Lan rừng xuống phố

(Baonghean) - Trong thế giới các loài hoa thì phong lan luôn chiếm vị trí độc tôn, bởi vẻ đẹp vừa quý phái, vừa hoang dã, mộc mạc. Từ rừng xuống phố,  những giò phong lan khoe sắc muôn màu đã tạo ra một thú chơi lắm công phu…

Không biết từ bao giờ, loài hoa tưởng chừng như chỉ có ở các vùng đồi núi, cao nguyên hay rừng sâu hoang vắng ấy lại có một thế giới đầy sắc màu nơi phố thị sầm uất. Khác với những loài hoa khác, chỉ cần vun xới, tưới tắm đầy đủ là có thể sống khỏe và đơm hoa kết trái, phong lan gây “khó dễ” với chủ nhân bởi đặc tính “đỏng đảnh”, khó chăm, khó chiều của nó. Mỗi giống lan có yêu cầu riêng về môi trường sống, do đó, kỹ thuật chăm sóc cũng khác nhau: phổ biến như lan Hồ Điệp với vẻ xinh đẹp giản dị, màu sắc nhẹ nhàng, thoảng những họa tiết chấm đen thường phù hợp với môi trường văn phòng hay khách sạn; lan Bát Tiên lại ưa không gian thoáng đãng, khí trời mát mẻ bởi chúng có tán lá dài và dày, cần ánh sáng để quang hợp … Vì vậy, để thỏa thú chơi lan, thì người chơi phải chấp nhận sự cầu kỳ, tinh tế, nhẫn nại.
Anh Nguyễn Mạnh Trung chăm sóc lan.
Anh Nguyễn Mạnh Trung chăm sóc lan.
Mỗi người chơi có riêng cho mình những kinh nghiệm “bỏ túi” để duy trì thú vui này. “Nhất gió, nhì nước, tam cần, tứ giống”, đó là đúc kết sau hơn 3 năm chơi lan của anh Nguyễn Mạnh Trung (số nhà 10A, ngõ 2A, đường Bùi Huy Bích). Anh chia sẻ: “Để có được giò phong lan đẹp thì cần chú ý hai yếu tố là bóng râm và nước. Hai yếu tố này phải cân bằng, phù hợp với đặc điểm từng loại lan, nếu không cây sẽ không cho hoa, thậm chí sẽ chết vì thối rễ”. Vừa nói, anh vừa cẩn trọng tỉa rễ cho giò lan Vũ Nữ. Đây là giống lan rất đặc biệt, hoa nhỏ nhưng có cánh môi rất lớn, thường mang sắc vàng và điểm đốm nâu trên cánh. Khi nở, hoa có hình dáng mềm mại như cô gái đang múa nên có tên là Vũ Nữ. 
Cũng như anh Trung, anh Bùi Công Đức - một nhân viên kinh doanh sản phẩm sơn ô tô (số 30, đường Phan Bội Châu) cũng là một tay chơi lan sành sỏi. Hiện, anh Đức đang sở hữu hơn 30 giò lan các loại, đa phần là lan rừng được anh mang về từ những lần đi công tác miền núi, hoặc được người quen gửi tặng. Nhìn ngắm vườn lan đang kỳ khoe nụ, anh Đức nhớ lại những ngày đầu nhận lan, loay hoay chăm sóc mãi vẫn không thành công. Thắc mắc, vì sao vẫn cứ tưới nước, bón phân, tắm nắng cho cây mà các giò lan càng ngày càng lụi? Anh quyết tâm tìm hiểu thông tin, kỹ thuật chăm sóc từ những bậc cao niên trong giới chơi lan, mặt khác, truy cập trên internet để học hỏi gần xa.
Và cây không phụ người có tâm, vườn lan đã hồi sinh nhờ bài học quý được anh đúc kết sau bao tháng ngày tìm tòi: cứ loại lan nào tìm được ở đâu thì khi mang về phải tạo môi trường sống tương ứng. Anh Bùi Công Đức hồ hởi: “Ví dụ, có loại lấy ở ven bờ suối thì khi đưa về phải để chỗ có bóng mát và có độ ẩm lớn. Ngược lại, những cây sống ký gửi nơi thân cây to, có ánh sáng chói thì phải trồng ở nơi nhiều ánh nắng và thoáng khí, nếu không cây sẽ bị cớm nắng, không ra hoa”. Vừa nói, anh Đức vừa nâng niu giò Địa Lan cạnh bên cho tôi xem. Để bón cho cây bén rễ tươi tốt, anh phải cất công xin đất bùn dưới đáy ao, vì bùn vốn sạch mát và không phải là nơi sinh sống của loài giun, không sợ sinh vật thân mềm ấy làm hại đến thân cây. Khi tưới, phải lấy nước cá hoặc nước ốc ngâm hàng tháng trời cho hết mùi rồi mới đem tưới”. 
Hiện nay, để tìm mua một giò phong lan không còn là việc quá khó khăn khi hoa lan đang được bày bán rộng rãi trên nhiều con phố của Thành phố Vinh sôi động. Chỉ có điều, người mua phải thật sự tinh ý thì mới biết giống lan nào hợp với môi trường sống để dễ bề chăm sóc. Hoa lan trên thị trường chủ yếu được nhập từ các tỉnh miền Nam nên khi mua về rất khó ra hoa, thậm chí dễ héo rễ. Người sành lan ở Thành Vinh thường chọn các giống hoa có nguồn gốc từ các tỉnh thành phía Bắc, có thổ nhưỡng mát mẻ, phù hợp với khí hậu nuôi trồng của miền Trung.
Ấy vậy mà, ngay cả người sành lan nhất vẫn không dám khẳng định thông thạo và “tinh mắt” trước hàng trăm chủng loại lan bày bán ngoài thị trường. Có một thực trạng là người bán trà trộn các giống cây dương xỉ, các loại cây rừng khác vào thân giò lan để thêm trọng lượng, vì có nhiều loại lan bán theo kg, chỉ cần sơ ý là “mắc bẫy” ngay. Không chỉ có vậy, nhiều người trước khi đem bán còn ngâm nước hàng đêm để cây nom mập mạp, bắt mắt; hoặc dùng các loại hóa chất, thuốc kích thích để lan nở theo thời gian ý muốn. Những giò lan đi trái quy luật tự nhiên và chịu nhiều tác động như thế không bao giờ nở được lâu, không có mùi thơm tự nhiên và thậm chí còn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người chơi… Và dĩ nhiên, những loại “lan hóa chất”, “lan công nghiệp”, sẽ chẳng bao giờ tồn tại trong lòng những người yêu hoa đích thực. Bởi giá trị của loài hoa rừng ấy nằm ở vẻ mộc mạc và kiêu hãnh, không dành chỗ cho những gì giả tạo.
Bài, ảnh: Hoàng Vũ
(57 Phùng Phúc Kiều - TP.Vinh)

Tin mới