Người trở về từ "tọa độ lửa" năm ấy: Bài 1: Lời cầu nguyện cho mình và đồng đội

(Baonghean) - LTS: Thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc có sự đóng góp công sức, trí tuệ và xương máu của biết bao người con ưu tú của đất nước. Trong đó, có sự đóng góp đáng kể của lực lượng TNXP. Trở về sau cuộc chiến, nhiều người trong số họ đã tìm được nguồn vui, niềm hạnh phúc. Nhưng cũng không ít người phải gánh chịu thiệt thòi, vất vả, cô đơn...

Ánh mặt trời đứng bóng, dòng người về dự lễ khởi công xây dựng Khu lưu niệm di tích lịch sử Truông Bồn đã vãn dần, tôi nhìn thấy bà, một dáng người nhỏ bé trong trang phục màu cỏ úa của lực lượng TNXP. Bà thắp nén tâm nhang, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng đội rồi sụt sùi khóc. Những tiếng nấc nghẹn ngào, chua xót khiến tôi không thể cầm lòng. Hỏi ra mới biết bà là cựu TNXP Đinh Thị Liễu, quê ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu. Phục vụ cách mạng, tuổi thanh xuân của bà trôi qua lúc nào không hay. Nay cảnh già đơn chiếc, sống nương tựa vào anh em, xóm làng. Cứ đến ngày lễ, Tết, bà lại cặm cụi đạp xe hơn 20 cây số về lại Truông Bồn, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội, thăm lại chiến trường, tìm lại mình hơn 40 năm về trước...

Dịp này, tôi lần theo địa chỉ bà Đinh Thị Liễu để lại. Ngôi nhà nhỏ bé nằm nép mình bên cạnh nhà cậu em trai, giữa xóm làng trù phú. Gần một năm gặp lại, trông bà già yếu đi nhiều. Tấm lưng gầy, không đi thẳng được nữa. Đôi bàn chân từng băng qua lửa đạn, trèo đèo lội suối nay thường xuyên đau nhức, tê buốt. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, bà phải gắng gượng để trụ vững trước cuộc đời.

                           Bà Liễu vẫn thường đạp xe thăm Khu Di tích Truông Bồn.

Cài vội chiếc cúc áo, bà đon đả rót nước mời khách rồi bắt đầu những mẩu chuyện không đầu không cuối. Kỷ niệm về một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chợt ùa về, bà như quên hết ốm đau, bệnh tật, giọng nói trở nên khỏe khoắn. Năm 1965, đang học dở lớp 5/10, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà Liễu giấu cha mẹ viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP. Bà được phân về Đại đội 304  phụ trách vận chuyển lương thực, thực phẩm và thông tin liên lạc.

Theo bước hành quân của đơn vị, bà có mặt trên nhiều cung đường, từ cầu Cấm, cầu Phương Tích (Nghi Lộc), cầu Giát (Quỳnh Lưu), đến Truông Bồn (Đô Lương), dốc Lụi (Nghĩa Đàn)… Biết bao nhiêu lần cô gái tuổi 20 ấy lấy thân mình để che chở xe để hàng ngày đồng đội nơi chiến hào có lương thực, thực phẩm, đủ sức chiến đấu. Bà Liễu chia sẻ: “Mình chết thì chỉ mất mỗi bản thân mình. Xe hàng đó là lương thực, thực phẩm của nhân dân dành cho các chiến sĩ. Không có cơm ăn thì anh em lấy đâu ra sức mà đánh giặc, đào đường”.

Thời điểm giặc Mỹ điên cuồng ném bom rải thảm xuống Truông Bồn (31/10/1968), bà Đinh Thị Liễu đang thồ hàng từ Vinh về “tọa độ lửa” này, gần đến dốc Kỳ Lợn (thuộc địa phận xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn) thì thấy phía bên kia dốc, đất trời mù mịt, tối đen. Linh tính mách bảo điềm chẳng lành, bà tấp xe hàng vào nhà người quen rồi chạy nhanh về đơn vị. Lúc đó, mọi người đang đào bới, tìm kiếm thi thể những chiến sỹ TNXP bị bom vùi lấp. Bà lao nhanh ra mặt đường, rồi cùng đào bới, kiếm tìm. Hình ảnh người cha bị đánh bom năm xưa ùa về. Rồi bước chân của bà tiếp tục qua lại những trọng điểm bị đánh phá ác liệt.

Bao nhiêu lần đối mặt với cái chết, bà nhớ lại: “Một hôm, tiểu đội của tôi nhận nhiệm vụ vận chuyển pháo về Đồi Sy (Thuận Sơn – Đô Lương). Đi qua địa phận xã Xuân Sơn thì máy bay giặc kéo đến. Từng loạt bom dội xuống, đất trời như nổ tung, khói bụi mù mịt. Đồng chí trực chiến ở gần đó chạy đến gần và đẩy tôi xuống hầm ẩn nấp. Lúc máy bay Mỹ đã đi xa, định thần lại tôi thấy bàn tay mình đang nắm chặt tay đồng chí ấy, một bàn tay còn ấm nóng nhưng thân thể  không còn nguyên vẹn nữa. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết rõ tên của người đã đánh đổi sinh mạng để che chở cho mình? Vì thế, tôi luôn dặn mình dù khó khăn, gian khổ, cuộc đời sóng gió thì vẫn phải sống tốt để xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội”.

