'Ươm mầm’ yêu thương từ nỗi đau da cam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Hơn 30 năm làm vợ người đàn ông mắc bệnh tâm thần do di chứng chất độc da cam, cuộc sống dù cơ cực trăm bề, nhưng bà Hoàng Thị Tâm không một lời oán thán. Điều đó chỉ có thể lý giải bằng tình yêu thương bà dành cho người chồng của mình, một người đàn ông gặp nhiều bất hạnh.

Khi tình thương bắt đầu

Nói về vợ chồng ông Lê Hồng Thái (sinh năm 1968) và bà Hoàng Thị Tâm (sinh năm 1972), người dân xóm 4, xã Nghi Trung (Nghi Lộc) không tiếc lời ca ngợi dành cho người vợ. Bởi bà Tâm được biết đến là người vợ có tấm lòng bao dung, rộng lượng, yêu chồng, thương con và đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó. Còn bà Tâm chia sẻ rằng: “Tất cả xuất phát từ tình thương, rồi đến tình yêu, về chung sống với nhau trở thành tình nghĩa và bổn phận, trách nhiệm”.

bna_2 da cam.jpg
Ông Lê Hồng Thái là nạn nhân chất độc da cam bị lây truyền từ người bố. Ảnh: Công Kiên

Mấy hôm nay ông Thái đau nặng, nằm trên giường nhưng khi có khách đến thăm vẫn cố gắng ngồi dậy, rồi đứng lên dò dẫm từng bước, tay quơ lên bức tường nhà để dò đường. Thấy vậy, bà Tâm đang soạn mấy thứ phế liệu ngoài sân liền chạy thẳng vào nhà, nhẹ nhàng và ân cần dìu chồng đi từng bước. Bà đưa ông ngồi xuống ghế, rót nước đưa tận tay cho chồng…

Bà Hoàng Thị Tâm kể rằng, quê bà ở xã Nghi Thịnh, sinh ra trong gia đình có 6 chị em, sớm chịu cảnh mồ côi mẹ, bố vất vả với gánh nặng mưu sinh nuôi đàn con nhỏ. Thương bố, mấy chị em sớm ngừng việc học hành để làm lụng phụ giúp bố kiếm cái ăn. Đến tuổi lấy chồng, có người mai mối cho người con trai xã bên, người con trai ấy bị tật nguyền, mồ côi bố, gia cảnh cũng hết sức khó khăn.

bna_1 da cam.jpg
Bà Hoàng Thị Tâm luôn tận tình chăm sóc chồng suốt hơn 30 năm qua.

Gặp nhau lần đầu, thấy chồng tương lai chân tay lèo khoèo, các bộ phận trên khuôn mặt đều dị tật, bà Tâm không hề có cảm giác ghê sợ. Mà ngược lại, trong lòng bỗng trào dâng một niềm thương cảm, muốn cùng người đàn ông ấy chia sẻ những khó khăn, vất vả và nỗi đau tật nguyền.

Không lâu sau, bà nhận lời làm vợ ông trong nỗi sửng sốt của gia đình, họ hàng và làng xóm. Bởi lúc ấy bà là người con gái nhan sắc trung bình, khỏe mạnh và lành lặn, không khó để lấy được một người chồng tương xứng. Đằng này lại nhận lời làm vợ một người đàn ông tật nguyền, suốt đời sẽ phải chăm sóc.

Người ủng hộ, kẻ phản đối; người vun vào, kẻ xới ra, nhưng bà Tâm đã quyết định lấy ông Thái làm chồng, dẫu biết quãng đời phía trước sẽ vô cùng vất vả, gian nan, thậm chí có thể đối mặt với nỗi đau nếu những đứa con mang gen người bố.

bna_3 da cam.jpg
Vợ chồng ông Lê Hồng Thái và bà Hoàng Thị Tâm. Ảnh: Công Kiên

Đám cưới của hai người được tổ chức giữa năm 1990, rất đông người tới dự, hôn trường chật ních người. Chứng kiến cảnh cô dâu đi bên cạnh chú rể với những bước chân khập khiễng, ai cũng mừng cho ông Thái tốt số lấy được người vợ khỏe mạnh. Và tất cả mọi người đều chúc phúc, cầu mong cho đôi tân hôn có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

Về làm vợ, làm dâu, bà Tâm được mẹ chồng kể rõ hơn về hoàn cảnh gia đình. Nhà có 3 chị em (1 gái, 2 trai), ông Thái là con út, được mẹ mang thai trong một lần bố của ông (nhà báo, liệt sỹ Lê Văn Luyện) từ chiến trường về phép thăm nhà. Chồng trở lại chiến trường, một mình bà Thủy lo sinh nở và chăm sóc các con.

Một thời gian sau, bà vô cùng đau đớn khi biết tin chồng hy sinh ở chiến trường. Và con trai út Lê Hồng Thái sinh ra không được khỏe mạnh, chân tay yếu ớt và bị co rút, trí não cũng phát triển chẳng được bình thường. Đặc biệt, mắt, mũi và miệng đều bị dị tật, khác hẳn với những đứa trẻ cùng trang lứa.

