Vùng đất cách mạng hứa hẹn thành vùng động lực phát triển mới

(Baonghean.vn) - Là vùng đất từng được gọi là “tứ tắc”, kém phát triển, nay huyện Thanh Chương đã trở thành một trong những địa phương có nhiều thay đổi về kinh tế xã hội, trong đó có giao thông, hạ tầng, tạo thêm nhiều cơ hội để thu hút đầu tư.

Những ngày đầu năm 2017 trong không khí đón chào năm mới cán bộ nhân dân các xã Thanh An, Thanh Thủy nói riêng và huyện Thanh Chương nói chung hết sức vui mừng khi được đón đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trực tiếp kiểm tra dự án dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau. Ảnh Trần Đình Hà
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trực tiếp kiểm tra dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau. Ảnh Trần Đình Hà

Đây là một công trình thủy lợi có tiềm năng về phát triển du lịch đã được du khách gần xa biết đến. Trên cơ sở này, huyện Thanh Chương đã kết hợp với Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO 4) lập dự án để đưa Cầu Cau trở thành điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Hiện dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận. Trên diện tích 85,46 ha sẽ có 11 hạng mục phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí với tổng vốn đầu tư là 1.532 tỷ đồng, chia làm 5 giai đoạn thời gian thực hiện từ 2017 - 2022.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các nhà nhà đầu tư Hàn Quốc thực địa ở xã Thanh Khê. Ảnh Trần Đình Hà
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các nhà đầu tư Hàn Quốc thực địa ở xã Thanh Khê. Ảnh: Trần Đình Hà

Trở lại với một thời điểm trước đó, ngày 28/6/2016, lần đầu tiên các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã đặt chân đến huyện Thanh Chương để khảo sát tìm hiểu đầu tư. Sau đó ngày 7/11/ 2016, họ đã quay trở lại và quyết định chọn vùng giáp ranh giữa xã Thanh Khê và Thanh Thủy có diện tích  khoảng 112,5 ha để lập dự án xây dựng một khu liên hợp bao gồm dệt may, gia công da dày và sản xuất mỹ phẩm. Nếu thành công đây sẽ là những dự án lớn đầu tiên được xây dựng trên địa bàn.

Nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An (Thị trấn Thanh Chương) là doanh nghiệp có bước tăng trưởng nhanh trên địa bàn. Ảnh Trần Đình Hà
Nhà máy tinh bột sắn Intimex Nghệ An (Thị trấn Thanh Chương) là doanh nghiệp có bước tăng trưởng nhanh trên địa bàn. Ảnh: Trần Đình Hà

Nói như vậy bởi từ trước đến nay trên địa bàn huyện chưa có dự án, nhà máy nào đáng kể. Cách đây 13 năm mới có nhà máy Tinh bột sắn Intimex được xây dựng. Từ năm 2015 có thêm nhà máy may Centura tại xã Thanh Tiên. Ngoài ra còn các dự án nhỏ như nhà máy chè Rồng Phương Đông và Trường Thịnh.

Những năm gần đây cũng đã có một số nhà đầu tư như doanh nghiệp Vạn An - Nam Đàn (Thành phố Hồ Chí Minh) đã lập dự án “chế xuất tinh dầu và thực phẩm chức năng công nghệ cao” tại xã Thanh Thủy, hiện đã hoàn thành việc GPMB. Trong năm 2014, huyện cũng đã thu hút được dự án nhà máy chế biến gỗ thanh và than nhiên liệu ở xã Thanh Xuân, nhưng đến nay các dự án này chưa được phát triển thêm.

Nhà máy may Centura (Thanh Tiên) mới đi vào vận hành 2 năm, hiện đang có tốc độ phát triển tốt. Ảnh Trần Đình Hà
Nhà máy may Centura (Thanh Tiên) mới đi vào vận hành 2 năm, hiện đang có tốc độ phát triển tốt. Ảnh: Trần Đình Hà

Trở lại với các dự án, nhà máy đã được xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn, nhìn chung đều đã phát huy được hiệu quả, thu hút giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần làm chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Cả người đầu tư, người lao động và cấp ủy chính quyền đều hài lòng đánh giá cao sự hợp tác. Bên cạnh các dự án sản xuất, kinh doanh để nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh của huyện, nhất là nguồn nhân lực, nguyên liệu tại chỗ, huyện Thanh Chương cũng đã lồng ghép các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển.

Huyện Thanh Chương cũng đang có nhiều lợi thế lớn. Từ những khó khăn về giao thông, hiện nay đã có hệ thống giao thông với 52km đường Hồ Chí Minh đi qua và Quốc lộ 46 nối Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò. Cầu Đò Cung và tuyến đường chính nối từ xã Thanh Liên đi xã Hạnh Lâm đến đường Hồ Chí Minh cũng đã có quyết định đầu tư.

Ngoài ra còn có hệ thống đường thủy sông Lam và các sông nhánh; có nguồn tài nguyên đất đai rộng… đã tạo dựng được những vùng sản xuất khá lớn với hơn 20.000 ha rừng nguyên liệu; hơn 4 500 ha chè, 2.500 ha sắn; gần 80.000 con trâu, bò; hơn 110.000 con lợn; và dê, gà thả đồi cũng phát triển khá nhanh... Đây được xem là những tiền đề quan trọng để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn kết phát triển nguyên liệu và chế biến, từng bước nâng cao giá trị sản xuất.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Thanh Chương cũng đang đặt ra quyết tâm chính trị cao cho công tác thu hút đầu tư nhằm thu hút các dự án mang tính đột phá đưa huyện phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.

Với những giải pháp đồng bộ trong thu hút đầu tư, huyện Thanh Chương đang từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020./.

Trần Đình Hà

(Đài Thanh Chương)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới