V-League và sức mạnh từ khu kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sức hấp dẫn của bóng đá hiện ra trong từng đường bóng trên sân, từng pha phối hợp, ghi bàn của các ngôi sao là điều dễ nhận ra. Nhưng đừng quên, bóng đá còn có cái tài, cái hay từ khu kỹ thuật.

Tiêu biểu như Đông Á Thanh Hóa là đội bóng bất bại sau 6 vòng đấu V-League 2023/2024. Nhưng đến vòng đấu thứ 7 trên sân Gò Đậu, đội bóng của huấn luyện viên Velizar Popov đã phải “phơi áo” trước đội chủ nhà Bình Dương dù nắm thế trận trong suốt hiệp 1 và phần lớn hiệp 2 của trận đấu.

Chìa khóa của trận đấu nằm ở chỗ, theo lời ông Lê Huỳnh Đức - huấn luyện viên đội Bình Dương: chúng tôi nhận thấy đội khách chơi phá sức từ đầu nên lùi về phòng thủ chắc chắn, chờ cơ hội và chúng tôi đã thành công. Kết quả 1-0 nghiêng về đội chủ nhà giúp Bình Dương tiếp tục vững vàng ở ngôi đầu bảng xếp hạng, còn Đông Á Thanh Hóa tụt xuống vị trí thứ 5 và là đội bóng lần đầu “biết thua” ở V-League.

khanhhoa-cahn2023-24-05-3340-7168.jpg
Câu lạc bộ Khánh Hòa có chiến thắng đầy bất ngờ trước Câu lạc bộ Công an Hà Nội. Ảnh tư liệu: VPF

Trước đó, trận đấu ở vòng 3 V-League trên sân Lạch Tray giữa Hải Phòng và Công an Hà Nội (3-1), huấn luyện viên trưởng đội chủ sân Lạch Tray, ông Chu Đình Nghiêm không mấy khó khăn để “đọc” ra cách đội khách triển khai các vị trí, trong đó cho tiền vệ ngoại Geovane Magno chơi lùi sâu. Huấn luyện viên Chu Vĩnh Nghiêm hiểu rằng, chỉ cần “bắt chết” ngòi nổ đáng sợ này, mọi việc sẽ tuân theo ý muốn của đội quân đất Cảng. Tất nhiên còn nhiều lý do khác khiến trận ra quân của ông thầy người Hàn, Gong Oh-kyun thất bại nặng nề. Nhưng điều chắc chắn là nhờ sự chủ động trên băng ghế chỉ đạo, nhờ sự tuân thủ nghiêm túc chiến thuật, đội bóng đất Cảng đã thu về 3 điểm trọn vẹn trước nhà đương kim vô địch với một ông thầy giỏi nhưng chưa hiểu được sự khắc nghiệt của V-League.

Hai trận đấu gần đây gặp Quảng Nam (vòng 4) trên sân Vinh hay gặp Thành phố Hồ Chí Minh (vòng 7) trên sân Thống Nhất của đội bóng trẻ Sông Lam Nghệ An dưới tay huấn luyện viên trẻ Phan Như Thuật cũng để lại nhiều dấu ấn chiến thuật đáng nói về sự “bắt bài” cao tay của đối thủ. Hãy nhớ lời huấn luyện viên Philippe Troussier, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam rằng, các cầu thủ ở V-League chỉ thi đấu tốt ở cường độ cao trong vòng 60 phút, còn lại chậm đưa bóng vào cuộc, đi bộ, nằm sân để kéo trận đấu đến hết giờ! Điều đó đúng với cả các cầu thủ lão luyện, lẫn các đàn em trẻ, trong đó có các cầu thủ Sông Lam Nghệ An.

Hiểu được điều đó nên phải tới hiệp 2, huấn luyện viên Văn Sỹ Sơn mới tung cầu thủ ngoại Yago Goncalves đầy sức mạnh càn lướt vào sân và ngay lập tức ghi bàn thứ 3 cho đội khách. Đến cuối trận, một lần nữa trung vệ Eze lại sút thắng Văn Việt từ khoảng cách gần trước sự bất lực do xuống sức của cả cầu thủ ngoại lẫn nội của chủ nhà Sông Lam Nghệ An.

bna-z4999956612514-2e9d629a92271ea95168fd0a141cc35c-4129-9380.jpg
Sông Lam Nghệ An có trận thua đau đớn trước chủ nhà Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu Chung Lê

