Trung thu ấm áp yêu thương

(Baonghean) - Một trung thu tròn đầy là mơ ước của những trẻ em nghèo, kém may mắn. vì lẽ đó, mùa trung thu cũng chính là mùa khởi đầu cho những chuyến đi đầy tình nghĩa nhằm sẻ chia và dành những tình cảm yêu thương nhất để các em thực sự có một đêm trăng tròn trọn vẹn yêu thương…

Các em thiếu nhi Thị trấn Nghĩa Đàn rước đèn ông sao.  Ảnh: Thái Trường
Các em thiếu nhi Thị trấn Nghĩa Đàn rước đèn ông sao. Ảnh: Thái Trường
Sẻ chia yêu thương
Trung thu năm nay đến sớm hơn với các em ở Làng trẻ em SOS Vinh, từ sáng 13/8 âm lịch, đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm và tặng quà cho các con của làng. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt trẻ thơ, trên ánh mắt mong chờ và cả trong sự háo hức vì niềm vinh dự. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ sự xúc động bởi những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng làng trẻ em SOS đã thực sự là mái nhà chung, che chở, chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em bất hạnh, kém may mắn của cả tỉnh. Cũng từ nơi đây, đã có rất nhiều cô bé, cậu bé trưởng thành và trở thành những công dân có ích. Đem niềm vui Trung thu đến sớm với trẻ em của làng, các bác các chú lãnh đạo tỉnh cũng hy vọng món quà sẽ là nguồn động viên để các em có thêm niềm vui, thêm động lực để bước tiếp chặng đường sắp tới. Em Ngô Văn Cường (SN 2004), cho biết: “Hàng năm, chúng em đều được các bác, các chú lãnh đạo tỉnh, thành phố, các anh chị thanh niên, các tổ chức đoàn thể tới tặng quà, tổ chức văn nghệ, trò chơi, vui lắm. Em mong tất cả những bạn nhỏ thiệt thòi khác ngoài làng trẻ đều được tặng quà, được vui chơi như chúng em”.
Các đại biểu cùng các em thiếu nhi xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) phá cỗ Trung thu.	  	Ảnh: Minh Quân
Các đại biểu cùng các em thiếu nhi xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) phá cỗ Trung thu. Ảnh: Minh Quân
Tại Thành phố Vinh, những trẻ em đang điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi cũng được quan tâm đặc biệt. Tối 13/8 (âm lịch) những món quà ngộ nghĩnh đầy yêu thương do các em học sinh của Trường THPT Lê Viết Thuật và Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tự tay làm đã kịp đến với những em nhỏ đang điều trị tại bệnh viện. Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng đối với đêm “Trung thu cho em” dành cho các bệnh nhân nhi, em Nguyễn Thị Diệu Linh, học sinh lớp 11D2, tâm sự: “Là trẻ nhỏ, em nghĩ ai cũng muốn được đón Trung thu với gia đình, bạn bè và thôn xóm. Nhưng các em nhỏ ở đây vì đau ốm phải vào viện điều trị nên ước mơ nhỏ bé ấy cũng không thể thực hiện được. Bằng lời ca, tiếng hát, bằng tấm lòng của mình… chúng em hy vọng sẽ mang đến cho các bệnh nhân nhỏ đêm Trung thu đầy ý nghĩa…”. Chương trình mới được xây dựng ý tưởng và chỉ phát động “tự phát” trong một thời gian ngắn nhưng nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều học sinh và con em giáo viên của trường. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô giáo ở Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đứng ra vận động, quên góp và kết nối các tổ chức tình nguyện, kịp thời chuẩn bị được gần 700 suất quà tặng cho các bệnh nhân nhi.
Tết Trung thu năm nay, những em nhỏ thiệt thòi của tỉnh còn nhận được sự quan tâm của các cầu thủ SLNA. Trong 2 ngày 22 và 23/9, các cựu tuyển thủ QG Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Quyến cùng các cầu thủ SLNA như Trần Nguyên Mạnh, Quế Ngọc Hải, Ngô Hoàng Thịnh, Trần Phi Sơn, Phạm Mạnh Hùng đã cùng với các đội bóng phong trào tổ chức các trận đấu từ thiện tại TP.Vinh và tỉnh Hà Tĩnh để gây quỹ tổ chức Trung thu cho các em nhỏ tàn tật. Số tiền quyên góp được qua trận đấu sẽ dành tặng cho Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật 19/3 tại xã Nghi Diên (Nghi Lộc) và vào tối 14/8 âm lịch, tất cả các cầu thủ sẽ cùng tham dự đêm Trung thu với các em nhỏ nơi đây. 
Trung thu thắp sáng bản nghèo
Trung thu này, các cấp chính quyền ở các huyện vùng cao đã nỗ lực mang đến cho thiếu nhi dân tộc thiểu số một Trung thu đầy yêu thương. Được đón Trung thu sớm nhất là các em 2 xã thuộc vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ là Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Là địa phương được UBND tỉnh chỉ đạo điểm tổ chức Tết Trung thu với tên gọi “Trung thu về bản” vào tối 24/9 (tức tối 12/8 Âm lịch), lần đầu tiên, các em thiếu nhi dân tộc Thái, Khơ mú, Ơ đu ở 2 xã có một đêm Trung thu vui và ý nghĩa, được đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo Sở LĐTB&XH đến chia vui, phát quà. Trước niềm vui của các em nhỏ, ông Lô Hoài Dung, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: “Trẻ em vùng tái định cư nói riêng và trẻ em vùng dân tộc miền núi nói chung chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa ở miền xuôi. Có được đêm vui Trung thu như thế này, đây thực sự là món quà tinh thần vô cùng to lớn mà chắc chắn trước đây trẻ con và người lớn ở đây chưa bao giờ được biết đến”.
