Từ văn hoá du lịch ở Hội An - Đôi điều suy ngẫm

(Baonghean) - Hội An là một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh hình ảnh một đô thị cổ với những nét kiến trúc độc đáo, những sản phẩm du lịch đa dạng thì một trong những nét đẹp, nét văn minh rất riêng của Hội An chính là sự hồn hậu, mến khách của người dân nơi đây.
 
1. Một đồng nghiệp của tôi chia sẻ: "Lần đầu đến với Hội An, tôi rất thích những chiếc đèn lồng và những chiếc túi thổ cẩm nho nhỏ được dệt thủ công. Sau khi ngắm nghía chán mắt mà không bị ai làm phiền, tôi lựa cho mình bốn cái túi thổ cẩm và một chiếc lồng đèn. Người bán hàng báo giá: "Bốn mươi ngàn. Lồng đèn hai mươi, bốn cái túi hai mươi". Tuy thấy giá vậy là đã rẻ nhưng theo thói quen, tôi vẫn hào hứng... trả giá: "Ba mươi ngàn nha cô". Người bán hàng nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Song, cô nói rất nhỏ nhẹ: "Con nhìn xem, làm được vậy cũng mất công lắm chứ. Vải vóc lên giá, tiền công lên giá. Lãi ít lắm. Hơn nữa, ở đây không nói thách!". Vẻ chân thật của cô khiến tôi bỗng cảm thấy áy náy...!

 Ảnh: Internet

Đến Hội An, tôi cũng như mọi người đều thưởng thức cao lầu, mì Quảng. Khi thấy tôi tỏ ra thích thú món ăn này, bà cụ bán mì Quảng ở phố Hoài đã nhiệt tình chỉ dẫn cách làm, cách ngâm mì sao cho mềm, dai, trộn nguyên vật liệu sao cho hợp... Ăn xong bát mì thì tôi đã có hẳn công thức để có thể tự làm cho mình và người nhà thưởng thức. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được một người bán hàng ăn chỉ dạy nội trợ. Mỗi khi "trổ tài" nấu mì Quảng, tôi lại nhớ bà cụ bên góc đường ở phố Hoài và rất mong được một lần trở lại.
 
Khách du lịch Hội An thích đạp xe lòng vòng những con phố nhỏ, dọc những ngôi nhà cổ có hơn ba trăm tuổi. Rất nhiều ngôi nhà được bố trí tựa như một gallery, có một cái bàn và ấm trà nóng. Khách có thể tự nhiên vào đó ngồi nghỉ mát, ngắm nghía từng cột kèo, mái ngói, ngồi uống nước. Nếu bạn hỏi gì, chủ nhà sẽ ra tiếp chuyện, trả lời. Nếu không muốn trò chuyện, chỉ muốn ngồi nghỉ, bạn chỉ cần gật đầu chào, chủ nhà sẽ mời bạn uống nước và quay đi không làm phiền bạn nữa..".
 
Còn Báo Quảng Nam ra ngày 15/7/2010 có viết: "Bắt đầu từ năm 2005, khi lượng du khách đến với Hội An tăng ồ ạt, số lượng các khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu mọc lên, kéo theo đó là tình trạng lộn xộn trong cạnh tranh buôn bán làm mất mỹ quan của phố... Ngay lập tức, chương trình "Điểm kinh doanh đạt chuẩn" được đưa ra với những tiêu chí xung quanh các vấn đề về văn hóa, văn minh trong kinh doanh, từ đó giúp người kinh doanh hiểu được rằng, nếu buôn bán văn minh thì sẽ "sống", còn không sẽ tự đưa mình vào ngõ cụt".
 
2. Những điều đã nói ở trên phần nào lý giải về sự hấp dẫn của du lịch Hội An. Còn ở tỉnh ta hiện nay, vấn đề văn minh, văn hóa trong du lịch chưa thật sự được chú trọng. Thực trạng này được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các diễn đàn...ở cả trong và ngoài tỉnh. Ví như, trên Trang thông tin điện tử của Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An, trong bài viết Marketing địa phương - chiến lược cho du lịch Nghệ An có nhận xét: "Với những tiềm năng du lịch to lớn, Nghệ An hoàn toàn có thể trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn và đem lại nguồn lợi to lớn. Tuy nhiên, du lịch Nghệ An còn có những hạn chế nhất định về nhiều mặt... Ví dụ, Cửa Lò là một bãi biển từ lâu đã nổi tiếng trong tâm thức của du khách trong nước, thế nhưng hiện nay việc quy hoạch lộn xộn đã và đang phá vỡ cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường. Quản lý còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng giá cả dịch vụ tăng vọt trong mùa lễ hội làm cho du khách chán nản, không muốn trở lại..". Vấn đề này cũng được đề cập dưới góc nhìn khái quát hơn trong bài viết Cần một nhận thức đầy đủ hơn về du lịch văn hóa trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An ra ngày 9/12/2010: "Chúng ta chú trọng nhiều đến khai thác tài nguyên mà ít chú ý sự tồn tại bền vững của nó; Chú ý nhiều đến hiệu quả kinh tế mà ít chú ý đến hiệu quả văn hóa và giáo dục. Trong kinh doanh du lịch văn hóa, chúng ta vẫn thể hiện vai trò của nhà kinh doanh mà không mấy thực hiện vai trò sứ giả văn hóa của cộng đồng, dân tộc".
 
Hy vọng rằng từ những thông tin trên, các nhà quản lý du lịch tỉnh nhà, trong chiến lược phát triển du lịch của mình, sẽ quan tâm hơn đến vấn đề nâng cao nhận thức về văn hóa, văn minh du lịch trong mỗi người dân, từ đó đưa Nghệ An trở thành điểm du lịch thực sự hấp dẫn.

P.V

Tin mới