Cán bộ cần gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa mới trong cưới hỏi

(Baonghean) - Cưới hỏi vốn là một nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc, là một nghi lễ không thể thiếu trong ngày trọng đại của mỗi đời người. Những năm gần đây, việc tổ chức cưới theo nếp sống văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Đoàn Thanh niên các cấp đã tích cực tuyên truyền trong đoàn viên thanh niên tổ chức đám cưới theo nếp sống văn hóa. Thế nhưng, đám cưới ở nông thôn vẫn là một nghi thức tốn kém, cả với người tổ chức cưới và người được mời cưới. Một số cấp ủy, chính quyền ít đề cập đến vấn đề xây dựng nếp sống văn minh trong cưới hỏi, hay chỉ nói chung chung mà không đề ra giải pháp cũng như chế tài cụ thể.

Việc tổ chức cưới ăn uống linh đình 1- 2 ngày đang có xu hướng gia tăng. Có nhiều đám cưới tổ chức nhiều cỗ bàn và khách mời, với lượng khách tối thiểu cũng phải mời từ 400 đến 500 khách. Nhiều người than phiền đi ăn cưới nhiều như đi chạy “show”, có ngày mỗi người phải dự 2 - 3 đám cưới; đi cưới được xem như đi ăn “cơm bụi giá cao”, có đám cưới mời khách đi ăn từ lúc 8 - 9 giờ sáng. Một số địa phương tổ chức cưới xô bồ, thanh niên ăn mặc nhố nhăng, nhảy nhót đủ kiểu, rồi uống rượu, mở loa công suất lớn gần hết đêm. Nhiều lễ cưới diễn ra nhanh chóng, chủ và khách coi nhau như người xa lạ, trừ một lần chạm cốc nâng li, hay bắt tay chào tạm biệt. Có cán bộ làm việc ở xã nói rằng, làm việc ở cơ sở bây giờ khổ lắm, cưới xin, đám tang, đám giỗ, mừng nhà mới chuyện gì cũng được mời, không đi không được, trong khi lương không đủ để chi các khoản hiếu, hỷ. Hiện nay, một số cán bộ, công chức, kể cả lãnh đạo là những người ăn lương Nhà nước cần gương mẫu trong việc tổ chức cưới theo nếp sống văn hóa lại không thực hiện tốt.

Mùa cưới đang đến gần, việc lựa chọn hình thức tổ chức cưới theo truyền thống, theo nếp cũ với cỗ bàn linh đình hay gọn nhẹ theo nếp sống mới vẫn đang là vấn đề đặt ra với nhiều người.  Thiết nghĩ, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm đến vấn đề này, cán bộ lãnh đạo các cấp cần thực sự gương mẫu trong tổ chức cưới hỏi cho con em, nên hạn chế khách mời, chọn hình thức sau lễ cưới mới gửi thiệp báo hỉ, để khỏi làm phiền mọi người. Phải chăng đó là cách làm vừa tốt cho người tổ chức cưới và người được thông báo tin vui. Nếu cán bộ lãnh đạo xử sự như thế, chắc rằng nhiều cán bộ cấp dưới sẽ xem lại mình và đó cũng là cách để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt hơn nếp sống văn hóa mới trong cưới hỏi.

Nguyễn Anh Văn (Huyện ủy Quỳnh Lưu)

Tin mới