Phát huy bản sắc người Nghệ trong sự nghiệp đổi mới quê hương

(Baonghean) - Trên những chặng đường lịch sử của đất nước, với khí phách anh hùng, tiên phong “đi đầu dậy trước”, đất và người xứ Nghệ có những đóng góp vô cùng to lớn trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4), Ngày Quốc tế Lao động (1/5), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc về phát huy vai trò, vị trí và nguồn nhân lực của Nghệ An trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển hiện nay cũng như định hướng trong thời gian tới. 

Kính thưa đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ càng chứng minh truyền thống anh hùng của xứ Nghệ, ghi danh những đóng góp vô cùng to lớn của đất và người Nghệ An trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đồng chí Lê Hồng Anh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm trang trại cam  ở xã Đồng Thành (Yên Thành). Ảnh: Sỹ Minh
Đồng chí Lê Hồng Anh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm trang trại cam ở xã Đồng Thành (Yên Thành). Ảnh: Sỹ Minh
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Lịch sử đã chứng minh, Nghệ An là mảnh đất “thành đồng ao nóng” của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước và những đóng góp to lớn về người và của trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Truyền thống, phẩm chất quý báu đó có từ trước khi diễn ra hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nghệ An luôn là một địa bàn cứ điểm trọng yếu, là bàn đạp của nhiều trận chiến lưu danh trong lịch sử chống giặc Nguyên - Mông, giặc Minh... 
Trong thế kỷ XIX và XX, Nghệ An là nơi có nhiều phong trào đấu tranh cách mạng nhằm giành lại độc lập cho nước nhà. Với khí phách anh hùng, tiên phong “đi đầu dậy trước”, đất và người xứ Nghệ đã viết nên những trang sử đầu tiên của phong trào đấu tranh vô sản với đỉnh cao là Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 -1931). Một mốc lịch sử chói lọi khác trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cũng ghi công lao to lớn của những người con xứ Nghệ đã đổ máu xuống pháo đài bậc nhất hành tinh ấy. 
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Nghệ An có khoảng 596.000 người tham gia lực lượng quân đội, 43.000 người tham gia lực lượng TNXP, gần 16.000 người tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến... Kết thúc chiến tranh, toàn tỉnh có khoảng 47.000 liệt sỹ, 42.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 17.000 bệnh binh. Những con số trên cho thấy những đóng góp, hy sinh vô cùng to lớn của Nghệ An để mang lại hòa bình, độc lập dân tộc, mà đỉnh cao là chiến thắng năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 
P.V: Thưa đồng chí, vậy đất và người Nghệ An đã phát huy truyền thống “đi đầu dậy trước” ấy như thế nào trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá về điều kiện vốn có của tỉnh nhà: Nghệ An là tỉnh đất rộng, người đông, điều kiện về tài nguyên thiên nhiện đa dạng và phong phú. Phát huy những lợi thế đó, kinh tế - xã hội Nghệ An có những bước phát triển tương đối nhanh, đời sống người dân ngày một nâng cao. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tình hình phát triểnkinh tế - xã hội tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế. Tính đến hết năm 2014, thu ngân sách đạt 7.652 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 26 triệu đồng/năm (hơn 1.200 USD), tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10%. Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo chưa thể cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp và tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Điều đó, đòi hỏi các thế hệ hôm nay phải tích cực hơn nữa trong việc phát huy tinh thần tiên phong, đi đầu trên mọi mặt trận của người Nghệ An như trong những thời kỳ chiến chinh. Địa danh và con người Nghệ An đã thành tượng đài sống của lòng yêu nước mạnh mẽ. Bởi vậy, trong thời đại mới này, chúng ta phải nỗ lực để tạo ra những dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta cần có nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng trong chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Để làm được như vậy, bên cạnh khai thác hiệu quả tiềm năng tự nhiên thì vấn đề có tính quyết định chính là phát huy tiềm năng về nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. 
P.V: Như đồng chí Bí thư vừa nói, nguồn nhân lực dồi dào là một trong những thế mạnh của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, hình như nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khai thác, sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả. Vậy, đồng chí cho biết những đánh giá hiện trạng và những định hướng phát triển thế mạnh về con người để đưa Nghệ An có thể trở thành điểm sáng trên con đường phát triển?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Hiện nay, tỉnh ta có dân số hơn 3,1 triệu người, trong đó người trong độ tuổi lao động vào khoảng 1,8 triệu. Người Nghệ An vốn nổi tiếng thông minh, hiếu học, trung thực, mạnh mẽ. Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Nghệ An luôn có mặt trong những vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng của cả nước. Ngoài ra, chúng ta cũng đào tạo được nhiều học sinh ưu tú, tham gia vào đội tuyển quốc gia và đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, đem vinh quang về cho Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2015, đoàn Nghệ An tiếp tục đạt kết quả cao, xếp thứ 3 cả nước với 82 học sinh đạt giải (xếp sau Thành phố Hà Nội, Hải Phòng), tất cả các môn thi đều có học sinh đạt giải.
