Việt Nam - Hong Kong (TQ): Phiên bản nâng cao mới của ông Troussier ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trận đấu giao hữu bóng đá quốc tế gặp đội Hong Kong-Trung Quốc ngày 15/6 là trận đấu ra mắt của ông Philippe Troussier trên cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng của FIFA hiện tại, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 95, trong khi đội Hong Kong (Trung Quốc) xếp thứ 147, có nghĩa là ông Troussier chọn một đối thủ không quá mạnh, từng có lịch sử 5 lần gặp nhau với 3 thắng, 1 hòa và 1 thua, để cuộc ra mắt dễ ‘đầu xuôi đuôi lọt” là điều có thể hiểu được. Tất nhiên, trận giao hữu quốc tế sau đó gặp đội tuyển Syria (hiện xếp thứ 97) sẽ là một đối thủ “cân sức, cân tài” để thầy trò ông Troussier chứng minh mọi điều trước bàn dân thiên hạ về câu chuyện nâng tầm, sau những gì bóng đá Việt đạt nhiều thành công dưới thời Park Hang-seo.

Khác với thông lệ lâu nay, lần tập trung này của đội tuyển Việt Nam dịp FIFA Day được “trộn” với U23 và U20 Việt Nam. Cầu thủ được gọi lên cùng tập chung, cùng được truyền đạt triết lý, cách chơi mới, cùng chơi đối kháng…để ông thầy chọn ra bộ khung theo ý mình. Đội hình được cho là tốt nhất sẽ đi Hải Phòng chuẩn bị đá giao hữu với đội tuyển Hong Kong (Trung Quốc), đội hình còn lại đá nội bộ với Công an Hà Nội và Hải Phòng, sau đó chọn ra lực lượng tốt nhất đá với đội mạnh Syria trước khi giải tán.

Quá trình này đã diễn ra một số bất ngờ trong con mắt của giới chuyên môn và người hâm mộ. Ngoài việc cầu thủ bị chấn thương được trả sớm như Hồng Duy, Nguyên Mạnh, thì việc Tiến Linh hay Việt Hưng ở lại đội hình 2 cũng do chấn thương cho thấy ông thầy đã có sẵn các phương án thay thế vừa cả trước mắt lẫn lâu dài. Không phải ngẫu nhiên Văn Tùng cùng Tuấn Tài, Văn Khang, đặc biệt là Văn Toản, một cái tên xa lạ lại có tên trong số đội hình 1 đi Hải Phòng? Khi Tiến Linh, Công Phượng đang… thất thế, khi Tuấn Hải hay Mạnh Dũng không phải là quá xuất sắc thì “vua phá lưới” SEA Games 32 Văn Tùng hoàn toàn có thể được đá chính trong triều đại mới, bắt đầu từ trận giao hữu đầu tiên?

Cũng trong khi Quang Hải mài mòn trên ghế dự bị ở giải hạng 2 Pháp, dù có “đẳng cấp” đến mấy thì quá trình trở lại vẫn cần thời gian, chắc chắn phải sau khi về Công an Hà nội với chế độ “khủng”. Vì vậy, các nhân tố mới sẽ có dịp được thử lửa như Văn Khang từ U20 lên, biết đâu cả Văn Toản mà lâu nay ít người phát hiện ra, trừ ông thầy người Pháp, để chiếm một vị trí ở tuyến giữa vốn dày đặc các ứng viên?

Sơ bộ hình dung như trên để thấy ông Troussier đang dần cho thấy hình hài một bộ khung đội tuyển Việt Nam trong 2 trận giao hữu mở màn tới đây. Đội hình này sẽ có đủ các nhân tố chính từ thời ông Park Hang-seo, từ trận giao hữu năm 2016 với Hong Kong (Trung Quốc) như Ngọc Hải, Tiến Dũng, Văn Toàn và Tuấn Anh(?) cộng với Văn Lâm, Thanh Bình…, lứa U23 Việt Nam như Tuấn Tài, Văn Khang, Văn Tùng. Người ta dự đoán trong 3 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài, dù vẫn được đưa đi Hải Phòng nhưng có lẽ chỉ Văn Toàn được đá chính, còn Quang Hải, Công Phượng rất khó chen và phải vào sân sau từ ghế dự bị, thậm chí rất ngắn ngủi?

Câu chuyện còn bí ẩn với việc những cầu thủ nào chơi tốt ở 2 trận giao hữu nội bộ ở đội hình 2 để được bổ sung cho đội hình 1 trận đấu quan trọng với đội tuyển Syria? Người viết tin là có nhưng không nhiều? Bởi đây là cạnh tranh, là phần thưởng cho mọi nỗ lực của từng tuyển thủ. Nhưng sẽ ít người được chọn vì cạnh tranh gay gắt, thời gian ngắn nên khó để chứng minh thuyết phục với ông thầy khó tính? Dù sao, đây là cách làm cần thiết, nhất là đối với cầu thủ trẻ. Cơ hội của họ sẽ rất nhiều trong thời gian tới, trong khi “quỹ” thời gian cũng như mức độ cống hiến của nhiều đàn anh đã đi về chặng cuối.

Ngọc Hải chẳng hạn, giờ vẫn chứng minh là người khó thay thế, nhưng anh này đã 30 tuổi, đang chơi chệch choạc ở Sông Lam Nghệ An và không chắc sẽ chơi tốt khi đến Công an Hà Nội sắp tới? Không khó để biết rằng, ông Troussier vốn tin dùng lứa cầu thủ từ 22-28 tuổi trong bộ khung và sơ đồ thành công của mình. Trong bước nâng tầm đội tuyển, ông Troussier tất nhiên cần đến những cựu binh dày dạn, nhất là bước khởi đầu để dẫn dắt lớp trẻ. Đến khi mọi việc hanh thông, tất nhiên ông thầy sẽ biết cách khai thác và phát huy những tiềm năng mới, nhân tố mới mà ông dày công uốn nắn từ trong trứng nước.

Ở SEA Games 32, dù không thành công nhưng ông Troussier cho thấy đầy đủ việc phát huy điểm ưu trội thời Park Hang-seo để lại nhưng cũng nhanh chóng tạo ra dấu ấn riêng với những cái tên hoàn toàn mới như: Thái Sơn, Văn Cường, Minh Trọng, Văn Tùng… Lần này, ông thầy lại gọi tiếp Văn Toản trẻ trung lên đội hình, cho Tiến Linh, Nguyên Mạnh một bước lùi để “báo động” cho những đổi thay cần thiết của đội tuyển Việt Nam giai đoạn mới. Trước mắt chúng ta hãy chờ xem ông Troussier tung đội hình nào, chiến thuật ra sao, đạt được mục tiêu cụ thể gì của “phiên bản nâng cao mới” trong trận đấu với đội tuyển Hong Kong (Trung Quốc)? Rất mong mọi dự báo, đoán định của người viết trên đây là hoàn toàn… trật lất so với toan tính sâu xa của ông thầy người Pháp và mọi việc sẽ diễn ra theo một kịch bản khó lường, thú vị?

Tin mới