Xương rồng trên cát

(Baonghean) - Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn, vất vả đến bao nhiêu thì những người phụ nữ xứ Nghệ vẫn vươn lên đứng vững trong cuộc sống. Họ được ví như những cây xương rồng trên cát trắng…

1. Bà chủ thôn Đại Bắc
Năm 1978, chị Ngô Thị Não ở thôn Đại Bắc, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) kết duyên với anh Nguyễn Sông Lam.  Dù bươn chải làm ăn suốt ngày, nhưng cái đói vẫn cứ bám theo gia đình chị.
Chị Ngô Thị Não vận chuyển khay nhựa lên xe để ra cảng Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) thu mua hải sản.
Chị Ngô Thị Não vận chuyển khay nhựa lên xe để ra cảng Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) thu mua hải sản.
Năm 1995, nhận thấy trên địa bàn chưa có cơ sở thu mua hải sản cho ngư dân nên chị đã bàn bạc với chồng mở dịch vụ thu mua, xuất khẩu hàng thủy sản tại địa phương. Từ khi có cơ sở thu mua hải sản của gia đình chị Não, nhiều tàu cá sau khi đánh bắt từ biển trở về đều được cơ sở của chị tiêu thụ hết toàn bộ hải sản. 
Ngày đó, cơ sở của chị chủ yếu thu mua cá và mực, rồi sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2010, ngư dân Quỳnh Long chuyển đổi từ nghề câu mực sang nghề vây rút chì, đây là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nắm được cơ hội này, chị một lần nữa bàn bạc với chồng làm hồ sơ, đấu thầu đất của Nhà nước tại cảng cá Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận).
Chị Ngô Thị Não chia sẻ: “Mới đầu chuyển sang cơ sở mới, do chưa quen với các chủ phương tiện tàu thuyền nên việc thu mua còn hạn chế, nhưng một thời gian sau, có khoảng 30 phương tiện gia đình nhận thu mua sản phẩm”. 
Để nâng cao hiệu quả thu mua hải sản cho ngư dân, chị Não đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng 3 chiếc xe ô tô tải, 7.000 khay nhựa đựng hải sản, xây dựng một số công trình lưu trữ sản phẩm sau khi thu mua về.
Theo chị Não, bình quân 1 tháng, cơ sở của gia đình chị thu mua từ 800 - 1.000 tấn hải sản các loại. Sau khi thu mua xong, chị bán cho các doanh nghiệp có kho đông lạnh, kho hấp sấy để đóng bao bì đưa đi xuất khẩu. Sau khi trừ các khoản chi phí, trung bình 1 năm, gia đình chị có thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng. Tạo việc làm cho 15 công nhân địa phương, thu nhập mỗi công nhân trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Chị Phạm Thị Hương, một công nhân cho biết: Nhờ có cơ sở thu mua hải sản của chị Não mà rất nhiều chị em có việc làm. Một tháng, chúng tôi chỉ làm 10 ngày là lúc tàu cá về, thời gian còn lại chị em đi vá lưới cá thuê để kiếm thêm thu nhập”.
Việt Hùng
2. Sẻ chia yêu thương
Về làm dâu ở miền đất Quỳ Châu và gắn bó với nghề dạy học hơn 20 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thái, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Bình có rất nhiều kỷ niệm với nghề. Trong đó, không thể quên được chính là việc tổ chức những bữa cơm bán trú cho học sinh tiểu học…
Cô giáo Nguyễn Thị Thái kiểm tra việc học của học sinh ở điểm trường Thung Khạng (Châu Bình, Quỳ Châu).
Cô giáo Nguyễn Thị Thái kiểm tra việc học của học sinh ở điểm trường Thung Khạng (Châu Bình, Quỳ Châu).
Những ngày mới vào nghề gặp biết bao khó khăn, nhưng càng gắn bó với học sinh vùng cao, càng thấy được sự vất vả của học sinh nơi đây chị càng tự nhủ phải nỗ lực, phải cố gắng hơn gấp nhiều lần. Sau 10 mười năm công tác, chị được đề đạt lên làm lãnh đạo và ở cương vị này, chị có thêm nhiều cơ hội để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo.
Khi đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hội 2, khó khăn nhất chính là vận động học sinh đến trường và duy trì sĩ số hàng ngày. Châu Hội là xã khó khăn, địa bàn rộng. Chỉ riêng Trường Tiểu học Châu Hội 2 đã có đến 5 điểm trường lẻ, trong đó điểm bản Khứm cách điểm trường chính gần 10 cây số, đường dốc và qua nhiều khe suối.  Để giải quyết bài toán này, giải pháp tối ưu nhất là cho học sinh học bán trú nhưng chủ trương này khó thực hiện vì phụ huynh trong trường đa phần là hộ nghèo.
