Thêm những thông tin về quốc ấn và quốc kiếm triều Nguyễn

(Baonghean) - Chiều 30/8/1945, tại Ngọ Môn ở kinh thành Huế, bộ ấn kiếm của triều Nguyễn đã được vua Bảo Đại trao cho đại diện Việt Minh. Ấn vàng mang tên gì, nặng bao nhiêu, được chế tác tự bao giờ, hình dáng ra sao? Thanh kiếm được làm bằng nguyên liệu gì, dáng vẻ và nguồn gốc thế nào? Đôi bảo vật đó hiện nằm nơi đâu?

Dẫu lâu nay sách báo xuất bản trong lẫn ngoài nước, trên giấy lẫn trên mạng internet, vẫn tìm mọi cách khai thác các thông tin liên quan cặp ấn kiếm nọ, song tiếc thay, mấy câu hỏi nêu trên đều chưa được giải đáp thỏa đáng.

Chiều 30/8/1945, ở kinh thành Huế, tại Ngọ Môn, trên lầu Ngũ Phụng, bên cạnh hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại, có hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn và Đổng lý văn phòng Pham Khắc Hòe. Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, rồi trao quốc ấn và quốc kiếm cho đại diện của Chính phủ lâm thời – gồm Trần Huy Liệu, trưởng đoàn và Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận – vừa từ miền Bắc vào.

Lúc đó, ước khoảng 50.000 dân chúng tập trung tại quảng trường dưới chân Kỳ Đài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chủ yếu là khoảng cách không gian lẫn thời gian, hầu hết đều chẳng quan sát rõ sự kiện, lại thêm ký ức – ngay cả của người trong cuộc – hoặc nhạt phai hoặc chứa đựng những điều thiếu chính xác.

Bởi thế, trước tiên, mời quý bạn đọc cùng tôi lần giở sách, báo đề cập về cặp ấn kiếm nọ, để thấy rằng hàng loạt thông tin mâu thuẫn lẫn nhau. Trong các đoạn trích dẫn, chú thích giữa đôi ngoặc vuông là của Phanxipăng, đồng thời những chi tiết cần chú ý được in đậm.

THƯ TỊCH MÂU THUẪN

Trưởng đoàn đại diện Việt Minh tiếp nhận ấn kiếm đã viết trong Hồi ký Trần Huy Liệu (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, trang 370): “Hai chiếc kiếm dài nạm ngọc và ấn vàng này theo lời người ta nói đều từ Gia Long để lại tạo nên sau khi đánh đổ Tây Sơn và thống trị cả nước. Cùng với ấn kiếm còn có một túi gấm đựng bộ quân cờ bằng ngọc và những thứ lặt vặt quý giá khác. Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên thì không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn vàng, tôi đã phải chịu đựng sức nặng bất ngờ của cái ấn. Chiếc ấn nặng tới 7 kg vàng! Nói thật với các bạn khi giơ hai tay đỡ cái ấn, tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy, khi chiếc ấn nặng trĩu nằm trong tay, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là đừng để người tôi khỏi nghiêng ngả vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử”.

Phó đoàn là nhà thơ Huy Cận nhớ có phần khác trong Hồi ký song đôi (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2009, trang 89): “Bảo Đại đọc xong thì cột cờ hạ cờ vàng của vua xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên. Đồng bào vỗ tay như sấm dậy. Bảo Đại trao quốc ấn bằng vàng, đúc từ đời Minh Mạng, nặng gần 10 kg và quốc kiếm, vỏ bằng vàng nạm ngọc nhưng lưỡi đã gỉ. Anh Liệu chuyển lại cho tôi và các đồng chí trong Ủy ban Nhân dân Cách mạng ấn và kiếm rồi đọc bản tuyên bố của đoàn đại biểu của Chính phủ lâm thời”.

