U22 Việt Nam và diện mạo lối đá tấn công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau trận đấu giành Huy chương Đồng của U22 Việt Nam trước U22 Singapore (3-1), giới chuyên môn, truyền thông và người hâm mộ đã có thể đánh giá đầy đủ về thầy trò ông Philippe Troussier, về lối chơi mới và hiệu quả, về tấn công và phòng ngự, về chất lượng từng vị trí…

Cần phải khẳng định rằng, con đường mới, bước đi mới còn nhiều vấp váp, khó khăn nhưng đang đúng hướng, ngày một tốt dần lên và cần phải kiên nhẫn, tin cậy để có thể giành được kết quả mỹ mãn ở vạch đích cuối cùng.

U22 Việt Nam trong trận tranh Huy chương Đồng tại SEA Game 32. Ảnh: Hải Hoàng

U22 Việt Nam trong trận tranh Huy chương Đồng tại SEA Game 32. Ảnh: Hải Hoàng

Sau trận đấu nói trên, ông Troussier có nói một ý rất quan trọng, liên quan đến màn trình diễn thượng thặng ghi 2 bàn cháy lưới đối thủ của hậu vệ 20 tuổi từ Sông Lam Nghệ An, là Hồ Văn Cường. Ông thầy nói rằng “Ở trận này, Hồ Văn Cường là một hậu vệ nhưng đã ghi 2 bàn thắng. Đó là diện mạo của lối đá tấn công mà tôi muốn thể hiện” và “Tôi muốn bàn thắng phải đến từ những pha dàn xếp có tính toán”.

“Diện mạo của lối đá tấn công” ấy thể hiện rõ cả trong 3 bàn thắng của U22 Việt Nam trong trận đấu nói trên. Gần như bóng đều được luân chuyển từ thủ môn tới các trung vệ, qua chân tiền vệ trung tâm rồi chuyển sang trái hoặc phải, thậm chí từ trung vệ chọc thẳng lên cho một hậu vệ biên dâng cao (rõ nhất là đến Minh Trọng) để cầu thủ này chuyền dọn cỗ cho Văn Tùng, Văn Khang hay Văn Cường ghi bàn như chúng ta từng thấy. Cái duyên ghi bàn của Văn Tùng (5 bàn, 4 trận) là một minh chứng. Nhưng khi vắng Văn Tùng do chấn thương, nghĩa là U22 không có một tiền đạo mục tiêu thực sự giỏi thì đã có Văn Cường, một hậu vệ biên dâng cao, lâu nay vốn là người chuyền bóng kiến tạo, trở thành một “sát thủ vòng cấm” thực sự.

Cũng trong trận đấu này, chúng ta thấy Văn Trường hay Văn Đô có cơ hội sút thắng nhưng không thành công, trong khi Văn Cường có 2 cơ hội và cả hai đều được biến thành bàn thắng để đời. Màn trình diễn này không xa lạ với người hâm mộ Sông Lam Nghệ An, khi Văn Cường từng thể hiện trong màu áo U17 vô địch quốc gia 2020, nhất là 2 bàn trong trận chung kết gặp U17 Học viện Nuti Food.

Không phải ngẫu nhiên mà Văn Cường, Xuân Tiến sớm được đôn lên đội 1 Sông Lam Nghệ An và hiện là cầu thủ đá chính thường xuyên ở V-League. Lứa Văn Cường không được tôi luyện theo cách của Troussier trước đó nên dễ hiểu vì sao anh bị ông thầy mắng mỏ thời gian tập huấn ở Vũng Tàu. Nhưng con mắt sáng của ông thầy đã đánh giá đúng về cầu thủ trẻ này và vị trí anh sẽ đảm nhiệm. Để rồi Văn Cường được đá chính hầu hết các trận ở SEA Games và càng chơi càng “ghi điểm” trong mắt người hâm mộ và ban huấn luyện, là vị trí tiêu biểu của “diện mạo lối đá tấn công” đang từng bước hình thành rõ nét.

Ngoại trừ trận gặp 2 đội bóng mạnh nhất, khát khao nhất SEA Games là U22 Indonesia và U22 Thái Lan, đội bóng của chúng ta bị dẫn bàn sớm và trước, lối đá tấn công-ghi bàn đều thể hiện rõ trong các trận đấu của U22 Việt Nam. Văn Tùng mở hàng sớm và trước các đối thủ U22 Lào ngay từ phút thứ 2, trước U22 Singapore muộn hơn nhưng dẫn trước từ phút 36, trước U22 Malaysia từ phút thứ 28, Văn Cường ghi bàn trước U22 Myanmar từ phút thứ 8. Hiệp 1 các trận đấu chính là thời điểm U22 Việt Nam tấn công có nét nhất, hiệu quả nhất, có được bàn thắng sớm nhất… cũng chứng minh lối đá tấn công mà ông Troussier yêu cầu học trò phải thực hiện, thực chứng và dần hoàn thiện theo từng trận đấu.

Tất nhiên, sau các trận đấu vừa qua, U22 Việt Nam cũng bộc lộ rõ nhiều vấn đề xuyên suốt từ quá trình tập huấn cho đến kết thúc giải. Khả năng chống bóng bổng, bóng 2, hóa giải các tình huống cố định là một sở đoản của hàng thủ và hệ thống phòng ngự U22 Việt Nam. Văn Chuẩn hay Huy Hoàng đều không có ưu thế và kinh nghiệm về vấn đề hóc búa này. Duy Cương, Quang Thịnh, Tiến Long, Tuấn Tài, Ngọc Thắng đều không có sức bật tốt, khả năng đeo bám cừ khôi trước đối thủ. Thái Sơn, Đức Phú dồi dào thể lực nhưng chưa thể là mẫu tiền vệ phòng ngự hay tấn công mà U22 Việt Nam mong mỏi. Văn Trường trên hàng công chưa phải là phiên bản tốt nhất, mong đợi nhất sau giải U20 châu lục…

“Diện mạo của lối đá tấn công” của U22 Việt Nam đang dần hình thành với những cái tên tiêu biểu như Tuấn Tài, Văn Cường, Minh Trọng, Văn Tùng, Văn Khang, những cái tên âm thầm nhưng góp nhiều công lao như: Thái Sơn, Đức Phú, Văn Đô... Sau giải đấu này, điều mọi người mong ngóng là các tuyển thủ U22 Việt Nam được sử dụng nhiều hơn ở V-League 1 và 2, tự mình cố gắng nhiều hơn để duy trì và nâng cấp lối chơi mới này trên thực tế luyện tập và thi đấu. Có thể có một số nhân tố sẽ được lên đội tuyển Việt Nam để tiếp tục hành trình này. Công cuộc làm lại, làm mới của ông Philippe Troussier bắt đầu từ SEA Games 32 có những thành công và chưa thành công nhưng đang được chứng minh là đúng hướng, có niềm tin, cần sự kiên nhẫn và kết quả nhiều mặt, nhiều giải đấu trả lời trong thời gian tới./.

Tin mới