Trước thực tế này, chị xác định “tự mình phải vận động”. Nghĩ là làm, từ năm học 2012 - 2013, chị xây dựng phong trào: “Nhường cơm sẻ áo để tổ chức bữa cơm học đường”. Trong đó, việc làm đầu tiên là chị viết thư kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện và gửi qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cầu nối, các mối quan hệ... kêu gọi sự ủng hộ bằng tiền mặt hoặc hiện vật.
Năm học 2012 - 2013 cũng là năm đầu tiên trường được hưởng chương trình Dự án Seqap, hỗ trợ học sinh nghèo khó khăn 2 bữa cơm trưa/tuần, trị giá 10 ngàn đồng/bữa/em. Tuy chỉ 40% học sinh của trường được hưởng nhưng nhà trường đã mạnh dạn tổ chức cho 100% học sinh ăn bữa cơm trưa/tuần.
Ngoài ra, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường còn ủng hộ ngày lương vào dịp Tháng Khuyến học để mua sách, bút, áo quần tặng học sinh nghèo và ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất làm bếp ăn cho học sinh. 
 Không phụ lòng thầy cô, các em đi học chuyên cần, không còn hiện tượng học sinh kể cả ngày mưa gió. Nhà trường sáp nhập thành công từ 5 điểm trường nay còn 3 điểm trường, huy động học sinh lớp 5 từ bản trường lẻ cách trường chính 8 km về học trường chính, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày thuận tiện; chất lượng giáo dục được nâng lên, lọt vào top 4 của huyện.
Sau thành công của Trường Tiểu học Châu Hội, từ 2 năm trở lại đây cô giáo Thái lại được điều về Trường Tiểu học Châu Bình. Ở đây, bên cạnh việc chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh, chị quan tâm nhiều đến chất lượng. Vì vậy, hàng tháng dù đường sá đi lại vất vả nhưng chị không ngại vào những điểm trường lẻ, trực tiếp kiểm tra chất lượng học sinh, có nhiều chính sách để động viên giáo viên cắm bản vùng sâu, vùng xa. 
Cô giáo Nguyễn Thị Thái chia sẻ: “Các em càng vất vả thì mình càng yêu thương, càng chăm chút. Nơi nào càng khó thì mình càng phải quan tâm để các em không thấy mình bị thua thiệt”. 
Mỹ Hà
3. Người phụ nữ Thái ba đảm đang
Cũng như nhiều gia đình khác ở xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong), hoàn cảnh xuất phát của gia đình chị Lương Thị Châm ở bản Yên Sơn rất khó khăn khi thu nhập hoàn toàn dựa vào việc canh tác nương rẫy. Hai vợ chồng làm quần quật quanh năm cũng chỉ đủ tiền chi tiêu tằn tiện để nuôi 2 con nhỏ, trong gia đình không có vật dụng gì có giá trị. 
Chị Lương Thị Châm chăm sóc  rùa mỏ vẹt.
Chị Lương Thị Châm chăm sóc rùa mỏ vẹt.
Nhưng khác với nhiều phụ nữ người Thái, người Mông khác trong bản, chị Châm không cam chịu đói nghèo mà luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế.
Với số vốn 10 triệu đồng vay được của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, cùng với số tiền ủng hộ của gia đình, anh em bạn bè, vợ chồng chị đầu tư đào ao, xây bờ tường bao, sau đó thu mua rùa mỏ vẹt và ba ba từ các làng bản về nhân giống.
Lúc bấy giờ, trong xã không có nhà nào nuôi ba ba nên chị tìm tòi bằng cách hỏi cán bộ thú y xã, huyện, rồi nghe trong vùng ở đâu có nhà nào nuôi rùa, nuôi ba ba là chị đến học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, trang trại của chị có gần 100 con rùa mỏ vẹt, 20 con ba ba.
Ngoài việc nuôi rùa và ba ba, chị Châm còn nuôi thêm nhím thương phẩm, gà đen, hươu sao, cá để tận thu nguồn thức ăn tự sản xuất được. Thu nhập hàng năm từ 60 – 70 triệu đồng.
Chị Châm chia sẻ: “Vợ chồng mình đều là con em đồng bào Thái sinh sống ở đây đã nhiều đời. Cũng nhờ học được cái chữ mà mình biết đọc sách, báo, học hỏi được bí quyết làm kinh tế ở nhiều nơi nên mình tự làm theo thôi”. 
Gia đình chị Châm còn là gia đình văn hoá tiêu biểu nhiều năm liền. Cả 2 con của anh chị đều học đại học, cháu gái đầu sinh năm 1992 đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, cháu thứ hai học năm cuối ở Học viện Hậu cần.
Chị Vi Thị Sinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tri Lễ cho biết: “Chị Lương Thị Châm là điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của huyện, của xã nhiều năm nay. Mô hình chăn nuôi thành công của chị đã và đang là địa chỉ cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ tham quan, học tập”. 
Minh Quân
TIN LIÊN QUAN

Tin mới