Phạm Khắc Hòe sau này ghi lại trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc (NXB Hà Nội, 1983, trang 78): “Bảo Đại đọc tờ Chiếu thoái vị một cách xúc động có khi tắt cả tiếng. Bảo Đại đọc xong thì trên kỳ đài cờ vàng của nhà vua từ từ hạ xuống và lá cờ nền đỏ thắm tươi long lanh năm cánh sao vàng được kéo lên giữa tiếng vỗ tay, những tiếng hoan hô như sấm, cắt ngang bởi 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh. Tiếng súng lệnh chấm dứt. Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông Trưởng đoàn đại biểu chính phủ quốc ấn bằng vàng nặng gần 10 ki lô gam và chiếc quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng nạm ngọc”.

Ngọc Trang viết Cách mạng tháng 8 và vị vua triều Nguyễn cuối cùng đăng Tạp chí Huế Xưa và Nay 40 (6/2000): “Bảo Đại trân trọng hai tay nâng trao cho ông trưởng đoàn Trần Huy Liệu chiếc quốc ấn bằng vàng nặng 10kg và chiếc quốc kiếm trong vỏ bằng vàng nạm ngọc”.

Trong bài Triều đình Huế trước và sau tối hậu thư của Việt Minh đăng Tạp chí Thế Giới Mới 550 (26/8/2003), Nguyễn Xuyến viết: “Bảo Đại đưa hai tay lên trao cho trưởng đoàn đại biểu Chính phủ chiếc quốc ấn bằng vàng nặng 11,2368 kg và thanh quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng nạm bạc”.

Nhận ấn kiếm xong, phái đoàn do Trần Huy Liệu dẫn đầu liền cấp tốc đem ra Hà Nội để kịp dự Lễ Độc lập vào ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình. Một trong những thành viên thuộc Ban Tổ chức Lễ Độc lập đã có điều kiện tiếp cận báu vật: Nguyễn Hữu Đang – Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời mở rộng. Về sau, viết bài Ấn kiếm vương quyền nhà Nguyễn trên lễ đài ngày Độc lập đăng Tạp chí Xưa và Nay 31 (9/1996), Nguyễn Hữu Đang mô tả: “Ấn và kiếm này đều bằng vàng là hai bảo vật tượng trưng quyền lực nhà Nguyễn. Lưỡi kiếm cũng bằng vàng như vỏ kiếm nhưng dày hơn, chỉ ngắn bằng hai phần ba vỏ kiếm, chỗ bản rộng nhất độ hai phân, muốt nhọn như lá lúa. Vỏ kiếm chạm nổi tỉ mỉ. Nó được làm từ bao giờ, tôi không rõ. Còn ấn, theo một nhà nghiên cứu sử, nó được đúc vào quãng năm 1774, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trên ấn hình vuông (núm to cũng hình vuông), Nguyễn Phúc Khoát cho khắc bốn chữ Hán Vương quốc chi ấn có nghĩa tuyên ngôn chính trị”.

Về khối lượng quốc ấn, cũng trong bài nọ, Nguyễn Hữu Đang cung cấp những tình tiết khá ly kỳ: “Cụ Hồ ra đọc Tuyên ngôn Độc lập rồi Võ Nguyên Giáp trình bày đường lối, chính sách của Chính phủ lâm thời mở rộng. Đến lượt Trần Huy Liệu báo cáo. Tôi đứng sẵn bên chiếc bàn con, trên để ấn kiếm. Ông Liệu nói đến chỗ Bảo Đại trân trọng nộp ấn kiếm, tôi sẽ bấm cánh tay trái ông để ông tạm ngừng lại. Rồi tôi, tay phải cầm thanh kiếm, tay trái thản nhiên dùng năm đầu ngón tay nhón cái núm chiếc ấn, định cứ thế cùng một lúc giơ cả hai thứ lên cao để đồng bào trông thấy. Chẳng ngờ, thanh kiếm tương đối nhẹ, một tay tôi thừa sức điều khiển, còn chiếc ấn bướng bỉnh cứ ỳ ra, không chịu nhúc nhích. Nó nhỏ thôi mà sao nặng thế!

