Giả mạo, khai man hồ sơ người có công ngày càng nghiêm trọng

Tình trạng giả mạo, khai man hồ sơ để hưởng chế độ người có công với cách mạng ngày càng nghiêm trọng, số lượng hồ sơ giả được phát hiện ngày càng nhiều hơn…
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong  thực hiện chính sách người có công với cách mạng (Ảnh: KT)
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong thực hiện chính sách người có công với cách mạng (Ảnh: KT)
Mất 16 năm vẫn được chi trả chế độ
Chăm sóc, ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp xứng đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh, chăm sóc thì có không ít đối tượng lợi dụng những quy định của Nhà nước để làm giả, khai man hồ sơ hưởng trợ cấp, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. Thực trạng trên được ông Nguyễn Văn Tiến – Chánh Thanh tra Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội (LĐ - TB&XH) chỉ rõ tại Hội nghị chuyên đề Rà soát công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 28/11.
Ông Tiến cho hay, trong năm 2012-2013, Thanh tra Bộ đã thanh tra việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng tại 13 địa phương. Kết quả thanh tra cho thấy, trong tổng số 7.460 hồ sơ được kiểm tra có 609 hồ sơ có sai sót (chiếm tỷ lệ 8,16%). Địa phương có hồ sơ sai sót cao là Đồng Nai (150 hồ sơ); Thanh Hóa (70 hồ sơ); Quảng Bình (58 hồ sơ)….
Những dạng sai sót chủ yếu được phát hiện qua thanh tra là giả mạo giấy tờ, thủ tục xét duyệt hồ sơ ở cấp xã…Ông Tiến cho biết, đối với hồ sơ thương binh, đối tượng đã dùng hóa chất tẩy toàn bộ nội dung cũ, viết đè nội dung mới tại Giấy chứng nhận bị thương gốc; tẩy xóa, viết thêm phần bị thương hoặc vết thương vào Phiếu sức khỏe, lý lịch quân nhân, danh sách quân nhân bị thương, lý lịch đảng viên; giả mạo giấy xác nhận của hai người làm chứng hoặc tẩy sửa hồ sơ, lý lịch của người làm chứng về trường hợp bị thương. Điển hình, tại tỉnh Phú Thọ, trong năm 2012, Thanh tra Bộ trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự 78 giấy tờ gốc có nghi vấn tẩy toàn bộ nội dung cũ, viết lại nội dung mới thì có tới 35 giấy tờ là giả (chiếm tỷ lệ 44,9%). Tại thành phố Hải Phòng, trong năm 2013, trưng cầu giám định 45 giấy tờ gốc (Giấy chứng nhận bị thương, Phiếu thương tật, Giấy ra viện…), kết quả có tới 27 giấy tờ giả (chiếm tỷ lệ 60%).
Theo Thanh tra Bộ, công tác quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cũng có nhiều sai sót. Đó là tình trạng chứng từ chi trả tiền trợ cấp hàng tháng còn tình trạng ký nhận thay không có giấy ủy quyền, một số trường hợp không ký nhận tại danh sách chi trả (tỉnh Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu…); chi trả tiền điều dưỡng tại gia đình cho đối tượng chậm (vào tháng 12 của năm) trong khi kinh phí điều dưỡng được giao từ đầu năm. Đáng lưu ý, “có địa phương vẫn chi trả cho người đã mất từ 16 năm trước” – ông Tiến cho hay.
Từ thực tế hoạt động của địa phương, ông Nguyễn Văn Vinh – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định thừa nhận những sai sót được Thanh tra Bộ nêu là đúng. Làm rõ thêm, ông nhấn mạnh trong việc thực hiện chính sách với người có công hiện đang có nhiều vấn đề nổi lên. Đó là, “cấp xã còn “nể nang” đối tượng, theo quy định cấp xã phải họp hội đồng để xem xét từng trường hợp nhưng thực tế có những đối tượng cầm đơn đến nhà lãnh đạo để xin xác nhận, đủ được 6-7 con dấu thì lên huyện. Huyện thì không nắm rõ được, chỉ căn cứ vào con dấu” – ông Vinh nói.
Về chi trả trợ cấp, ông Vinh cho biết “có tình trạng xã om tiền, đến lúc đối tượng chính sách gửi đơn lên Sở, Sở kiểm tra lại thì phát hiện cán bộ xã đã tiêu hết tiền hay cá biệt có tình trạng cán bộ xã nhận hộ trợ cấp cho đối tượng”.
Theo ông, từ đầu năm 2013, tỉnh Nam Định đã yêu cầu cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện phải trực tiếp tham gia cùng xã chi trả cho đối tượng; đồng thời thông báo công khai ngày trả cho nhân dân. Trong trường hợp ốm đau, già cả không trực tiếp đi nhận tiền được thì đội chi trả phải đến tận nhà đối tượng chính sách để chi trả. Từ đó, đã phát hiện có sai phạm trong việc chi trả. Ông chia sẻ “Có đối tượng không đến lĩnh tiền, Đội đã đi đến tận nhà đối tượng nhưng xã bao che bảo đối tượng đi vắng, qua mấy lần như vậy thì cuối cùng phát hiện ra đối tượng đã mất từ năm 1999 mà xã vẫn chi trả”.
Rà soát chính sách với người có công
Để thực hiện tốt, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công, Chánh thanh tra Bộ Nguyễn Văn Tiến cho rằng cần sự góp sức của tất cả các cơ quan, ban, ngành. Thanh tra Bộ đề nghị Bộ Quốc phòng thực hiện chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở trong quản lý hồ sơ, xác nhận thương binh. Đề nghị, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Riêng đối với Sở LĐ-TB&XH, Thanh tra Bộ đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực người có công, đặc biệt về tình trạng giả mạo, khai man hồ sơ hiện nay nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc xác lập hồ sơ và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, không bị các đối tượng “cò mồi” dụ dỗ làm hồ sơ giả.
Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã được giao phối hợp với Cục Chính sách – Bộ Quốc phòng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc xác nhận thương binh. Thời gian thực hiện chương trình phối hợp là từ quý 4/2013 đến quý 4/2016. Trước mắt, trong quý 4/2013 sẽ thanh tra tại Quân khu 2; trong năm 2014 thanh tra tại Quân khu 5.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định Nguyễn Văn Vinh cho rằng, rà soát thực hiện chính sách người có công là vấn đề lớn, nhạy cảm, tác động lớn đến thực hiện an sinh xã hội ở các địa phương. Chính vì vậy, cần  thận trọng ngay từ khi ban hành văn bản hướng dẫn đến tổ chức thực hiện.
Theo ông, cần xác định rõ tiêu chí, rà soát đến từng đối tượng; làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong từng trường hợp cụ thể; phải thực sự coi trọng công khai đối tượng ở địa phương để nhân dân giám sát. Ông cũng đề nghị sớm nghiên cứu phần mềm liên thông giữa quản lý đối tượng với chính sách.
Còn theo ông Lê Toàn Khang – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội để thực hiện tốt chính sách với người có công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương khi ban hành chính sách. Ông nhấn mạnh “cấp huyện vừa là cấp chỉ đạo, vừa thực hiện chính sách nhưng hiện nay nhiều chính sách chưa đề cập đến vai trò cấp huyện. Vì vậy cần xem xét lại”./.
Theo ĐCSVN

Tin mới