Giấc mơ tan vỡ

(Baonghean) - Thời gian qua, liên tục xảy ra những vụ người lao động Nghệ An tại Angola bị chết do bệnh tật, cướp bóc. Nhưng vẫn có nhiều người tiếp tục ra đi, trở thành lao động bất hợp pháp ở quốc gia châu Phi này. Cuộc sống của người Việt đang lao động tại đất nước này như thế nào là điều dư luận quan tâm và thôi thúc chúng tôi tìm hiểu sự thật…

Men theo con đường bê tông nhỏ, ven cánh đồng lúa là nhà ông Nguyễn Diên Hồng, ở xóm 7, xã Nghi Kim, Tp Vinh. Nghe có người tới tìm hiểu về tình hình con trai mình ở Angola, ông Hồng với vẻ mặt lo lắng, chậm rãi rót nước mời khách rồi nói: “Con tôi là Nguyễn Ngọc Dương (SN 1987), đi lao động ở Angola từ ngày 22/9/2012 đang bị bệnh sốt rét nặng ở bên đó, nhưng không có tiền về. Vợ chồng già chúng tôi ở nhà lo lắm”.

Cũng phải thôi, trước những hung tin về những cái chết đã xảy ra với người cùng đi lao động ở bên đó, hai ông bà ở nhà yên tâm làm sao được.

Ông Hồng nói tiếp: “Chi phí cho chuyến đi của nó hết 7000 USD, chưa lấy lại được đồng nào,  nhưng bây giờ tiền không cần thiết nữa, chỉ mong nó được về nhà thôi”.
Chỉ cách nhà ông Hồng một thửa ruộng là nhà anh Nguyễn Đức Cao (SN 1988) bị sốt rét chết ở Angola ngày 1/3/2012. Tiếng tụng kinh niệm phật phát ra văng vẳng từ bàn thờ của người đã mất, làm cho ngôi nhà thêm phảng phất vẻ u buồn. Ông Nguyễn Đức Đại, bố của anh Cao với nét mặt thẫn thờ nói: “Con trai tôi đi Angola từ tháng 1/2013, sang đó được 2 tháng thì nó bị chết vì sốt rét. Gia đình đã nỗ lực cầu cứu khắp nơi, nhưng đến tháng 4 thi hài con tôi mới về được với gia đình”.

 “Thông qua Công ty XK lao động ở Hà Nội, con tôi đi lao động ở Angola với chi phí 7000 USD, sang đó chưa gửi được đồng nào về”.

Tôi hỏi: “Ông có biết là con mình đi lao động chui không?”

Ông Đại buồn bã nói: “Khi đi, phía Công ty XK lao động khẳng định có hợp đồng lao động, bây giờ mới biết là đi lao động “chui”.

Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà anh Phan Văn Sơn ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Anh Sơn vừa thiệt mạng tại Ăng-gô-la vào ngày 12/4, hiện thi hài anh vẫn chưa về được với gia đình. Chị Nguyễn Thị Mai, vợ anh Sơn nằm trên giường nhìn chúng tôi với đôi mắt vô hồn, hình như chị không còn khóc được nữa. Một chiếc bàn và tấm di ảnh của người xấu số đặt ở giữa nhà ngun ngút khói hương. Người cậu ruột anh Sơn nói nhỏ với chúng tôi: “Nó sang Ăng-gô-la làm thợ xây dựng đã hơn một năm. Số tiền chi phí cho chuyến đi này là 140 triệu đồng vay từ ngân hàng, may mà sổ đỏ nhà nó đã được lấy về”.

Cố gắng liên lạc bằng điện thoại sang Angola và gặp được anh Nguyễn Hữu Vinh, đồng hương xã Hưng Tây với anh Sơn, cũng làm thợ xây dựng ở bên đó. Hiện anh Vinh cùng với hai người nữa đang đi quyên góp, xin tiền trong cộng đồng người Việt ở Anggola để đưa thi thể nạn nhân Phan Văn Sơn về nước. Anh Vinh cho biết: “Thi hài của Sơn đang được bảo quản tại nhà xác của bệnh viện với chi phí 80 USD/ 1 ngày, muốn đưa được thi hài về Việt Nam phải tốn khoảng 20.000 USD. Chúng tôi chia nhau đi các nơi, đến gặp các “Sếp cai thầu” và các tổ chức từ thiện để xin họ giúp đỡ, hiện đã xin được 8000 USD”.