Sau này tôi mới biết nó nặng trên 5kg! Tôi vội buông thanh kiếm, dùng cả hai tay lấy hết sức lôi chiếc ấn lên cách mặt bàn độ ba mươi phân, luồn tay phải xuống dưới, lựa cho nó nằm trên cùi bàn tay để ngửa rồi cúi mình co cánh tay từ từ nâng thẳng nó lên như lực sĩ cử tạ, trong khi tay trái vớ thanh kiếm giơ lên ngang chiếc ấn. Đồng bào hò reo vang trời kéo dài. Tôi cố đứng vững, hai tay dựng thẳng như thế bốn năm phút liền. Cánh tay nâng chiếc ấn bắt đầu mỏi, buốt và đe dọa sa đà chúi xuống”.

Nguyễn Hữu Đang còn mở ngoặc chữa thêm: “Năm 1992, đọc hồi ký của ông Liệu, tôi mới biết ngày 30/8/1945, trên Ngọ Môn, trong động tác trưng ấn kiếm để đồng bào Huế coi, ông cũng đã chủ quan, bất ngờ, lúng túng, vất vả như tôi, thậm chí hơn tôi: ông đuối sức đến suýt bị xiêu vẹo!”

Biên soạn Chuyện chiếc ấn truyền quốc của nhà Nguyễn in trong sách Huế của một thời (NXB Nam Việt, California, 2006; NXB Tre Pheo, California, 2008, trang 399), Võ Hương An cho hay: “Khi vua Bảo Đại (1926 – 1945) tuyên bố thoái vị trước lầu Ngọ Môn vào ngày 30/8/1945 để ‘làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ’, ông đã trao ấn và kiếm tượng trưng vương quyền cho đại diện Chính phủ Việt Minh. Đó là chiếc ấn Hoàng đế chi bảo bằng vàng ròng (vàng 10) nặng chừng 10 kg 500”.

Dấu ấn Hoàng đế chi bảo.

Bùi Mộng Điệp, thứ phi của vua Bảo Đại, là người từng bảo quản cặp ấn kiếm ấy một thời gian, lại trả lời phỏng vấn trên báo Lao Động ngày 8/12/1996 thế này: “Còn cái ấn bằng vàng, chính tay tôi cân nặng 12,9 kg. Cái núm ấn hình con rồng. Con rồng uốn cong và ngóc đầu lên. Con rồng không được sắc sảo lắm, có đính hai hạt ngọc đỏ, trông giống như con rắn. Tôi lật nó lên có bốn chữ triện ở dưới. Theo một người biết đọc chữ Nho thì bốn chữ ấy là Nguyễn triều chi bảo”.

ẤN KIẾM NGƯỢC XUÔI

Tìm hiểu sự thật về quốc ấn và quốc kiếm triều Nguyễn, chúng ta hãy tiếp tục lần theo bước “phiêu lưu” của hiện vật.

Sau Lễ Độc lập chỉ hơn một năm, quân Pháp tái chiếm Hà Nội. Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu bùng nổ với tiếng súng khai hỏa lúc 8 giờ 3 phút sáng 19/12/1946 từ pháo đài Láng. Trải qua nhiều ngày kìm chân địch, trung đoàn Thủ đô (1) rút lui đêm 17/2/1947 nhằm bảo toàn lực lượng. Trước khi lên Chiến khu Việt Bắc, cán bộ, chiến sĩ Việt Minh gấp gáp chôn dấu nhiều hồ sơ quan trọng cùng các báu vật của Nhà nước – trong đó có cặp ấn kiếm lịch sử.