Không đành lòng nhìn con thơ gánh nỗi đau tật nguyền, dù rất nghèo nhưng bà Thủy vẫn cố đưa con trai út đi nhiều nơi để chữa trị. Nhưng mỗi chuyến đi về lại thêm một lần thất vọng, vì các thầy thuốc đều phải “bó tay”. Sau này, bà mới biết con trai út có khả năng bị nhiễm chất độc da cam từ bố nên phải mang di chứng khá nặng nề.

Qua tuổi 12, Lê Hồng Thái mới chập chững những bước đi đầu đời, 16 tuổi mới bắt đầu đến lớp học chữ. Học xong chương trình cấp 3, ông ở nhà đỡ đần công việc giúp mẹ, chủ yếu là cắt cỏ, chăn bò. Rồi nhờ có người mai mối để gặp gỡ và kết duyên với cô gái Hoàng Thị Tâm, bắt đầu cuộc sống mới hứa hẹn một niềm tin nhưng cũng không ít những gian nan đang đón chờ…

Hạnh phúc giữa bộn bề

Cưới nhau một thời gian, vợ chồng bà Tâm ra ở riêng trong một mảnh vườn nhỏ, căn nhà tạm được dựng lên bằng tranh, tre, nứa, lá. Mới đây, vợ chồng bà được anh em, họ hàng bên nội hỗ trợ tiền để xây dựng ngôi nhà khang trang, vững chãi, không còn nỗi lo lắng khi mưa gió tràn về.

bna_4 da cam.jpg
Bà Hoàng Thị Tâm giúp chồng trong các sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Công Kiên

Hai năm kể từ ngày cưới, bà Tâm sinh con trai đầu lòng. Suốt quãng thời gian mang thai, người phụ nữ ấy không nguôi lo lắng, càng đến ngày sinh nở mối lo càng tăng lên. Sợ rằng, đứa trẻ sinh ra sẽ mang gen bố, cơ thể bị dị tật và trí não không bình thường. Nhưng thật may, cậu bé Lê Thế Bình chào đời khá kháu khỉnh và khỏe mạnh, không có dấu hiệu bất thường.

Ông Thái ôm chầm lấy hai mẹ con, người đàn ông tật nguyền ấy đã khóc, nước mắt giàn giụa khiến cho những người chứng kiến đều rưng rưng và thấy cay cay nơi khóe mắt. Mãi tới 7 năm sau, tức năm 1999, bà Tâm mới lại mang thai, nỗi lo âu cũng không kém gì lần trước.

bna_5 da cam.jpg
Bà Tâm chăm sóc chồng lúc ông Thái phát bệnh tâm thần. Ảnh: Công Kiên

Và may mắn lại đến, cậu bé thứ hai sinh ra cũng lành lặn và khỏe mạnh như người anh, được bố mẹ đặt tên là Lê Ánh Dương. Thêm một niềm vui, một niềm hạnh phúc nhưng cũng thêm một nỗi lo toan, và gánh mưu sinh càng thêm đè nặng lên đôi vai gầy của người mẹ.

Để trang trải cuộc sống, bà Tâm bươn chải với hơn 4 sào ruộng khoán và chăn nuôi bò, lợn. Rồi đến mùa cấy hái, làm cỏ, bà đi làm thuê để kiếm thêm nguồn thu nhập, quanh năm không mấy khi được ngơi tay. Ông Thái không đành lòng để vợ xoay xở một mình nên cũng đi làm thuê. Ai thuê gì làm nấy, phần lớn bà con thương hoàn cảnh gia đình nên tạo điều kiện cho ông có thêm nguồn thu nhập, để bà Tâm bớt đi phần nào gánh nặng mưu sinh.

Nhưng từ nhiều năm nay, đôi mắt của ông Thái đã không còn nhận biết được ánh sáng, chỉ có thể đi lại được trong nhà, việc xoay xở kiếm tiền lại dồn lên đôi vai của vợ. Căn bệnh tâm thần cũng ngày càng nặng thêm, những ngày trái gió, trở trời ông thường la hét vì đau đớn, rồi nói lảm nhảm suốt ngày. Hàng tháng, bà phải chở ông đến bệnh viện để lấy thuốc, để xoa dịu nỗi đau thể xác.

bna_6 da cam.jpg
Bà Hoàng Thị Tâm buôn phế liệu kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Ảnh: Công Kiên

Hiện tại, con trai đầu Lê Thế Bình đang phục vụ trong quân ngũ, còn con trai thứ hai Lê Ánh Dương vừa đi xuất khẩu lao động. Vợ chồng bà Tâm vẫn còn một khoản nợ khá lớn khi gom tiền làm nhà và lo công việc cho con trai út. Trong khi đó, việc chi tiêu hàng ngày chỉ biết nhìn vào công việc buôn bán, thu gom từng mớ phế liệu của bà.

“Quyết định lấy ông ấy làm chồng, gần 34 năm nay tôi không hề có một phút giây ân hận. Giờ đây các con đã lớn khôn, vợ chồng tôi đều thỏa nguyện. Chỉ mong ước các con sẽ có gia đình yên ấm, hạnh phúc, cuộc sống tương lai đỡ vất vả…”.

- Bà Hoàng Thị Tâm -

Tin mới