V-League 2022: Hồi kết tẻ nhạt hay kịch tính?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - V-League 1-2022 đang đi dần về những vòng đấu cuối. Nếu ở vòng 21, Hải Phòng không thắng Hà Nội FC trên sân Lạch Tray thì mọi việc sẽ không còn gì để nói khi cơ hội vô địch của đội bóng Thủ đô là vô cùng rõ ràng, hiện thực. Dẫu vậy, Hà Nội FC vẫn hơn đội xếp sau là Hải Phòng 2 điểm và thi đấu ít hơn một trận nên họ vẫn thênh thang ở chặng nước rút để về đích.

Thật “may” cho V-League là Văn Quyết và đồng đội đã để thua một cách dễ ợt ở hiệp 1, rồi vùng lên quyết thắng ở hiệp 2 nhưng cuối cùng phải “xin lỗi ông bầu” vì phá hỏng ngày vui của gia đình họ. Cơ hội lại mở ra cho các đội bóng cận kề là chính Hải Phòng và Topenland Bình Định, những đội bóng vừa có thực lực, vừa được hậu thuẫn vững chắc từ cổ động viên và địa phương, bên cạnh Viettel không xuất sắc nhưng cũng rất khó đánh bại họ lúc này.

Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh vừa nhận thất bại đậm nhất V.League mùa này. Ảnh tư liệu: VPF

Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh vừa nhận thất bại đậm nhất V.League mùa này. Ảnh tư liệu: VPF

Đó là nói về lý thuyết nhưng trên thực tế, các cuộc đua ở nhóm đầu bảng và đáy bảng kể từ vòng 22 sẽ kịch tính hay tẻ nhạt là điều ai ai cũng biết. Khác với các mùa trước, từ năm 2022 này, khi V. League được “thăng hạng”, sẽ có đến 3 đội được dự cup châu lục và khu vực nên cuộc đua sẽ thú vị hơn. Nhóm đội có huy chương sẽ nhận vinh dự này để đại diện cho bóng đá Việt ở chơi chính thức ở vòng bảng AFC Champions League và 2 suất play-off AFC Champions League. Vì vậy, nếu thực sự “chuyên nghiệp” thì ngay cả việc giành vị trí thứ 3 cuối mùa cũng là một thành công. Đáng nói là các đội bóng V-League không phải ai cũng có đủ tiềm lực tài chính, con người để ra “biển lớn” vừa tốn kém vừa mỏi mệt, thành tích thì vời xa? Sau những gì Hà Nội FC, Viettel hay Hoàng Anh Gia Lai thể hiện ở mùa trước, hy vọng bóng đá Việt có thêm đại diện thi đấu tốt ở các cup châu lục và khu vực tới đây.

Nhóm giữa V-League lâu nay là nơi thảnh thơi cho mọi toan tính khi đua cũng không để làm gì, xuống hạng thì không thể. Những trận đấu của nhóm giữa vì thế ít tính cạnh tranh, nhiều tính thủ tục, xem chán ngắt nhưng lệ làng quen rồi, không ai bắt bẻ cũng không có lý do để kỷ luật. Hoàng Anh Gia Lai hay Sông Lam Nghệ An thuộc nhóm này nên dù có thua hay hòa thì mọi việc vẫn cứ theo “nước chảy bèo trôi”, khổ là khổ nhóm cổ động viên chờ mòn mỏi cho một lần reo vui chiến thắng cũng xa vời vợi. Cách người ta hăng lên thì top 3, xẹp xuống thì “ra ngoài top 3 rồi nên…” không một chút sống sượng cho thấy nói là một chuyện còn làm thì… đừng bao giờ tin?

Văn Đức đã thi đấu tỏa sáng trong trận hòa của Sông Lam Nghệ An trước thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Chung Lê

Văn Đức đã thi đấu tỏa sáng trong trận hòa của Sông Lam Nghệ An trước thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Chung Lê

Không nói quá thì đó đích thị là nhóm “ban ơn”, “kho điểm” cho những đội đang khát, đang đua tránh nhóm cuối bảng không mong muốn. Lý do vô vàn cho những trận đấu của nhóm này gồm thử nghiệm cầu thủ trẻ cho mùa sau, chấn thương, thẻ phạt, sai lầm cá nhân, hàng thủ sai sót, trọng tài sai lầm… Biết rồi nhưng người ta vẫn nói, vẫn đổ vấy. Trong khi người làm giải thì mong cho mọi việc về đích, mọi chuyện hạ hồi phân giải nhưng có mà chờ… đến tết?

Mùa giải 2022 này có thêm một cái “may” nữa là không có đội bóng nào bị nhận diện là “kho điểm” để người ta thi nhau đánh hội đồng, để rồi xuống hạng khi giải chưa kết thúc. Những đội bóng thay nhau xếp cuối như Nam Định, Sài Gòn FC hay TP. Hồ Chí Minh, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh… khi gặp nguy đều có sự “quyết đấu” cụ thể như thay tướng đổi vận, dô-ping tiền thưởng…nên đến nay chưa thể nói số phận run rủi sẽ rơi vào ai trong số 4 đội này. Không những thế, mùa này lại có thêm các ứng viên tiềm tàng xuống hạng như SHB Đà Nẵng, thậm chí cả…Hoàng Anh Gia Lai khi không rõ họ sẽ có một chiến thắng làm quà người hâm mộ ở vòng đấu nào tới đây hay không, sau 9 vòng mòn mỏi không thắng?

Ai “mạnh” thì đội bóng đó sẽ vượt ải xuống hạng, bằng kết quả của nhiều cuộc đấu trên sân cỏ và âm thầm ở đâu đó, dù chứng cứ là điều xa xỉ. Cờ tàn là thế, cuối mùa, chợ chiều là thế. Hy vọng những điều không đáng nói như trên sẽ sai, dần sai trong thực tế sinh động của sân cỏ V-League từ khi khai màn cho đến khi hạ màn? Thật may mắn làm sao khi V-League vẫn còn những đội bóng đáng xem như Hà Nội, Hải Phòng, Viettel hay Topenland Bình Định…, những đội bóng đủ sức hút để kéo khán giả đến sân, đủ tư cách đại diện cho một nền bóng đá ở khu vực và châu lục, đủ sức làm lu mờ những gì thiếu chuyên nghiệp còn rơi rớt hiện nay…

Tin mới