Rời khỏi xã Hưng Tây, chúng tôi thầm cầu mong cho người đã khuất sớm được trở về với đất mẹ!

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thì hiện nay Chính phủ Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và có Đại sứ quán tại Cộng hòa Angola. Khi cần liên hệ và cần giúp đỡ, có thể liên lạc với  ông Vũ Thanh Nam, phụ trách Lãnh sự quán Việt Nam, số điện thoại: + 244 924 673 580  hoặc bà  Nguyễn Quỳnh Hoa, số điện thoại: + 244 927 223  052. Ngoài ra, cũng có thể liên hệ với bà Nghiêm Nhật Mai, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Angola, số điện thoại: + 244 923 567 842.

Lời kể từ Angola

Angola là một quốc gia ở Nam châu Phi, rất giàu có về tài nguyên khoáng sản như kim cương, vàng và dầu mỏ. Tuy nhiên khí hậu rất khắc nghiệt và đang chịu một số hậu quả do nội chiến kéo dài để lại. Hiện nay có khoảng 6.000 người lao động Nghệ An và Hà Tĩnh đang lao động ở nước này, chủ yếu là làm nghề xây dựng. Lần tìm qua các mối quan hệ chúng tôi liên lạc được với anh Trần Thế Hoàng (SN 1980), quê xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc). Anh Hoàng đang mở hiệu chụp ảnh và Photocopy tại Macama, Thủ đô Luanda. Đây là một trong những công việc thuận lợi, tương đối thành công ở Angola thời điểm này. Qua điện thoại từ Angola về, Hoàng cho biết: “Mấy năm trước đây, công nhân xây dựng Việt Nam ở bên này rất thuận lợi. Nhưng bây giờ, người Việt sang rất đông, cả người Trung Quốc nữa nên tạo nên sự phức tạp về an ninh trật tự, chính quyền bắt đầu siết chặt quản lý. Cảnh sát tổ chức truy quét và bắt người lao động trái phép rất nhiều”. Hiện nhà Hoàng là một trong những nơi tập trung các thông tin và cầu nối cho những người Nghệ An ở bên đó.

Người Việt Nam lao động chung với người Angola trên công trường   

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Qua sự giới thiệu của anh Hoàng, tôi tiếp tục được gặp anh Nguyễn Tiến Dinh (40 tuổi), nhà ở Tp Vinh, sang Angola được 3 năm. Hiện là công nhân xây dựng, thi công các công trình cơ sở hạ tầng do người Trung Quốc nhận thầu.

Anh Dinh cho biết: “Chúng tôi làm việc một ngày khoảng 10 tiếng, lương khoảng 700 đến 800 USD. Trên công trường có cả công nhân Angola làm chung nữa”.

Khi tôi muốn tìm hiểu về các chủ thầu người Việt, anh Dinh nói: “Các chủ thầu người Việt Nam chủ yếu là người Hà Tĩnh và miền Bắc, Nghệ An mình cũng có nhưng ít. Họ sang Angola lâu rồi, do biết tiếng và có mối quan hệ nên nhận được công trình”. Tôi hỏi: “Anh đã gửi về cho gia đình được bao nhiêu tiền rồi?”. “Hai năm đầu mới sang, tôi cũng kiếm được gần đủ vốn bỏ ra cho chuyến đi. Nhưng hiện nay chủ thầu còn nhiều hơn cả thợ, nên rất khó kiếm công việc”. Tôi nghe rõ nỗi buồn qua lời kể của anh.

Theo anh Dinh cho biết, thì nỗi kinh hoàng của người lao động Việt Nam bên này là: Sốt rét, cướp bóc và cảnh sát Angola bắt giữ. Người lao động Việt Nam là một trong những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh sốt rét và thương hàn nhất, bởi sự thay đổi đột ngột về môi trường sống. Các triệu chứng của bệnh sốt rét tại Angola cũng rất khác xa với sốt rét tại Việt Nam, chỉ giống như cảm cúm thông thường, nhưng khi phát hiện ra sốt rét thì bệnh đã nặng và khả năng cứu chữa rất ít. Hơn nữa, người Việt lao động tại Angola hầu hết là đi theo con đường du lịch, sau 1 năm sẽ hết hạn Visa, lúc này người lao động sẽ trở thành cư trú bất hợp pháp. Chính vì vậy, cơ hội để được điều trị sốt rét tại các bệnh viện công của nhà nước Angola là không có. Nên khi bị sốt rét, chỉ còn cách đưa đến các bệnh viện tư như: Multiperfil, Giassol, Meditec… Tại các bệnh viện này, tiền viện phí chữa 3000 kwanza (khoảng 1,1 triệu tiền Việt Nam) đến 5000 kwanza/1 ngày. Số tiền này vượt quá khả năng tài chính của người lao động Việt Nam tại đây. Chính vì vậy, nên chỉ cần cắt được cơn sốt thì bệnh nhân bỏ trốn khỏi bệnh viện, do đó không được điều trị đúng phác đồ và dứt điểm, khi bị sốt trở lại đều dễ dẫn đến tử vong.

