Tai nạn lao động ở dự án Formosa: Khẩn trương khắc phục hậu quả

(Baonghean) - Vào khoảng hơn 20 giờ ngày 25/3, tại khu vực công trình đúc giếng chìm của Công ty Samsung, thuộc công trường Formosa (Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ sập giàn giáo khiến 13 người bị thiệt mạng và 28 người bị thương. Trong số đó, tỉnh Nghệ An có 3 người chết và 10 người bị thương (riêng huyện Diễn Châu có 2 người chết và 5 người bị thương). Ngay sau tai nạn, các hoạt động cứu nạn, khắc phục đã được các địa phương, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện...
Tai nạn nghiêm trọng
Vụ tai nạn sập giàn giáo đặc biệt nghiêm trọng xảy ra khi công nhân nhà thầu Tập đoàn Sam Sung (Hàn Quốc) đang lắp ráp giàn giáo đổ trụ bê tông có chiều cao 30m, và chiều rộng 20m. Một cán bộ của Công ty Nibelc cho biết, khi xảy ra sự cố, trên giàn giáo có hơn 100 người, trong đó có một chuyên gia người nước ngoài.
Hiện trường vụ sập giàn giáo. Ảnh: internet
Hiện trường vụ sập giàn giáo. Ảnh: internet
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hơn 1.000 người khẩn trương cứu hộ, cứu nạn. Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận những khối sắt khổng lồ đổ ụp xuống nằm ngổn ngang. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, đội viên lực lượng cứu hộ với cần cẩu, máy cắt đang phải dầm mình dưới cơn mưa nặng hạt cố gắng cắt từng thanh sắt, kéo từng khối thép ra khỏi hiện trường để tiếp cận các nạn nhân.
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh QK4 cho biết, lực lượng quân đội đã huy động hơn 300 người cùng máy móc hàn xì, máy nổ hiện đại vào hiện trường để tiếp tục cứu hộ khẩn trương.  Ngay trong đêm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã nhanh chóng điều động trên 200 cán bộ, chiến sỹ có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng công nhân, nhà thầu và các lực lượng tổ chức cứu hộ, vận chuyển; cắt sắt thép, tìm kiếm người dưới đống đổ nát, đưa đi cấp cứu; lãnh đạo Công an Hà Tĩnh đã huy động trên 100 cán bộ, chiến sỹ của cơ động, giao thông, 113, pháp y… cùng phối hợp với các lực lượng khác tham gia cứu hộ. 
Ghi nhận từ hiện trường, lực lượng cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng sắt thép, gỗ quá lớn, số công nhân bị mắc kẹt nằm sâu dưới khối sắt thép nặng hàng trăm tấn, không thể dùng cần cẩu để cẩu sắt thép ra ngoài mà phải dùng tay khuân vác, dùng máy hàn xì cắt từng đoạn thép, vận chuyển ra ngoài để cứu công nhân. Trong số các công nhân được đưa ra khỏi hiện trường, có nhiều người được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh, một số nạn nhân được di chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. 
Được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, nạn nhân Hoàng Thanh Mai (40 tuổi) quê xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết: Khoảng 20 giờ ngày 25/3, cả tổ lao động hơn 40 người đang mài phom để tiến hành đổ bê tông trên độ cao gần 20m, thì nghe tiếng nứt gãy, một số người định rời vị trí nhưng người quản lý cho rằng công trường đang an toàn nên mọi người cứ làm việc bình thường. Khoảng 15 phút sau, âm thanh lớn phát ra từ giàn giáo, rồi mọi người bị rơi xuống đất. Tôi ngất đi, tỉnh lại mới biết mình đang nằm ở bệnh viện.       
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Trong sáng 26/3, có mặt tại hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh khẳng định, ưu tiên số một là tập trung mọi nguồn lực cứu chữa những nạn nhân bị thương đang điều trị tại các trung tâm y tế trên địa bàn. Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị liên quan đưa những người  tử nạn về quê mai táng. “Bên cạnh việc huy động tối đa các lực lượng và phương tiện tháo dỡ hệ thống giàn giáo bị sập, khẩn trương tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân còn bị mắc kẹt, tỉnh  Hà Tĩnh sẽ thành lập đoàn điều tra liên ngành theo quy định của pháp luật để điều tra làm rõ nguyên nhân sập giàn giáo. Sau khi có kết luận điều tra, Hà Tĩnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh những đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của Nhà nước về an toàn lao động” - Ông Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh. 
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, sở đã huy động 100% phương tiện xe cấp cứu và đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cùng các bệnh viện địa phương Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh và Trung tâm cấp cứu 115 cùng hơn 300 y, bác sỹ, 150 học sinh Trường Cao đẳng Y tế đến hiện trường và bệnh viện để kịp thời cấp cứu cho các bệnh nhân. Ngay trong đêm, Bộ Y tế cũng đã cử gấp một đoàn bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Việt Đức vào Hà Tĩnh. 
