Nơi gặp gỡ một niềm đam mê...

(Baonghean) - Vào một buổi chiều tháng 10, mưa rả rích. Thật bất ngờ khi rẽ vào quán cà phê ven hồ Goong, gặp một nhóm bạn trẻ đang thổi sáo. Giữa chốn phố phường tấp nập, ồn ào bản hòa tấu sáo trúc du dương ấy trong veo, thánh thiện đến lạ thường…
Câu lạc bộ Sáo trúc xứ Nghệ ngày ra mắt.	Ảnh: Phan Sáng
Câu lạc bộ Sáo trúc xứ Nghệ ngày ra mắt. Ảnh: Phan Sáng
Nhìn thoáng qua, trong nhóm bạn trẻ ấy chỉ có Phan Sáng (phóng viên báo Tiền Phong) là người lớn tuổi nhất. Anh Sáng chia sẻ: “Mình học thổi sáo từ lâu lắm rồi. Giờ bắt gặp một số bạn trẻ có cùng niềm đam mê, mình tham gia cho vui và định hướng cho anh em thành lập CLB với tên gọi là Sáo trúc xứ Nghệ. Hôm nay là ngày ra mắt chính thức của CLB. 
CLB sáo trúc xứ Nghệ có hơn 20 thành viên, trong đó có 4 bạn nữ. Hầu hết các thành viên đều thuộc thế hệ 9X, hiện đang theo học các trường đại học, cao đẳng ở Thành phố Vinh. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, có người mới học năm thứ nhất, mới bước chân ra thành phố còn nhiều bỡ ngỡ nhưng niềm đam mê sáo trúc đã gắn kết họ thành anh em, bạn bè thân thiết. Trang – cô sinh viên năm nhất Đại học Vinh, chia sẻ: “Em thường theo bạn ra Quảng trường Hồ Chí Minh chơi, thấy các bạn thổi sáo thích quá, em xin học. Ban đầu, em chỉ nghĩ là học cho vui, cho biết, ai ngờ, đến bây giờ, đi đâu mà không đem theo sáo là thấy thiếu, đi trên đường nhìn thấy ai có cây sáo đẹp là thèm, chị ạ!”. Hoàng – cậu bạn ngồi cạnh Trang tiếp lời: “Em nhiều lần bị mẹ mắng vì cái tội đi đâu cũng đem theo sáo, hễ rảnh việc tí là lôi sáo ra thổi!”. Anh em trong CLB, có người học sáo từ khi còn bé, có người mới làm quen với cây sáo mới chỉ vài ba tháng. Người biết nhiều dạy cho người biết ít. Họ chia sẻ với nhau bằng tiếng sáo. Vào tối thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, các thành viên trong CLB lại tập trung về vườn hoa Quảng trường Hồ Chí Minh để giao lưu, học hỏi về kỹ thuật thổi sáo. Bạn Nguyễn Văn Nguyên – Chủ nhiệm CLB Sáo trúc xứ Nghệ cho biết: “Thổi sáo là một nghệ thuật đòi hỏi người thổi phải trải qua một quá trình học tập lâu dài. Với những bạn mới học thì điều đầu tiên là phải học cách cầm sáo, cách làm thế nào để thổi cho sáo kêu được, sau đó mới học tiếp cách lấy hơi và nhạc lý cơ bản trong bộ môn sáo trúc…”.
