Đồng tính - một góc khuất

(Baonghean) - Trong xã hội hiện nay, mặc dù cái nhìn về đồng tính đã có phần cởi mở hơn nhưng phần lớn người đồng tính vẫn phải sống “ẩn mình” vì sự kỳ thị còn khá gay gắt. Đằng sau những biểu hiện như không có gì khác biệt, người đồng tính còn có những “góc khuất” không phải ai cũng biết. Họ luôn mong muốn có một cuộc sống yên ổn, và có ý nghĩa nhất…

Nhóm MSM đầu tiên ở Vinh

Giữa ánh nến lung linh, “nhân vật chính” của bữa tiệc rạng ngời trong những lời chúc mừng. “Hai thành viên hoạt động rất tích cực của nhóm bọn em đấy”, Nam rỉ tai tôi. Mỗi tháng, nhóm sẽ tổ chức “mừng tuổi mới” cho các thành viên có ngày sinh nhật trong tháng tại điểm hẹn là một quán nước vỉa hè. Ngoài tôi là “người lạ”, những người có mặt trong bữa tiệc ấy phần đông là thành viên của nhóm MSM mà chúng tôi được Nam giới thiệu để tìm hiểu (MSM là chữ viết tắt chỉ những người nam có khuynh hướng tình dục đồng giới).

Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia nhóm, giờ đã trở thành một giáo dục viên đồng đẳng làm việc cho một dự án phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tại Nghệ An. Phần công việc của chàng trai trẻ là tìm đến những người có khuynh hướng tình dục đồng giới, thuyết phục họ cùng tham gia sinh hoạt nhóm để giúp họ tiếp cận những kiến thức về giới tính của mình, tư vấn cách phòng tránh những nguy cơ lây nhiễm các bệnh liên quan đến quan hệ tình dục. Nam tâm sự: “Những người có bản năng giới tính như bọn em là thuộc số ít, dễ bị xã hội hiểu nhầm, xa lánh nên thường giấu kín thân phận. Họ thường cảm thấy cô đơn, dễ rơi vào tâm lý cực đoan. Họ sống ẩn mình với bản năng tự nhiên khác biệt đó, như vậy sẽ càng làm tăng khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng”.

Chúng tôi cũng được gặp anh Thành, giáo dục viên đồng đẳng của một nhóm MSM “tự phát” đầu tiên ở Vinh. Anh Thành bộc bạch: “Phần lớn mọi người vẫn chưa hiểu, chưa chấp nhận rằng đồng tính là bản năng tự nhiên, mà chỉ nghĩ rằng đó là lối sống lệch lạc. Mọi người cần biết, người đồng tính cũng luôn mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa”. Với tâm niệm đó, từ mấy năm trước, mỗi khi có dịp vào Nam, ra Bắc, anh tranh thủ tiếp cận, tìm hiểu về các tổ chức cho người đồng tính. Từ đó, anh lên kế hoạch thành lập nhóm những người đồng tính tại Vinh.

Anh cho biết, việc tiếp cận người đồng tính là rất khó vì phần lớn họ đều giấu kín, không dám thừa nhận mình. Nhưng trái với tâm lý đó là bản năng tính dục tự nhiên rất mạnh, khiến họ phát sinh tâm lý phức tạp, từ đó có thể nảy sinh những hệ lụy xấu cho cộng đồng. “Nếu không có những đồng đẳng viên thì việc tiếp cận với người đồng tính là cực kỳ khó khăn. Như vậy, sẽ không phổ biến được những biện pháp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng người đồng tính”, anh Thành khẳng định.

Để trở thành những đồng đẳng viên làm việc cho các dự án phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, do các tổ chức phi chính phủ tài trợ tại Việt Nam, anh Thành và Nam phải trải qua thời gian thử thách trong vai trò một cộng tác viên cộng đồng. Được tham gia các lớp huấn luyện về kiến thức, kỹ năng về giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cũng như các kỹ năng bảo vệ, phòng tránh lây nhiễm các bệnh lây truyền qua con đường quan hệ tình dục. Hàng tháng, các đồng đẳng viên phải thực hiện kế hoạch duy trì thông tin với những người đồng tính là các “khách hàng” quen thuộc, tiếp cận với những “người mới” để giúp họ hiểu và tham gia sinh hoạt trong nhóm. Nam tâm sự: “Công việc cũng lắm nỗi niềm, vì phần lớn mọi người chưa có cái nhìn đúng và chưa thật sự chia sẻ với người đồng tính. Nhưng bọn em tin, nếu tất cả những người đồng tính luôn hướng đến một cuộc sống tích cực và ý nghĩa, thì sẽ được nhìn nhận một cách công bằng!”.

Lễ sinh nhật thành viên của một nhóm MSM.