Nói đến đây, bà bật lên tiếng nấc nghẹn ngào. Với bà, những mẩu chuyện đẫm máu và nước mắt như mới diễn ra ngày hôm qua, trong tâm tưởng vẫn còn vẳng tiếng bom gào đạn dội. Bà cũng không hiểu tại sao lúc đó, một cô gái như bà lại có thể đẩy hàng tạ gạo, băng qua hàng chục cây số đường rừng. Thời kỳ ấy, năm nào nữ TNXP Đinh Thị Liễu cũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, có lần được gặp Bác Hồ, được Bác nắm tay, dặn dò và cổ vũ. Hết kỳ hạn 3 năm tham gia TNXP, bà Liễu được cử đi học Trung cấp quản lý, rồi về nhận công tác ở Đảng ủy Ty Giao thông. Hòa bình lập lại, bà tiếp tục ở lại phục vụ công tác hậu cần cho đơn vị Z167 – Bộ Quốc phòng, đóng ở Đồi Sy (Thuận Sơn, Đô Lương).

Thời hoa lửa anh hùng rồi cũng qua đi, tuổi già ập tới bà mới giật mình, thảng thốt. Nói về hạnh phúc riêng, giọng bà chùng xuống, nét mặt đượm buồn. Bà đưa tay lau khô giọt nước đọng lại nơi khóe mắt rồi tiếp tục câu chuyện thuở thanh xuân. Hồi còn đi học, bà Liễu là người nết na, học giỏi nên luôn được thầy yêu bạn mến. Tình yêu đầu đời của bà cũng bắt đầu từ tình cảm thầy trò. Đó là người thầy dạy Toán.

Dịp nghỉ hè, thầy giáo nhờ cô học trò Đinh Thị Liễu lên nấu ăn cho các giáo viên ở tập thể. Ái ngại vì tuổi mới lớn, chưa biết cách nấu nướng, nhưng trước sự tha thiết của thầy, bà nhận lời. Rồi những bữa ăn ấm cúng, rộn rã tiếng cười đã gắn kết tình cảm hai người. Họ thầm ước hẹn với nhau. Thế rồi, bà lên đường phục vụ chiến đấu, thầy giáo sau này cũng thuyên chuyển công tác ở nhiều nơi.

Bà Liễu nhớ lại: “Thời gian anh ấy công tác ở kho bạc Qùy Hợp, mỗi lúc xuống Vinh đều ghé qua nhà. Lúc ấy tôi lại đang ở xa. Rồi cũng thư đi, thư về thường xuyên. Do công việc phải di chuyển từ nơi này qua nơi khác, hai người thất lạc nhau. Hòa bình lập lại, biết tin anh đã lập gia đình, tôi không tìm gặp nữa. Tất cả là do chiến tranh thôi mà”.

Bà nén nỗi niềm riêng để tiếp tục công việc phục vụ trong quân ngũ. Đến một lúc ngoảnh lại, bạn bè cùng trang lứa đều đã con bồng cháu bế, nghĩ đến phận mình cô quạnh, lòng chợt quặn thắt. Bà gồng mình lên để gánh việc gia đình, nuôi mẹ già, em nhỏ. Vậy nhưng, đêm đến, nỗi cô đơn lại bủa vây. Người mẹ già rồi cũng về với tổ tiên, anh chị em trong nhà đều có gia đình riêng, một mình bà chống chọi với tuổi già. Có lúc, niềm ao ước được làm mẹ, làm vợ như đốt cháy tâm can. Sức khỏe bà cũng xuống dốc nhanh chóng.

Năm 1990, bà xin nghỉ hưu sớm. Lúc này, bà nhận lời gá nghĩa cùng người đàn ông góa vợ. Những tưởng từ đây hạnh phúc sẽ mỉm cười. Nhưng rồi, niềm hạnh phúc ấy chẳng tày gang, người đàn ông của bà đổ đốn, suốt ngày rượu chè, không chịu lao động chỉ trông chờ vào mấy đồng lương hưu của vợ. Bà khuyên can bằng mọi cách, chỉ được ít bữa, ông lại chứng nào tật nấy. Lại còn dở thói vũ phu. Thời gian đầu, bà Liễu đành im lặng, nín nhịn.

Thế nhưng, đến lúc bà nhận thấy sự cố gắng của mình là hoài phí, đành khăn gói về ở cùng gia đình em trai. Ít lâu sau, bà quyết định dựng một ngôi nhà nhỏ. Càng về già, nỗi cô đơn lại xâm chiếm tâm hồn, bà đau ốm thường xuyên, có lúc tưởng chừng không thể gượng nổi. Ngày ngày, bà vẫn lên chùa thắp hương niệm Phật, cầu mong cuộc sống an lành, được chở che và bà cũng nguyện cầu cho các đồng chí, đồng đội đã hy sinh được siêu thoát...

Nguyễn Lê

Tin mới