Món quà để lại!

(Baonghean) - Trung tá Vũ Xuân Quảng, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về một vị khách đặc biệt đến thăm đảo, và món quà đặc biệt nhất mà cán bộ, chiến sỹ Phan Vinh ai ai cũng ghi nhớ.
Ấy là trong một đoàn công tác thăm Trường Sa, có một bác người cao tuổi, là cựu tù Côn Đảo, râu tóc bạc phơ như một ông tiên. Khi vừa từ xuồng chủ quyền đặt chân lên đảo Phan Vinh, ông đã phủ phục xuống hôn lên triền cát. Khi bước đến trước người chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam bồng súng đứng bên bia chủ quyền, hình ảnh đã thành biểu tượng đi khắp năm châu, bốn biển khi nói về chủ quyền biển đảo Việt Nam, ông run lên vì cảm động và bất chợt quỳ xuống rưng rưng khóc như một đứa trẻ, rồi liên hồi gập đầu làm động tác tạ lễ. 
Nghi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa  tại đảo Lý Sơn.		Ảnh: p.v
Nghi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn. Ảnh: P.V
Gió đại dương lồng lộng và dũng mãnh thổi lật tung râu tóc nhưng vẫn không xóa được những ánh lân tinh cát mặn biển khơi dính trên chòm râu trắng như cước. Những giọt nước mắt người già quyện vào râu tóc ánh ngời trong nắng trưa. Quá bất ngờ vì hành động của vị khách đặc biệt đến thăm đảo, người chiến sỹ trẻ vội vàng cúi xuống đỡ ông lão đứng lên, ông lão nghẹn ngào chỉ thốt được mấy lời “đội ơn các con, đội ơn các con!”.
Trong đêm giao lưu với vị khách đặc biệt ấy, các chiến sỹ không khỏi cảm động và khâm phục khi biết ông vào chiến trường từ năm 18 tuổi, người nhẹ cân nên phải bỏ đá vào người cho đủ sức khỏe để “đi B dài”. Cuộc đời binh nghiệp vào sinh ra tử bấy nhiêu lần, chịu bao trận đòn roi của những tên cai ngục khét tiếng khát máu cộng sản ở biệt ngục Côn Đảo, vậy mà ông và đồng đội vẫn kiên gan bền bỉ trung trinh một lòng cho đến ngày về toàn thắng.
Thời gian gần đây, mỗi lần nghe tin biển, đảo Tổ quốc bị ngoại bang lăm le ý đồ xấu, trái tim ông không khỏi bị quặn thắt. Được đặc cách mời đi thăm Trường Sa theo chính nguyện vọng do ông đề đạt, ông đã chuẩn bị thật nhiều những câu chuyện, những bài học về tinh thần chịu đựng hy sinh và vượt lên gian khổ mà chính bản thân ông đã trải qua, những mong tiếp tục thắp lên ngọn lửa tiếp nối mạch nguồn ý chí. Ấy vậy mà, khi đến Trường Sa, các chàng lính trẻ yêu cầu “bố” kể chuyện làm quà, ông nói tất cả những điều mà ông đã chứng kiến khiến ông hoàn toàn yên tâm. Ông chỉ muốn gửi đến một món quà cho từng cán bộ, chiến sỹ. Ấy là ông mời lần lượt từng cán bộ, chiến sỹ lên và yêu cầu họ nhận ở ông một lạy để tạ ơn. 
Ông nói, trải qua hải trình dữ dội ngày đêm giữa trùng khơi, tận mắt chứng kiến niềm vui được lên tàu ra đảo của những tuổi mười tám, mười chín, hai mươi hôm nay, ông đã cảm nhận được những điều thật lớn lao. Có thứ mạch nguồn kết nối vô hình nào đó thật khó diễn tả, đang được nối tiếp, truyền đi, và cuồn cuộn chảy từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ Côn Đảo kiên cường bất khuất ngày xưa đến những hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Vì vậy, là người cao tuổi nhưng còn được đi, được đến, được thấy tận mắt chứng kiến những người đang thầm lặng thực hiện công cuộc gìn giữ chủ quyền quốc gia dân tộc nơi muốn trùng sóng gió, là một niềm hạnh phúc lớn của đời ông, và ông đội ơn những người đang mang lại bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân, trong đó có ông.
Trung tá Vũ Xuân Quảng kể, từ chuyến thăm của người cựu tù Côn Đảo ấy, tất cả cán bộ, chiến sỹ như được tiếp thêm nguồn năng lượng vô cùng lớn. Ai cũng cảm thấy phải trở nên xứng đáng hơn với sự tin tưởng của đất liền, nhất là để xứng đáng với công lao, với sự hy sinh vô cùng to lớn của thế hệ đi trước, và đặc biệt là xứng đáng với niềm tin mà thế hệ đi trước đặt trọn vào lớp trẻ. Không những thế, câu chuyện vượt hàng nghìn hải lý để đến với Trường Sa của người cựu tù Côn Đảo, cũng là câu chuyện thường được nhắc cho những ai sắp sửa lên tàu đến với đảo xa, sắp sửa nhận nhiệm vụ hay trọng trách lớn. Rằng không có giới hạn nào là không thể vượt qua, kể cả giới hạn sức khỏe, tuổi tác, nhất là khi trong trái tim mình luôn sáng ngời niềm tin vào sức mạnh chân lý, niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, của thế hệ trẻ.
Ngô Kiên

Tin mới