Trớ trêu thay! Lúc giặc Pháp đào phá ngôi chùa cổ tại làng Nghĩa Đô ở Hà Nội, chúng phát hiện một thùng dầu hỏa bằng sắt tây, trong thùng có cặp ấn kiếm quý. Trên báo Người Lao Động 5/9/1997, Nguyễn Hữu Nhơn cho biết sự việc kia diễn ra vào nhật điểm 28/2/1952 và lúc bấy giờ thấy ấn kiếm đều đã bị sơn đen để ngụy trang, riêng kiếm thì gãy đôi “do lúc đào xới chạm vào”. Soạn các sách Qua Pháp tìm Huế xưa (NXB Thuận Hóa, Huế, 2000) và tập 2 Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa (NXB Trẻ, 2000), Nguyễn Đắc Xuân lại ghi “người ta bẻ đôi cây kiếm để dễ bỏ vào thùng dầu hỏa” và màu đen của ấn kiếm lúc ấy là do “bị bùn đất làm rỉ sét đổi qua màu đen chứ không phải đã có người cố tình sơn đen”. Tài liệu Chiếc bảo ấn cuối cùng của hoàng đế Việt Nam do Lê Văn Lân biên soạn (tác giả tự xuất bản, Hoa Kỳ, 1998) thì khẳng quyết: “Nơi chôn giấu [ấn kiếm] là bức tường của một ngôi chùa cổ ngoài Bắc mà lính commando (2) Pháp đi hành quân tình cờ phá ra bắt được, rồi đem về cho tướng chỉ huy Pháp là De Linarès”. Cũng theo Lê Văn Lân, sự việc xảy ra sớm hơn: năm 1951.

Dẫu năm 1951 hay 1952, thì cả hai niên điểm đó, Bảo Đại làm quốc trưởng trong chính phủ quốc gia do thực dân Pháp bố trí. Tướng François Jean Antonin Gonzalez de Linarès bèn tổ chức buổi lễ long trọng tại Hà Nội nhằm trao lại ấn kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại.

Dựa vào cuốn L’Aventure viêt-minh (3) của Jacques Massu và Jean Julien Fonde (NXB Plon, Paris, 1980), Lê Văn Lân cho rằng lễ trao lại ấn kiếm được tiến hành ngày 8/3/1952 rồi được báo Paris Match dành một số đặc biệt đăng bài tường thuật với nhiều hình ảnh hấp dẫn. Trong bài Đôi điều về bộ ấn kiếm cuối cùng của triều Nguyễn đăng Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển 35 (Huế, 2002), Phan Thanh Hải ghi ngày lễ trao lại ấn kiếm là 3/3/1952.

Thêm một điều trớ trêu nữa là trong buổi lễ trao lại ấn kiếm được tổ chức trọng thể, không có mặt Bảo Đại. Bùi Mộng Điệp kể: “Họ [Pháp] muốn trả lại [ấn kiếm] cho nhà Nguyễn nhưng cựu hoàng Bảo Đại lúc ấy đang nghỉ mát bên Tây, không ai đủ tư cách để nhận lại. Ông Lê Thanh Cảnh làm việc cho Pháp thấy thế gọi dây nói cho tôi ở Buôn Mê Thuột (4), yêu cầu tôi nhận để chùi rửa chứ hai vật ấy chôn dưới bùn đã hoen rỉ cả rồi. Nhưng tôi chưa thấy những báu vật ấy bao giờ, không biết có đúng hai cái ấn kiếm mà cựu hoàng đã trao cho ông Trần Huy Liệu năm 1945 hay không. Tôi phân vân nên đã mời đức Từ Cung ở Huế đi tàu bay lên. Hôm đón cái ấn, đức Từ bảo phải đặt một cái bàn ở sân bay Buôn Mê Thuột, phủ khăn đỏ, lạy ấn và kiếm năm lạy rồi mới được phép đưa về dinh. Khi đưa về dinh rửa xong, tôi để [ấn kiếm] lên cái bàn ở giữa nhà và trùm kín với một tấm khăn đỏ. Ngày đêm đều có lính gác”.

