Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triển khai chương trình giám sát năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Phát biểu tại hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát và giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội. 

111.jpeg
Quang cảnh hội nghị tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Sáng 17/11, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Cùng tham gia hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; cùng các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An do đồng chí Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Cùng tham gia có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh.

bna_ MH.jpg
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: M.H

Giám sát 1.003 vụ việc phức tạp, kéo dài

Sau phát biểu khai mạc hội nghị của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, hội nghị đã tiến hành đánh giá kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; công tác giám sát tiếp tục được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện, được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất.

171120230830-z4888075408597_a5fde425f31694d7ea1bb879f98cc410.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Trong năm 2023, cùng với tăng cường giám sát công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm để thu hút được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo cử tri và Nhân dân đánh giá.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện và đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề.

bna_ MH1.jpg
Lãnh đạo Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh Nghệ An tham dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: M.H

Trong đó, lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành giám sát đồng thời 3 nghị quyết do Quốc hội ban hành liên quan đến 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Hoạt động tái giám sát các vấn đề đã được giám sát tiếp tục được quan tâm trong năm 2023 nhằm “theo đuổi” đến cùng các vấn đề giám sát và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường và trở thành hoạt động thường xuyên.

bna_ MH 13.jpg
Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An tham gia hội nghị. Ảnh: M.H

Hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội có nhiều nỗ lực bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của Uỷ ban Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trong 2 năm 2022 và 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát đối với 1.003 vụ việc phức tạp, kéo dài được các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp lập danh sách để rà soát; trong đó có 150 vụ việc cụ thể được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị báo cáo và 104 vụ việc phức tạp, đông người được báo cáo hàng tháng.

Tổ chức giám sát 4 chuyên đề trong năm 2024

Triển khai chương trình giám sát năm 2024, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: Việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và về một số dự án quan trọng quốc gia; Việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề: Việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

171120231047-z4888585829367_6180c9e31d6c46781837dae81f79952d.jpeg
Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị tại Nhà Quốc hội đã khái quát nhiều đổi mới và kết quả tích cực; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát năm 2023 cần khắc phục.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Bởi vậy, hoạt động này cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn trong năm 2024; đặc biệt năm 2024 là năm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trước khi tiến hành đại hội cho nhiệm kỳ mới; yêu cầu việc tổ chức các chuyên đề giám sát cần tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức triển khai, hạn chế ảnh hưởng đến cơ sở, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu yêu cầu của giám sát.

Liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chủ tịch Quốc hội định hướng cần tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; chuẩn bị ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đối với các hình thức giám sát khác, cần tiếp tục nghiên cứu các thiết chế tiến hành chất vấn tại các kỳ họp và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục công tác tổng rà soát theo Nghị quyết 101/2023/QH15; đặc biệt tập trung vào việc cải cách hành chính, nhất là về thủ tục hành chính.

Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội. Tăng cường hoạt động của công tác phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị ở địa phương...

Tin mới