Nguyên đã gắn bó với tiếng sáo từ thuở còn thơ bé. Hầu hết, ai tiếp xúc với Nguyên đều có cảm giác cậu bé già dặn hơn so với tuổi 20. Cách nói chuyện khiêm tốn, phong thái nhẹ nhàng toát lên vẻ tự tin. Nguyên sinh ra và lớn lên ở quê lúa Đồng Thành - Yên Thành. Bố Nguyên - ông Nguyễn Văn Bình vốn là cây văn nghệ có tiếng của xã Đồng Thành. Ban ngày tất bật với công việc nhà nông, nhưng tối đến ông lại say sưa với những bản tình ca cùng cây sáo mộc mạc làm từ thân nứa. Thứ âm thanh thiết tha ấy dường như giúp ông quên đi bao nỗi vất vả, mệt nhọc. Những lúc đó, cậu bé Nguyên lại lắng tai nghe như nuốt từng nốt trầm bổng của tiếng sáo. Nguyên được bố dạy cho các lấy hơi, cách luyến láy. Lên 8 tuổi, em đã tự mình thổi những khúc đồng dao với giai điệu vui nhộn. Những trưa hè rảnh rỗi, hai bố con đi tìm nứa về, lấy thanh thép nhỏ cho vào lửa nung cháy, xuyên vào nứa để làm sáo. Chiếc sáo làm bằng nứa mộc mạc ấy đã không biết bao nhiêu lần xuất hiện trên sân khấu của xã Đồng Thành và huyện Yên Thành cùng bố con Nguyên. Không chỉ tài thổi sáo, ông Bình còn là thành viên của đội văn nghệ ở làng mang tên Hồn Quê, tham gia diễn một số vở kịch. Trong những hội diễn, bao giờ Nguyên cũng có mặt để cổ vũ cho bố. Lâu dần, cậu “nối nghiệp” bố trở thành “hạt nhân” trong các phong trào văn hóa, văn nghệ xã, trường…
Tốt nghiệp lớp 12, cậu đăng ký dự thi ngành Sư phạm ngoại ngữ, Trường CĐSP Nghệ An. Vốn tính sôi nổi, nhiệt tình, cậu hăng hái tham gia các hoạt động của Đoàn trường và trở thành thành viên trong BCH Liên chi đoàn Khoa tiếng Anh. Qua các trang mạng xã hội, Nguyên kết bạn với những người có cùng niềm đam mê thổi sáo để học hỏi nâng cao kỹ thuật cho mình. Nguyên chia sẻ: “Em may mắn kết bạn trên facbook được với nghệ sỹ Bùi Công Thơm, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia, Chủ nhiệm CLB saotruc.net. Nghe em chia sẻ, anh cho em số điện thoại để tiện liên lạc. Mới đây, em có dịp ra Hà Nội giao lưu với những CLB Sáo trúc nổi tiếng ở miền Bắc, học hỏi được rất nhiều điều thú vị và ý nghĩa!”. Em học thổi sáo qua mạng internet, qua những người có kinh nghiệm chuyên môn về kỹ thuật thổi cũng như kỹ thuật làm ra một cây sáo trúc hoàn thiện. Tiền bán sáo, cậu tích góp lại, mua sắm thêm một số máy móc phục vụ cho việc làm sáo.
Việc thành lập CLB Sáo trúc là tâm huyết của Nguyên. Với vai trò “thủ lĩnh”, Nguyên không khỏi bỡ ngỡ. Cậu phải tự soạn giáo án để hướng dẫn cho thành viên trong mỗi giờ sinh hoạt. Nguyên cho biết thêm: “Hầu hết các bạn đều, thích sáo trúc, nhưng về kỹ thuật lấy hơi, đẩy hơi thì còn hạn chế, chưa nói đến thổi làm sao cho có hồn. Sinh viên mà sắm được cây sáo là may lắm rồi chứ để nói đến sắm cho được đủ bộ thì còn lâu lắm”. Nguyên mong muốn CLB có một nguồn quỹ nho nhỏ để trang bị cho mỗi thành viên ít nhất một cây sáo. 
Hiện nay, Nguyễn Văn Nguyên đang tham gia thổi sáo cho một số quán cà phê trong Thành phố Vinh. Ngoài năng khiếu thổi sáo, cậu còn có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ khác như ghi ta, oocgan, đàn bầu… Với Nguyên, còn có nguyện vọng là được góp một phần nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc!
Nguyễn Lê

Tin mới