Mộng Điệp kể tiếp: “Nói về kiếm thì các vua Nguyễn có nhiều lắm. Nhưng mấy cái trưng bày ở Musée militaire, Au Bon Marché mà nhiều người (trong đó có bác Hoàng Xuân Hãn) đã xem, không phải là cái kiếm của vua Bảo Đại đã trao cho ông Trần Huy Liệu tháng 8/1945. Khi đại sứ Trịnh Ngọc Thái đến hỏi, tôi đã bảo: cái kiếm chỉ có một lưỡi, hơi cong một chút, cái tay cầm của nó bằng ngọc trắng. Chính tay tôi đã lau chùi khi ông Lê Thanh Cảnh đi tàu bay từ Hà Nội lên Buôn Mê Thuột giao cho tôi. Cái kiếm bị bẻ làm đôi rồi bỏ cùng với cái ấn vào một cái thùng dầu hỏa hai mươi lít. Tôi nhờ hai người hầu cận là anh Tử Lang và anh Thừa Tể đi hàn rồi nhờ người ta mài để không còn thấy dấu vết gãy. Khi nào anh thấy một cái kiếm như vậy, anh nhờ người ta chiếu điện vào là trông thấy cái vết hàn ngay”.

Cũng theo Mộng Điệp, từ năm 1953, chiến cuộc trở nên ác liệt, không dám đem cặp ấn kiếm về Huế. Giả sử đưa về Huế vào thời điểm nọ thì chẳng biết cất đâu. Cuối cùng, Bảo Đại viết giấy ủy quyền cho Mộng Điệp mang ấn kiếm sang Pháp. Sau, Mộng Điệp giao hai báu vật kia cho cựu hoàng hậu Nam Phương và cựu thái tử Bảo Long với sự chứng kiến của các ông Nguyễn Đệ, Nguyễn Duy Quang, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Bích (con ông Phạm Quỳnh).

Từ khi bà Nam Phương mất vào năm 1963, Bảo Long độc quyền quản lý ấn kiếm kia và đã đem gửi Liên hiệp Ngân hàng châu Âu/ Union des banques européennes cất giữ. Năm 1980, công bố hồi ký Le Dragon d’Annam (5), Bảo Đại rất muốn dùng chiếc ấn lịch sử đó đóng dấu cuối mỗi chương, tạo họa tiết trang trí/ vignette đầy ý nghĩa. Éo le thay, Bảo Long nhất quyết không cho cha mượn chiếc ấn! Bảo Đại quá tức giận, phát đơn kiện con trai để đòi lại ấn kiếm. Theo Lê Văn Lân thì tòa án Pháp phán quyết: Bảo Long được giữ thanh kiếm và giao chiếc ấn cho Bảo Đại. GS.TS. Thái Văn Kiểm – một trong những người gần gũi Bảo Đại giai đoạn cuối đời – còn giữ ảnh chụp cựu hoàng ngồi đăm chiêu bên quốc ấn.

Nghe đồn rằng trước lúc lâm chung vào năm 2007 một thời gian, Bảo Long đã bán thanh kiếm báu vì… túng tiền!

Còn chiếc ấn quý giá thì sao? Sau khi Bảo Đại qua đời sáng 31/7/1997 tại Paris, chiếc ấn thuộc quyền sở hữu của Monique Marie Eugène Baudot, tên thân mật là Monica – vợ người Pháp mà Bảo Đại chính thức kết hôn ngày 14/1/1982 tại Paris.

Ấn vàng đang khảo sát

PHÁT HIỆN THỰC HƯ

Trên cơ sở quan sát ảnh chụp buổi lễ trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại (dẫu Bảo Đại khiếm diện) tại Hà Nội tháng 3/1952, và ảnh chụp Bảo Đại ngồi kề chiếc ấn tại Paris, tham khảo thêm nguồn thư tịch cần thiết liên quan, rõ ràng việc khôi phục thông tin đảm bảo độ tin cậy về ấn lẫn kiếm là điều khả dĩ.

Quốc ấn mà vua Bảo Đại trao Trần Huy Liệu tại Huế chiều 30/8/1945 mang tên gì? Phải chăng Vương quốc chi ấn như Nguyễn Hữu Đang nhớ, hay Nguyễn triều chi bảo như Bùi Mộng Điệp nhớ? Hình dáng ấn thế nào? Ấn được chế tác bao giờ? Ấn nặng 5kg, 7kg, 10 kg, 10,500 kg, 11,2368 kg, hay 12,9 kg?