Tặng xe đạp cho trẻ em 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (Thanh Chương). Ảnh: M.Q
Tặng xe đạp cho trẻ em 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (Thanh Chương). Ảnh: M.Q
Bản Lữ Thành cách trung tâm xã Tây Sơn, huyện biên giới Kỳ Sơn 6,5 km đường rừng, là nơi sinh sống của 52 hộ đồng bào dân tộc Mông, ở đây bà con chỉ phát nương làm rẫy, đời sống chủ yếu tự cung tự cấp, khó tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp vì giao thông cách trở, bản chưa có điện lưới quốc gia, dân bản chỉ dùng sức nước khe suối để chạy các tua bin điện nhỏ dùng cho thắp sáng và sinh hoạt hàng ngày. Nếu như Tết Trung thu ở thành thị với nhiều đèn lồng, đèn ông sao rợp trời và vô số trò chơi đủ màu sắc dành cho các bé nhiếu nhi, thì tại nơi đây giữa nơi hoang vắng chỉ có đồi núi, các bãi ngô, nương sắn… trò chơi của các em chỉ đơn giản là những cỏ cây hoa lá, các em nô đùa với những bộ quần áo lấm lem, làn da rám nắng, đôi mắt to tròn và những nụ cười hồn nhiên trong sáng. Lần đầu tiên tại nơi này cách Thành phố Vinh gần 300 km, các em thiếu nhi được đón một Tết Trung thu thực sự, với các tiết mục văn nghệ, có chị Hằng và chú Cuội do các anh chị trong Đội thiện nguyện huyện Kỳ Sơn tổ chức.
Để có được đêm hội trăng rằm cho các em, 13 thành viên trong Đội hiện nguyện đã kêu gọi các nhà hảo tâm trên địa bàn thị trấn và ở các nơi khác trong tỉnh qua facebook quyên góp ủng hộ. Với sự sẻ chia đó, lần đầu tiên, các em nhỏ người Mông được biết đến chiếc bánh trung thu, được chơi những chiếc đèn lồng đủ màu sắc. Anh Mùa Bá Chư, Bí thư Đoàn xã Tây Sơn cho biết: “Đã nhiều năm rồi chúng tôi rất muốn tổ chức tết Trung thu cho các cháu nhưng vì điều kiện kinh tế của xã rất khó khăn, kinh phí không biết huy động từ đâu nên đành chịu. Nhờ có các anh chị trong Đội thiện nguyện mà các cháu mới có được cái tết Trung thu như thế này. Cho tôi gửi lời cảm ơn tới các nhà hảo tâm, các anh chị trong Đội thiện nguyện đã đem đến cho các em ở bản một cái Tết Trung thu thật ý nghĩa….”. 
Tại huyện Quế Phong, huyện đã tổ chức các “Lễ hội trăng rằm”, vui Trung thu cho các em ở các xã Hạnh Dịch, Nậm Giải. Chị Trương Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để mang đến cho các em một Trung thu ấm áp, đủ đầy, tại mỗi xã, huyện đã trao 15 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng, tặng hàng chục thùng sữa, trao xe đạp cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. 
Miền chân sóng gọi trăng lên
Với người dân xã biển Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Trung thu không đơn thuần là Tết của thiếu nhi mà đó còn là ngày đại đoàn kết thứ 2 trong năm. Tết Trung thu về, miền quê vùng chân sóng này ấm áp, náo nức hơn bao giờ hết bởi đây là cơ hội để những ngư dân làng biển bù đắp tình cảm cho người thân, đặc biệt là con trẻ, sau những chuyến đi biển dài ngày. Tất cả các gia đình, các ngõ, tổ dân cư đều tham gia góp tiền làm tiệc mặn để mọi người cùng vui. Bà Hoàng Thị Lý, người dân thôn 12 cho hay: Vào đêm Trung thu, tại các cụm dân cư đều sửa soạn các mâm cỗ riêng. Bàn thờ Bác, mâm cỗ được đặt trang trọng. Sau rước đèn, người lớn, trẻ nhỏ đều cùng về đây thắp hương, liên hoan mặn, hát ca... Đóng góp cho mâm cỗ là tùy tâm, sự tự ý thức của mỗi nhà. Điều quan trọng nhất là tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Ông Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tết Trung thu xã hội hóa có sự tham gia tất cả mọi người đã được phát động, duy trì gần 10 năm nay. Việc tổ chức Trung thu như vậy đã tạo nên những ấn tượng khó phai trong tâm trí của các cháu về mảnh đất, tình quê hương đậm đà; cố kết thêm tình làng nhĩa xóm, tình cảm đoàn kết trong cộng đồng. Chăm lo cho con em, xã đã thành lập các đoàn tặng quà cho các cháu trước ngày Trung thu, đặc biệt quan tâm đối với các cháu tàn tật, mồ côi. Năm nay có trên 30 cháu được nhận các phần quà của xã... Ở các xã vùng biển của Thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, các em nhỏ cũng đang có một mùa Trung thu ấm áp, yêu thương bên người thân, gia đình.
Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho trẻ em nghèo có điều kiện vui Trung thu ngày càng được xã hội quan tâm hơn với sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều tổ chức xã hội và các “mạnh thường quân”. Tuy vậy, thực tế còn rất nhiều trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu... Do đó, chúng tôi kêu gọi xã hội quan tâm nhiều hơn nữa đến trẻ em và cũng mong có sự phối hợp giữa Sở LĐTB&XH với các ban, ngành, đoàn thể sâu sát hơn, cụ thể hơn để tạo một môi trường lành mạnh để trẻ sống và phát triển tốt".
Nhóm PV

Tin mới