Qua anh Dinh, tôi có số điện thoại của một người chủ thầu tên là Tuấn, quê gốc ở Nam Định, đã trụ lại đất nước này gần 10 năm. Phải qua mấy lần thuyết phục anh Tuấn mới chịu nói chuyện. “Thật ra công việc xây dựng ở Angola có mức thu nhập không đến nỗi nào. Nhưng vấn đề ở chỗ người Việt Nam hầu hết là lao động bất hợp pháp, nên cảnh sát truy bắt rất gắt gao. Khi bị cảnh sát bắt, có thể mất 1 ngàn hay 2 ngàn USD tùy vào mối quan hệ mới chuộc được người ra”.

Khi tôi hỏi về nạn cướp bóc ở bên đó, anh Tuấn cho biết: “Người Việt bị cướp liên tục. Thường thì đang đêm khuya, 5 đến 6 tên da đen lực lưỡng trang bị súng tiểu liên AK ập vào. Chúng dựng tất cả dậy và lục soát tiền, cướp đi mọi thứ có giá trị rồi biến mất trong màn đêm”.

Theo anh Tuấn và anh Dinh, thì kinh nghiệm đối phó với bọn cướp là chôn tiền xuống đất trước khi đi ngủ. Chỉ để lại trong túi ít tiền cho… bọn cướp lấy để tránh bị đòn, bởi nếu không có tiền sẽ bị ăn báng súng đến khi có tiền mới thôi.

 “Nếu nhà nước mình ký kết và để cho người Việt Nam trở thành lao động hợp pháp tại Angola, thì đây là một thị trường lao động rất phù hợp”. Anh Tuấn nói thêm như vậy.

Qua tìm hiểu, được biết người lao động Việt đến Angola bắt đầu từ những năm 2000 với sự giúp đỡ dẫn dắt của anh em, họ hàng vốn là các chuyên gia Việt Nam sang đất nước này vào những thập niên trước.

Trở về và kể lại

Sau 2 tháng ở Angola, anh Nguyễn Hữu Lâm (phường Cửa Nam, TP. Vinh) trở về từ ngày 12/5/2013. Với khuôn mặt hốc hác, da đen cháy và mái tóc xoăn tít đang nằm chuyền nước để giảm sốt, anh Lâm gượng ngồi dậy kể: “Lên đường từ sân bay Nội Bài ngày 12/3/2013, chuyến bay đó chúng tôi có khoảng 70 người chủ yếu là ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Sau 2 ngày và phải chuyển tiếp 3 lần mới đến được Angola. Khi sang đó, người của “cò” nào thì về nhà “cò” đó, một ngày sau thì chủ thầu đến nhận chúng tôi đi làm”.

 “Các công trình xây dựng chủ yếu là nằm giữa rừng, hay sa mạc. Buổi ngày nhiệt độ trung bình khoảng 420C, đêm thì nơm nớp lo sợ bị cướp. Tôi làm được 21 ngày, được nhận 500 USD thì hết việc. Trong lúc thất nghiệp thì bị sốt rét, được mọi người khiêng đến cơ sở y tế tư nhân tự phát của người Việt. Vậy là 500 USD tiền công đã chi cho việc chuyền nước và uống thuốc hết luôn”. Anh Lâm kể tiếp.

 “Kể từ đó phải trốn chui lủi trong nhà không dám ra đường vì sợ cảnh sát bắt. Gia đình tôi đã phải gửi sang cho tôi 1300 USD để mua vé máy bay về nước”.

  Chị Hà, vợ anh Lâm nói: “Tưởng chồng đi nước ngoài kiếm ít tiền về lo cho con cái. Ai ngờ đi về phải mang món nợ lớn và mắc phải bệnh sốt rét nữa”. Anh Lâm quay sang vợ, nhưng cũng như nói với chúng tôi: “Tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác đang kẹt bên đó bà ạ”.

