giới thiệu, quảng bá những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tinh thần của di tích đó với du khách trong và ngoài nước. Hai công việc này luôn tồn tại song song với nhau...

Thành Chung

Tin mới