“Bí mật” cần được sẻ chia

Nam sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo. Tuổi học trò dưới mái trường quê, những buổi thả diều, chăn trâu, lặn lội nắng trưa bắt cá đồng mùa nước rặc. Được bố mẹ yêu chiều hơn cả vì cậu ngoan ngoãn, học giỏi nhất nhà. Hy vọng đứa con trai giỏi giang sẽ thành danh từ con đường học vấn, bố mẹ quyết định sẽ chỉ cho Nam tiếp tục học lên, còn người anh trai và em gái đi xuất khẩu lao động nước ngoài.
“Sẽ chẳng có gì thay đổi, nếu điều đó không xảy ra…” – Nam ngập ngừng rồi bỏ dở câu nói. “Em đã muốn chôn vùi “bí mật” giới tính của mình vào nơi sâu cùng nhất, từng muốn rằng nó chưa hề tồn tại, anh ạ…”. Nam kể, khi cậu học lớp 11 thì cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu khác lạ. Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” ấy, cậu là đứa khôi ngô chững chạc nhất trong đám bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng, khi bạn trai, bạn gái đã biết trao cho nhau những vần thơ, những trang lưu bút cho mối tình học trò đầu tiên thì riêng mình Nam lại sống trong một cảm xúc khác: thứ tình cảm thiêng liêng đó, trái tim cậu chỉ hướng về… người đồng giới. Với Nam, trong những suy nghĩ vẩn vơ, những thoáng mơ mộng, những ước muốn… đều chỉ hiển hiện hình ảnh những chàng trai.

Cậu cảm nhận mọi thứ ngày càng rõ ràng hơn và bắt đầu hiểu ra. Tâm trí bị ám ảnh bởi cái suy nghĩ về những con người xa xôi nào đó, xã hội gọi là “giới tính thứ ba”. Rồi đây, mình cũng sẽ là một trong những người đó? Mình sẽ chỉ mãi là người chỉ có tình yêu  những người đồng giới sao? Những suy nghĩ ấy theo cậu vào cả trong những giấc mơ, thảng thốt bật khóc. Nam cũng không đủ dũng cảm để nói ra, ngay cả với mẹ - người luôn yêu thương cậu hết mực, luôn là chỗ dựa tinh thần của cậu. “Ngày khăn gói lên đường vào Vinh học, em đã khóc rất nhiều. Cuộc sống thật chông chênh”, Nam bồi hồi nhớ lại.

Không chỉ riêng Nam có tâm trang như vậy, bởi trên thực tế, sự kỳ thị đối với người đồng tính được thể hiện khá rõ, nhất là đối với những người không quen biết hoặc không hiểu, không thân thiết với người đồng tính. Từ đó, họ thường xa lánh và thậm chí thể hiện sự “tẩy chay”. Ở những nơi như trường học, công sở, các tổ chức xã hội,… người đồng tính thường bị coi “ngoài lề”, bị dèm pha, miệt thị. Và sự kỳ thị, phân biệt đối xử còn gay gắt hơn cả từ phía gia đình và những người thân. Thường thì các thành viên trong gia đình dùng mọi cách để ngăn cấm khi biết con mình có quan hệ đồng giới. Từ việc khuyên bảo rất “tình cảm” đến những biện pháp mạnh, như cấm ra ngoài, và còn đánh đập, đưa con đến bệnh viện chữa bệnh với mong muốn “thay đổi” giới tính cho con.

Phải đối mặt với những điều đó, những người đồng tính không dám bộc lộ khuynh hướng tình dục đích thực của mình mà phải sống một cuộc sống hai mặt: họ vẫn lấy chồng, lấy vợ và có con, nhưng vẫn duy trì quan hệ với những người đồng tính khác. Họ thường quan hệ tình dục với người đồng giới ở những nơi bí mật, nhưng lại không có đủ các điều kiện tiếp cận hoặc sử dụng các biện pháp bảo vệ để có hành vi tình dục an toàn. Do lo sợ bị kỳ thị nên họ không muốn hoặc ngại tiếp cận các dịch vụ y tế khi có bệnh.

Đó là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nhóm này. Đây cũng là nguồn lây nhiễm HIV tiềm ẩn cho xã hội. Chịu sự kỳ thị và sống trong những vỏ bọc cũng khiến nhiều người đồng tính dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, do đó họ có thể tìm đến rượu, ma túy hoặc quan hệ tình dục với nhiều người, và thực hiện nhiều hành vi có hại cho sức khỏe của họ. Những hành vi đó, lại càng khiến người đồng tính bị kỳ thị nặng nề hơn. Họ càng bị thành kiến và đẩy ra ngoài lề xã hội. Mọi thứ lại rơi vào “vòng luẩn quẩn”, không thể tìm ra lối thoát…

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người có ác cảm dẫn đến việc kỳ thị với người đồng tính, trong đó chủ yếu là do thiếu kiến thức và quan điểm sai lệch. Cần hiểu đầy đủ rằng, xu hướng tình dục không phải là sự lựa chọn của mỗi người, đó là điều sẵn có khi được sinh ra, và đồng tính không phải là bệnh, không lây lan. Đồng thời, người đồng tính cũng cần phải “thể hiện mình” bằng cách hướng tới một cuộc sống lành mạnh...
________

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Bài, ảnh: Trọng Hùng (TP. Vinh)

Tin mới