Tra cứu Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn (NXB Thuận Hóa, Huế, 1993), hậu thế biết rằng Nam triều từng sở hữu rất nhiều ấn triện bằng vàng và bằng ngọc, nhưng hầu hết là “đồ thư văn bảo”. Chỉ 20 chiếc ấn – gồm 14 ấn vàng và 6 ấn ngọc – được xếp vào hàng bảo tỉ. Mỗi chiếc ấn có công dụng cùng ý nghĩa riêng và toàn bộ 20 bảo tỉ kia đều được chế tác từ đời Gia Long trở về sau. Ngoài ra, có 4 chiếc ấn xuất hiện từ thời chúa Nguyễn được xếp hạng “tôn tàng bảo tỉ” để cất giữ chứ không sử dụng. Tất cả 24 ấn triện vừa kể được triều đình nhà Nguyễn gọi “quốc bảo”, hoàn toàn không có chiếc nào mang tên Vương quốc chi ấn hoặc Nguyễn triều chi bảo cả.

Nhìn kỹ ảnh chụp cận cảnh hiện vật từ nhiều góc độ, đủ thấy mặt ấn vuông vức, nhưng núm ấn chẳng phải hình vuông như Tạp chí Xưa và Nay 31 (9/1996) mô tả. Thực tế, núm ấn là tượng một con rồng uốn lượn, nhào lộn, được chế tác cầu kỳ. Đầu rồng ngẩng cao, trên có khắc chữ 王 (vương). Đuôi rồng dựng đứng ngay phía sau đầu. Bốn chân rồng trụ bộ vững chải, mỗi chân xòe năm móng.

Mặt trên ấn, phía hai bên núm con rồng, có đôi dòng chữ Hán khắc theo kiểu khải thư, mà đây là phiên âm và dịch nghĩa.

Dòng bên phải: Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân. Nghĩa: Ấn đúc bằng vàng 10 tuổi / 24 karats với khối lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân, tương đương 10,5345 kg vàng ròng.

Dòng bên phải: Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo. Nghĩa: Ấn được thực hiện vào giờ tốt ngày mùng 4 tháng 2 niên hiệu Minh Mạng thứ IV, nhằm ngày 15/3/1823.

Mặt dưới ấn nổi lên 4 chữ Hán được khắc kiểu tiểu triện: Hoàng đế chi bảo. 寶 / 宝, bính âm phát bảo, âm Hán – Việt phát bảo, nghĩa là ấn của vua. Tên quốc ấn, vậy đã quá rõ.

Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (sđd), ấn Hoàng đế chi bảo là 1 trong 20 bảo tỉ, chỉ sử dụng đối với trường hợp “gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cùng là cáo dụ thân huân đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc”.

Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1963) còn ghi nhận: “Ngày Giáp Thìn (tức 15/3/1823), đúc ấn Hoàng đế chi bảo, núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng 10 tuổi”. Quy đổi ra hệ thống đo lường phổ dụng hiện nay khắp nước ta, đủ xác định được rằng ấn Hoàng đế chi bảo có mặt hình vuông, mỗi cạnh dài 12,8cm và dày 2cm.

Tính từ ra đời vào tiết xuân Quý Mùi 1823 đến lúc được vua Bảo Đại bàn giao cho đại diện chính quyền Việt Minh vào mùa Thu Ất Dậu 1945, ấn vàng Hoàng đế chi bảo có tuổi già 122 năm. Ví chỉ đơn thuần so sánh tuổi thọ của bao món cổ ngoạn ở Việt Nam cũng như khắp hoàn vũ, ngần ấy thời gian chưa thể “lão làng”, nhưng vì ý nghĩa lịch sử có một không hai, chiếc bảo tỉ mang tên Hoàng đế chi bảo đích thị là một báu vật quốc gia vô giá.

Có ý kiến rằng nếu biết tuổi ấn Hoàng đế chi bảo thì lập tức suy ra được tuổi thanh kiếm. Xuất phát từ ấn kiếm vốn nguyên bộ nên thiên hạ phán đoán thế chăng? Phán đoán thế ngỡ chừng hợp logic, song tiếc thay, chẳng trùng khớp thực tế. Đi kèm với ấn Hoàng đế chi bảo lại là thanh kiếm có niên đại muộn hơn rất nhiều: thời gian chậm trễ xấp xỉ một thế kỷ.

