Phục dựng Đài thiên văn cổ nhất Việt Nam

Chiều 21/9, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm Quần thể di tích cố đô Huế và 10 năm Nhã nhạc - âm nhạc cung đình triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới và di sản phi vật thể của nhân loại, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức khánh thành công trình tu bổ, phục hồi di tích Quan Tượng Đài, một đài thiên văn cổ duy nhất còn lại của Việt Nam.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Katherine Muler và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cắt băng khánh thành công trình.

Di tích Quan Tượng Đài nằm ở phía tây nam Kinh thành Huế, hiện thuộc địa bàn phường Thuận Hòa (TP Huế). Quan Tượng Đài được triều đình nhà Nguyễn xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 8 (1827), là nơi xem thiên văn, khí hậu, quan sát các hiện tượng thiên nhiên, sau đó những thông tin này được chuyển về Khâm Thiên Giám xử lý đưa ra kết quả như dự báo thời tiết, làm lịch, xem ngày.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, kết quả dự báo từ Quan Tượng Đài đã chứng minh sự quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đối với đời sống xã hội, cuộc sống nhân dân, và là một bước tiến rõ rệt về khoa học kỹ thuật thời bấy giờ. Gắn liền với hệ thống Kinh thành Huế, di tích Quan Tượng Đài là công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Cũng như nhiều công trình di tích khác, trải qua thời gian và chiến tranh, các hạng mục kiến trúc chính ở di tích Quan Tượng Đài đã bị triệt giải, trở thành phế tích. Xuất phát từ những giá trị của công trình, việc phục hồi di tích Quan Tượng Đài đã được thực hiện với mục tiêu quan trọng nhất là tu bổ, phục hồi một đài thiên văn cổ nhất và duy nhất còn lại, có hình thức độc đáo, ẩn chứa nhiều tính khoa học nhất của Việt Nam.

Công trình tu bổ, phục hồi di tích Quan Tượng Đài thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế, có tổng mức đầu tư 3,8 tỷ đồng, thời gian thi công 300 ngày, do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng - Chi nhánh miền Trung thực hiện với việc phục dựng đình Bát Phong, phần nền đài, gia cường các vết nứt trên thân đài, gắn liền với tổng thể hệ thống Kinh thành Huế và tôn tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, từng bước góp phần hoàn thiện diện mạo kiến trúc tổng thể hệ thống Kinh thành Huế.

Tại đây, du khách có thể đứng ở đình Bát Phong, Quan Tượng Đài phóng tầm mắt đến khu vực sông Hương - Cồn Giã Viên và cảnh quan sông núi vùng đất Cố đô Huế vào những ngày đẹp trời và nhất là ngắm mặt trời lặn vào buổi hoàng hôn; trở thành tuyến tham quan lý thú cho du khách khi đến khu vực Thượng Thành Huế.

TS Phan Thanh Hải cho biết: Quá trình thi công tu bổ đã được thực hiện một cách rất nghiêm túc, với sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị thi công, thiết kế, tổ giám sát cùng một số chuyên gia trong các lĩnh vực: kiến trúc, xây dựng, mỹ thuật, bảo tồn, khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, Hán học. Trình tự tiến hành tu bổ cũng hết sức bài bản, khoa học, bảo đảm đúng quy trình và các yêu cầu của công tác tu bổ, phục hồi di tích.

Việc hoàn thành dự án tu bổ, phục hồi di tích Quan Tượng Đài đã phục hồi được một công trình lịch sử có giá trị tại Quần thể di tích Cố đô Huế và sẽ là điểm đến du lịch theo tuyến các di tích thuộc Kinh thành Huế.

Theo NDĐT- ĐP

Tin mới