Từ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đến Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháng 7-1928, sau một chặng đường dài và cách trở, Nguyễn Ái Quốc chọn Thái Lan làm điểm dừng chân hoạt động bởi nơi đây khá gần với Tổ quốc, lại có nhiều đồng bào người Việt làm ăn sinh sống. Những người Việt Nam ly hương sống quần tụ thành một xóm nhỏ ở khu vực Đông Bắc Thái Lan. Trước đó, Người đã cử đồng chí Hồ Tùng Mậu và Đặng Thúc Hứa về đây gây dựng cơ sở cách mạng.
 
Hoạt động trên đất Thái, Nguyễn Ái Quốc hòa mình với cuộc sống sinh hoạt và lao động của bà con Việt kiều, giúp họ ôn lại truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Bà con thường gọi Người bằng tên thân mật là "Thầu Chín". Tại đây, Nguyễn Ái Quốc còn mở các lớp huấn luyện ngắn hạn cho hội viên Hội Việt Nam Cánh mạng Thanh niên và dịch một số tài liệu để tuyên truyền đường lối cách mạng. Người còn mở nhiều lớp dạy chữ quốc ngữ, vận động bà con phát huy tình đoàn kết thân ái, bài trừ các tệ nạn xã hội.

 Ngôi nhà Hợp tác ở bản Mạy, huyện Mương, tỉnh Na Khon Pha Nom - Thái Lan, nơi Bác Hồ đã sống và tuyên truyền lòng yêu nước cho Việt Kiều ở Thái Lan (1928-1929) -Ảnh tư liệu

Thời điểm này, ở trong nước, các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời. Đó là các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ (17-6-1929), An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ (8-1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9-1929) ở Trung Kỳ. Sự ra đời và hoạt động của các tổ chức cộng sản chứng tỏ sự lớn mạnh của phong trào cách mạng nhưng cũng bộc lộ những hạn chế. Đó là tình trạng tranh giành đảng viên, quần chúng và bài xích lẫn nhau, gây mất đoàn kết. Trước tình hình đó, với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan đến Hương Cảng để tiến hành Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 đã diễn ra Hội nghị hợp nhất với sự tham dự của đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, riêng Đông Dương Cộng sản liên đoàn không cử người đến kịp (sau đó viết đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam). Hội nghị nhất trí xóa bỏ thành kiến, tán thành hợp nhất; định tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam; thông qua chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt... do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được coi là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng được thành lập gồm 7 uỷ viên. Sau này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) đã quyết định lấy ngày 3-2 hàng năm là Ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
 
Hội nghị hợp nhất có giá trị như một Đại hội thành lập Đảng, qua đó, thấy rõ uy tín, tài năng và sự mẫn cảm về chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, chấm dứt sự khủng hoảng về lực lượng lãnh đạo và đường lối cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố: Chủ nghĩa Mác- Lê nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Công Kiên

Tin mới