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện tử Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh.	Ảnh: phan văn toàn
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện tử Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh.           Ảnh: Phan Văn Toàn
Tuy nhiên, hạn chế của lao động Nghệ An hiện nay là tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chỉ chiếm khoảng hơn 35%, tác phong công nghiệp còn chưa cao. Mỗi năm chúng ta có hơn 20.000 lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp... nhưng chỉ mới sử dụng chưa đến 2.000 lao động. Vấn đề cốt lõi không nằm ở chênh lệch số lượng cung - cầu trên thị trường tuyển dụng mà nằm ở chênh lệch giữa yêu cầu chất lượng lao động của nhà tuyển dụng và tay nghề của người lao động.
Trong xu hướng lấy môi trường đầu tư làm bàn đạp để kinh tế tỉnh Nghệ An tạo bước đột phá, chúng ta cần chú trọng hơn nữa đến yếu tố con người. Hướng đi thứ nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là con em Nghệ An về làm việc, đóng góp xây dựng quê hương. Hướng đi thứ hai là đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đảm bảo nguồn lao động tại chỗ có tay nghề cao, không chỉ đạt tiêu chuẩn quốc gia mà phải vươn lên đẳng cấp quốc tế, đủ điều kiện vào làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp của nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. 
Tỉnh đã triển khai đề án, chỉ đạo các cấp, các ngành phân luồng đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống đào tạo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đào tạo nghề. Như vậy, vừa định hướng cho các em học tập, phát triển đúng nguyện vọng và năng lực bản thân, vừa phù hợp với nhu cầu của xã hội, từ đó tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội được đóng góp cho quê hương. Tỉnh sẽ đóng vai trò cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp để đảm bảo sự hiện diện của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh không chỉ đem lại lợi ích tức thì cho nguồn ngân sách tỉnh, mà còn tạo hiệu ứng xã hội tích cực và lâu dài, thông qua tạo việc làm, thu nhập ổn định cho con em tỉnh nhà. 
Có như vậy thì người lao động Nghệ An mới tự tin tham gia vào guồng máy phát triển kinh tế - xã hội, trở thành những nhân tố tích cực của thị trường lao động tại địa phương, trong nước và quốc tế. Đặc biệt là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào năm 2015 này và các nước trong khu vực đã có lộ trình mở cửa thị trường lao động cho lao động các nước thành viên vào làm việc, lao động Nghệ An nhất định phải nắm bắt được thời cơ quan trọng này.
P.V: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, một tin vui là vào ngày 16/4/2015, theo kết quả do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, Nghệ An đã từ vị trí thứ 46 (hạng trung bình) vươn lên vị trí 28 (hạng khá) trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thông tin đó đến vào dịp cả nước hân hoan kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vậy đồng chí có thể cho biết những trọng tâm trong định hướng phát triển của tỉnh thời gian tiếp theo?
Đồng chí Hồ Đức Phớc: Năm 2014 vừa qua có thể nói là một năm mà Nghệ An bứt phá nhanh chóng trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sắp tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư trên cả hai mảng: cơ sở hạ tầng và hành lang hành chính, pháp lý. Ngoài ra, xác định Nghệ An ở tâm thế thu hút, kêu gọi nhà đầu tư nhưng có trọng tâm, định hướng, phục vụ cho mục tiêu phát triển của tỉnh. Đó là phát triển kinh tế dựa trên 3 khu vực trọng điểm: miền Tây Nghệ An; Vinh - Cửa Lò - Khu kinh tế Đông Nam; Hoàng Mai - Đông Hồi. Mỗi khu vực sẽ tập trung phát triển một hoặc một số ngành mũi nhọn như công nghiệp nặng (vật liệu), công nghiệp nhẹ (chế biến, liên kết với nông nghiệp), công nghiệp “mềm” (du lịch, dịch vụ)...
Trong định hướng phát triển thời gian tới, tỉnh tiếp tục bám sát Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020. Bước đầu thực hiện nghị quyết, chúng ta đã thu được nhiều kết quả rất khả quan. Đây là thuận lợi rất lớn để Nghệ An thực sự “cất cánh” trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; xây dựng, đề ra các nghị quyết, đề án phát triển sát thực và hiệu quả để biến những yếu tố thuận lợi như truyền thống quê hương, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển quê hương giàu mạnh. 
Ở tầm nhìn xa hơn và vĩ mô hơn, chúng ta cần phải kết hợp, lồng ghép hài hoà những giá trị cũ và mới, truyền thống và hiện đại để phát triển nhanh nhưng bền vững, dựa trên nền tảng bản ngã, bản sắc rất riêng, rất Nghệ. Mục tiêu chúng ta hướng tới là xây dựng con người vừa lưu giữ được bề dày trầm tích văn hoá, lịch sử quê hương nhưng có tầm nhìn và tư duy của thời đại. Đó chính là điều mà Nghệ An đang rất cần để có những bước tiến “thần kỳ” trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy!

PV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới