Vượt qua bóng tối

(Baonghean) Cũng là phụ nữ, thế nhưng họ không ở trong những “ngôi nhà hạnh phúc” mà đang cải tạo ở Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội 1  - nơi sẽ giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Dẫu đường về còn xa nhưng họ vẫn nuôi niềm hy vọng một ngày thật gần sẽ được về với chồng, với con.

Những mảnh đời lầm lỗi

M.H.V (SN 1984) có khuôn mặt ưa nhìn, nước da  trắng trẻo. V khóc nức lên hồi lâu mới mở đầu được câu chuyện khó nói của mình…

Nhà V ở Thành phố Nam Định, bố mẹ là công nhân, cuộc sống tuy đạm bạc nhưng luôn đầm ấm vui vẻ. Đang học dở cấp 2 thì bố mắc bệnh ung thư, V phải liên tục nghỉ học để đi chăm bố ở bệnh viện. Sau đó, bố mất, cả nhà lâm vào cảnh nợ nần, V đành bỏ học để nhường cho em trai được cắp sách tới trường. Để phụ giúp mẹ nuôi em và trả món nợ vay ngân hàng chữa bệnh cho bố, V xin đi làm công nhân dệt… thế nhưng, không có tay nghề, đồng lương bèo bọt không đủ chi phí tối thiểu, V bỏ ngang theo bạn vào Nghệ An bán bia.

“Bán bia” chỉ là tên gọi, V sa đà ăn chơi và chấp nhận làm gái mại dâm để có tiền chi cho những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Sau vài lần thử làm “người sành điệu” bằng việc hít chất bột do một gã trai tình nhân giàu có đưa cho, V phát hiện mỗi ngày không được hít thứ khói đó trong người thấy nôn nao không chịu nổi…

Trong số những gã nhân tình, có một sỹ quan quân đội rất yêu thương V. Mặc dù biết V là gái mại dâm và nghiện ma túy, anh vẫn thuê nhà trọ ở cùng và cung cấp cho V tương đối đầy đủ. Biết ơn tình cảm chân thành đó nhưng V không đủ bản lĩnh để từ bỏ những cuộc chơi hoang. Cái gì đến cũng sẽ đến, V bị bắt cùng với đám “chiến hữu” và được đưa về trung tâm cai nghiện. Lúc này, V mới phát hiện mình đang mang thai, các cô, thầy ở trung tâm đã khuyên V nên về quê sinh nở và làm lại cuộc đời, nhưng sau khi người sỹ quan dang tay đón nhận đứa con trai còn đỏ hỏn về nuôi dưỡng thì V lại một lần nữa trốn chạy hạnh phúc để theo tiếng gọi của “nàng tiên nâu”.

Hay trường hợp bà L.T.Y (65 tuổi), có thâm niên vào trung tâm tới 3 lần để cai nghiện ma túy. Nhà ở huyện Kỳ Sơn, với lũ con lít nhít 13 đứa. Cười khoe hàm răng đen xỉn, bà Y vô tư nói: “Tui đã cắt cơn được 6 tháng rồi, bây giờ thì không thèm thuốc nữa, nhưng về nhà không biết chúng nó có đến rủ nữa không…”. “Chúng nó” là những “bạn nghiện”, dù biết bà đã đi cai nghiện thành công, nhưng sau khi về nhà, lại đến rủ rê, vậy nên bà Y muốn từ bỏ thật không dễ dàng gì.

Đường về còn xa

Hãy nghe M.H.V tâm sự: “Không phải mình không muốn có một cuộc sống bình thường, bên người chồng sỹ quan quân đội và đứa con kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Nhưng đời mình đã lún sâu vào vũng bùn nhơ nhớp rồi, không xứng đáng với tình yêu chân thành của anh ấy nữa. Bên cạnh đó, đối mặt với cuộc sống xô bồ, nhiều cạm bẫy, để quay trở lại thật khó”...

                                         Phút nói thật của một học viên.

Cạm bẫy, đó là sự lôi kéo của những kẻ đã từng chung hít từng làn khói thuốc và cùng mê đắm trong ảo giác của thuốc lắc, rượu mạnh. Những kẻ đó, dẫu biết rằng cô vừa từ nơi cải tạo về và biết sau cô là một gia đình đang mong đợi nhưng chỉ chờ cơ hội thấy cô yếu lòng lại kéo cô vào ma túy. Cạm bẫy, đó là khi thấy chúng xúng xính áo quần, trong khi mình bỗng chốc trở thành kẻ lôi thôi, lạc hậu. Cạm bẫy, còn là  sự mặc cảm rồi trở nên bất cần khi nhận được ánh mắt ghẻ lạnh, khinh bỉ của bạn bè, xã hội...

Không riêng gì V mà những số phận ở trung tâm giáo dục cũng có chung tâm trạng như vậy. Theo ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng phòng Quản lý giáo dục, Trung tâm Giáo dục Lao động, thì thực tế hiện nay chỉ khoảng 5% học viên sau khi  về với xã hội không bị tái nghiện. Về nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng trên cả là bởi môi trường dễ bị lôi kéo. Bên cạnh đó, giải quyết việc làm cho người sau cai cũng là một vấn đề nan giải. Hiện tại trong quá trình cải tạo tại trung tâm, các học viên đều được học một trong các nghề như may, mây tre đan, làm lông mi giả, hàn. Tuy nhiên, chỉ một số ít tìm được việc làm, một phần do người sử dụng lao động chưa tin cậy, một phần các học viên cũng ngại khó, ngại khổ khi những nghề này có thu nhập thấp. Vì không có việc làm, không có tiền nên nhiều người lại lựa chọn nghề bán lẻ ma tuý hoặc quay lại nghề mại dâm.

Trước rất nhiều khó khăn hiện nay, thời gian qua, các cơ quan chức năng, nhất là hội phụ nữ các cấp cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt, chị em một thời lầm lỡ, thế nhưng hiệu quả chưa cao. Thiết nghĩ, để chị em sớm hòa nhập cộng đồng, trở về đoàn tụ với gia đình đúng nghĩa là người vợ, người mẹ, trước tiên phải bằng chính nghị lực của chị em, đồng thời người thân, gia đình, xã hội hãy hỗ trợ, động viên họ từ những việc làm nhỏ nhất như tư vấn, tạo điều kiện vay vốn…

Phương - Hà

Tin mới