Pháp tổ chức trao lại ấn kiếm cho

Quốc trưởng Bảo Đại tại Hà Nội tháng 3/1952.

Xem xét ảnh tư liệu, thấy rằng toàn bộ thanh kiếm được tạo tác công phu và mỹ thuật, với phong cách đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ phương Tây. Đấy là một thanh trường kiếm có chuôi nạm bạch ngọc. Chuôi kiếm còn được gắn quai để lồng bàn tay vào. Lưỡi kiếm hẳn bằng thép tốt, chứ chẳng thể bằng vàng. Thanh kiếm có dáng “hơi cong một chút” đúng như ký ức Mộng Điệp. Vỏ kiếm dài ước hơn 1m, làm bằng hợp kim mà trong thành phần cấu tạo, vàng chiếm tỉ lệ nhất định.

Đáng lưu ý rằng trên vỏ kiếm, theo Lê Văn Lân, có khắc đôi dòng chữ Hán.

Một dòng đề: Trọng kim tứ lạng thất tiền ngũ phân. Nghĩa: hàm lượng vàng gồm 4 lạng 7 chỉ 5 phân; tương đương 178,125g vàng. Với số vàng ít ỏi vậy, chưa rõ hỗn hợp còn những kim loại nào khác. Dẫu sao, cứ liệu ấy đủ để bác bỏ các nhận định “lưỡi kiếm cũng bằng vàng như vỏ kiếm” và “vỏ bằng vàng nạm ngọc” hoặc “vỏ bằng vàng nạm bạc”.

Dòng kia ghi: Khải Định niên chế. Nghĩa là sản xuất vào đời vua Khải Định, tức trong giai đoạn 9 năm Nguyễn Phúc Bửu Đảo trị vì trên ngai vàng - từ năm Bính Thìn 1916 đến năm Ất Sửu 1925.

Tính đến thời điểm lịch sử 30/8/1945, thanh kiếm đang xét chưa đầy 30 tuổi. Tuy nhiên, y hệt chiếc ấn Hoàng đế chi bảo, vì ý nghĩa lịch sử có một không hai. Quốc kiếm chính là một báu vật vô giá của đất nước Việt Nam.

Đáng lẽ nơi bảo quản và trưng bày cặp hiện vật nọ một cách hợp tình hợp lý nhất là Viện Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội hay Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế. Hỡi ôi! Số phận oái ăm đã đưa đẩy quốc ấn cùng quốc kiếm triều Nguyễn phiêu dạt ly hương. Tin đồn Bảo Long lén lút bán thanh kiếm Khải Định niên chế chưa thể kiểm chứng độ chính xác, nhưng vẫn khiến dư luận âu lo. Còn ấn vàng Hoàng đế chi bảo lọt vào tay quả phụ Monique Baudot là điều chắc chắn. Đến bao giờ và bằng cách nào, cặp ấn kiếm lịch sử sẽ quay về Tổ quốc?
_________________

(1) Tức Trung đoàn 102 thuộc Sư đoàn 308. Nguyễn Đình Thi sáng tác ca khúc Người Hà Nội để tặng trung đoàn này.
(2) Commando: biệt kích, biệt động, đặc công.
(3) Biến cố Việt Minh.
(4) Địa danh này theo tiếng Êđê là Buôn Ama Thuột, có nghĩa làng của cha Thuột.
(5) Hồi ký Le Dragon d’Annam (NXB Plon, Paris, 1982) mặc dầu in ngoài bìa tác giả S.M. Bao Daï, song lại do viên tướng Pháp Jean Julien Fonde chấp bút. Bản dịch sang Việt ngữ Con rồng Việt Nam do Nguyễn Phước tộc ấn hành năm 1990 tại California, Hoa Kỳ.

PHANXIPĂNG

Tin mới