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, bà Trần Thị Dung cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ tai nạn ở Formosa, lãnh đạo bệnh viện đã tổ chức họp khẩn, chỉ đạo các khoa cấp cứu, hồi sức, ngoại, chấn thương… huy động 100% y, bác sỹ, phương tiện cứu chữa kịp thời các bệnh nhân được chuyển về. Lập tức đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện huy động 240 đơn vị máu, cùng trang thiết bị hiện có tiến hành phẫu thuật 15 trường hợp cấp cứu, hiện nay tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định. Riêng 4 trường hợp nặng nhất, các bác sỹ bệnh viện cùng kíp bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội vào tăng cường tiến hành hội chẩn, xử lý kịp thời. 
Liên quan đến sự việc đáng tiếc trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra Công điện chỉ đạo tổ chức cứu nạn sự cố sập giàn giáo; Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải có Công điện khẩn thăm hỏi, chia buồn đến các gia đình và cá nhân bị nạn; yêu cầu Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp để tập trung ứng cứu, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân bị mắc kẹt.
Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tỉnh Hà Tĩnh mở rộng phạm vi kiểm tra công tác quản lý chất lượng và công tác quản lý an toàn lao động trên toàn bộ các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng của chủ đầu tư là công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Khu kinh tế Vũng Áng, đình chỉ các hạng mục đang thi công nếu chưa đảm bảo quy định về an toàn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với chức năng thống nhất quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động chỉ đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh rà soát công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động trên công trường. Đồng thời giao Cục Quản lý hoạt động xây dựng chủ trì cùng với Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác quản lý chất lượng, quản lý an toàn lao động, kỹ thuật thi công xây dựng của công trình này…
Theo thông tin nhận được, đến 15h30 ngày 26/3, công tác cứu hộ tại hiện trường cơ bản đã hoàn tất. Hiện không còn nạn nhân nào mắc kẹt dưới đống đổ nát. Con số chính thức đến hiện tại có 13 công nhân thiệt mạng, 28 người bị thương. Nhằm kịp thời chia sẻ, động viên các nạn nhân, trước mắt tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ ban đầu 3 triệu đồng đối với gia đình người tử nạn và 2 triệu đồng đối với các nạn nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Cùng với đó, nhà thầu đã hỗ trợ gia đình các nạn nhân tử vong 30 triệu đồng/người để lo việc hậu sự, mai táng. Chiều 26/3, chủ đầu tư, nhà thầu và tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo để thông tin chính thức về  sự việc. 
Ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội trao số tiền hỗ trợ cho các công nhân bị thương ở bệnh viện Kỳ Anh
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và xã hội Nghệ An thăm hỏi, hỗ trợ công nhân bị thương ở bệnh viện Kỳ Anh
Kịp thời chia sẻ 
Ngay trong sáng 26/3, đoàn lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh kịp thời thăm hỏi, động viên chia sẻ với các nạn nhân vụ sập dàn giáo tại Khu kinh tế Formosa (Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Theo đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 13 gia đình có người chết mỗi hộ 3 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng.
Đối với 3 người chết và 10 người bị thương của tỉnh Nghệ An, hiện ngoài sự hỗ trợ của tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã hỗ trợ 3 triệu đồng đối với một người bị chết và 2 triệu đồng đối với người bị thương; Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An cũng hỗ trợ những lao động của Nghệ An gặp nạn 1 triệu đồng đối với người bị thương và 2 triệu đồng đối với người bị chết.
Từ hôm qua, 26/3, dưới sự chỉ đạo của tỉnh Nghệ An, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An đã trực tiếp vào Kỳ Anh và làm việc với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh để nắm bắt tình hình, bàn giải pháp giúp đỡ những người bị nạn. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã đến Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh và Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh để thăm hỏi các công nhân bị thương, trao tiền hỗ trợ một trường hợp 1.000.000 và các công nhân ở tỉnh khác mỗi người 500.000 đồng. Riêng với những trường hợp bị tử nạn trong vụ tai nạn này, tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ một trường hợp là 3.000.000 đồng. 
Ngay sau khi nhận được thông tin, huyện Diễn Châu đã cử đoàn công tác đi thăm hỏi, động viên và chia buồn với thân nhân 2 gia đình trên địa bàn  có người thân tử nạn trong vụ tai nạn; hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng để lo mai táng. Sáng nay (27/3), huyện Diễn Châu cử đoàn vào Hà Tĩnh để động viên thăm hỏi 5 người bị thương còn nằm trong các bệnh viện.
P.V-C.T.V
TIN LIÊN QUAN

Tin mới