Trước khi chia tay, chúng tôi chỉ dẫn anh Lâm đến trạm sốt rét ký sinh trùng Nghệ An để khám và điều trị.

Từ thành phố Vinh, chúng tôi tìm đến xóm 3, xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc để gặp Nguyễn Đình Hoàng, người vừa trở về từ Angola cùng chuyến bay với anh Lâm. Đang lên cơn sốt, anh chậm rãi nói: “Bên đó người Việt ta khổ lắm anh à, ngày thì lo trốn cảnh sát, đêm thì sợ bị cướp. Đi làm thì lo cai thầu họ quỵt tiền lương”.

Nói rồi Hoàng chìa ra cánh tay trái ra, chỉ cho tôi xem vết sẹo dài rồi kể: “Vào tháng 12 năm ngoái, khi tôi và một người nữa đang ăn cơm, thì có 4 người da đen lực lưỡng xông vào. Một thằng cầm súng, còn lại 3 thằng cầm kiếm. Nó chém một nhát vào tay tôi, rồi bắt cả hai chúng tôi nằm úp mặt xuống đất. Hôm đó chúng tôi bị mất 500 USD và một điện thoại di động”.

“Vậy sao không báo cảnh sát?” Tôi hỏi Hoàng.

“Cảnh sát Angola không xử lý đâu. Gặp người Việt Nam họ còn bắt về trại để lấy tiền chuộc nữa”.

Rồi anh kể tiếp: “Một lần, đang từ bệnh viện về thì gặp ngay cảnh sát. Họ bắt tôi về đồn, giam tôi 2 ngày chờ người mang tiền đến chuộc. Sang ngày thứ ba, do đang bị sốt cao và may mắn gặp được viên cảnh sát tôi đã xây nhà cho anh ta trước đây nên tôi được thả về”.

Suốt thời gian bên đó, anh Hoàng đã 6 lần bị sốt rét. Khi sốt, anh điều trị tại các bệnh viện của Trung Quốc ở Angola với giá 100 USD/1 ngày. Do không đủ tiền nên mỗi lần bị bệnh anh chỉ ở bệnh viện tối đa 3 ngày.

Cũng như những người khác, thông tin về công việc với mức lương hấp dẫn từ 800 đến 1200 USD/1 tháng, cũng như tình hình đất nước Angola anh Hoàng chỉ được nghe qua lời người ta kể. Vì không nắm được một cách chính xác, nên anh và gia đình không ngần ngại chạy vạy đủ 160 triệu đồng, nộp cho một công ty xuất khẩu lao động tại Tp Vinh và lên đường với hy vọng đổi đời. Nhưng trong suốt 8 tháng, trải qua bao nhiêu khắc nghiệt do thời tiết, sự bấp bênh nguy hiểm của thân phận lao động chui trên đất khách. Ngày trở về anh chỉ có 500USD  và căn bệnh sốt rét, tiền vé máy bay để anh trở về Việt Nam cũng do gia đình gửi sang. Cũng như anh Nguyễn Hữu Lâm, anh Hoàng vẫn cho rằng: “Còn may mắn hơn rất nhiều người khác bên đó chưa thể trở về”.

Những khuôn mặt thất vọng dù đã may mắn trở về; những đôi mắt vô hồn ngóng đợi thi hài người thân từ nơi xa lắc; rồi còn nhiều thân phận lao động chui đang ở nơi đất khách... cứ ám ảnh chúng tôi suốt quãng đường về. Có lẽ cái khổ vẫn đang tiếp tục đè xuống nhiều gia đình, giá như họ sớm nhận ra sự thật thì đâu đến nỗi khốn cùng vì những “giấc mơ Angola” tan vỡ!

Bác sỹ Nguyễn Đăng Long - Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét ký sinh trùng- côn trùng tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Tất cả những ai trở về từ Angola, phải đến Trung tâm sốt rét và ký sinh trùng Nghệ An để khám và điều trị. Bởi chủng sốt rét Angola rất nguy hiểm, nó chứa đa sinh trùng, khác với chủng sốt rét Việt Nam chỉ chứa đơn sinh trùng. Triệu chứng của sốt rét Angola cũng khác, chỉ giống như cảm cúm thông thường, nên rất dễ bị chẩn đoán sai và áp dụng phương pháp điều trị không đúng dẫn đến tử vong.

Phóng sự của Thế Sơn

Tin mới