Mới đây, trên sân Thống Nhất, cuối hiệp 1, huấn luyện viên Phùng Thanh Phương cũng rút một nội binh ra và thay bằng ngoại binh Ntep, nhằm tận dụng sự xuống sức của dàn trẻ Sông Lam Nghệ An nhưng không thành công. Sau đó ông thầy này lại tung nốt ngoại binh còn lại là Timite để tạo áp lực tối đa lên đội khách. Dù họ không thể ghi bàn nhưng chính áp lực đó đã khiến cầu thủ trẻ Văn Huy mắc sai lầm nghiêm trọng khiến đội nhà thua cuộc tức tưởi…

Để thấy, ở V-League, việc các huấn luyện viên nội như Huỳnh Đức, Chu Đình Nghiêm biết cách “bắt bài” và khắc chế các ông thầy ngoại như Popov, Gong Oh-kyun là “chuyện thường ngày” và đừng bao giờ nói là thầy nội kém hơn thầy ngoại trong cuộc chiến cam go này. Tương tự, với kinh nghiệm của mình, Văn Sỹ Sơn hay Phùng Thanh Phương luôn dễ dàng biết cách “nắm thóp” Như Thuật để tạo lợi thế cho đội nhà, như câu chuyện vừa nói ở trên.

Tất nhiên, ở đây cũng cần nói đến câu chuyện “lực bất tòng tâm”, biết đó mà không thể làm gì được. Huấn luyện viên Phan Như Thuật và các trợ lý thừa biết năng lực và sự tận tâm, tận hiến của dàn trẻ Sông Lam Nghệ An, những người phần lớn đang chơi ở các đội U, vì điều kiện thực tế nên phải đưa vội lên đội 1 sau khi một loạt đàn anh kinh nghiệm chuyển đi đội khác. Những Bá Quyền, Văn Lương, Văn Bách, Nam Hải…vừa chơi ở vòng chung kết U21 quốc gia nay khoác áo đội 1 chơi V-League nếu không nói là “chín ép” thì cũng vội, thời gian làm quen sân chơi lớn quá ít. Thủ môn Văn Việt dù chơi tốt, thì cũng chỉ mới bắt chính ở cuối mùa trước, nay đã đeo băng đội trưởng, là điều không hề thấy ở đội bóng xứ Nghệ từ ngày thành lập đến nay.

Và với cách luyện tập, thi đấu ở các đội trẻ, lứa trẻ, nay lên chơi V-League sẽ cực khó để đua tranh với các đàn anh, với ngoại binh dày dạn. Ở mùa bóng này, Sông Lam Nghệ An đã để thủng lưới về cuối trận rất đáng nhớ trong các trận gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Quảng Nam và mới đây trước Thành phố Hồ Chí Minh, đều có chung một nguyên nhân là xuống sức, không thể theo kịp diễn biến trận đấu ở ít nhất 15 phút cuối. Điều này thì dù biết, huấn luyện viên Phan Như Thuật cũng rất khó để khắc phục khi lực lượng chỉ có thế và đến thế, nên việc bị đối thủ “bắt bài” là điều không chóng thì chầy sẽ diễn ra…

Sức mạnh của một đội bóng đến từ lực lượng dồi dào, đá chính không quá cách biệt với dự bị, ngoại binh giỏi; từ sức mạnh cổ vũ trên khán đài; từ chế độ khen thưởng thỏa đáng và khích lệ tối đa và tất yếu là sức mạnh đến từ khu kỹ thuật. Hội đủ các điều kiện đó, việc Bình Dương, Nam Định…đang chơi thăng hoa, hiệu quả, trong khi Hoàng Anh Gia Lai, Sông Lam Nghệ An, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang bề bộn gian khó…là “quy luật muôn đời” của bóng đá chuyên nghiệp.

Có thể khẳng định sức hấp dẫn của bóng đá thể hiện trong từng đường bóng trên sân, từng pha phối hợp, ghi bàn của các ngôi sao là điều dễ nhận thấy nhất. Tuy nhiên, đừng quên, bóng đá còn có cái tài, cái hay từ khu kỹ thuật, như câu chuyện của huấn luyện viên Lê Huỳnh Đức hay Chu Đình Nghiêm và nhiều huấn luyện viên giỏi khác, trong mỗi trận đấu, trong việc định hình lối chơi, tạo thế trận, bắt bài, khắc chế đối thủ… để giành kết quả tốt nhất cho đội nhà. Điều thú vị, sâu xa, tài tình của bóng đá và những người làm bóng đá chính là chỗ đó./.

Tin mới