Ngôi nhà chung của tuổi thơ xứ Nghệ

(Baonghean.vn) - Khi tôi viết sê-ri ký ức về nhà tầng Quang Trung, bạn tôi tận thành phố Hồ Chí Minh nhắn nhủ “ông có thể dành cho tôi và những bạn bè ngày xưa ấy, vài dòng về Nhà văn hóa thiếu nhi Ten-lơ-man được không?”. Tất nhiên là được, rất được là đằng khác bởi nơi đấy là địa chỉ vui chơi khó quên của tuổi thơ xứ Nghệ hơn 30 năm qua.

Nhà văn hóa thiếu nhi Ten-lơ-man chính là món quà của Hội đồng Đội Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) tặng thiếu nhi thành phố Vinh cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Sở dĩ Nhà văn hóa ở địa chỉ số 10 Quang Trung mang tên lãnh tụ Ten-lơ-man bởi tổ chức thiếu niên tiền phongĐông Đức (cũ) cũng mang tên Đội thiếu niên tiền phong Ernst Thälmann.

Xin nói thêm, Ernst Thälmann sinh năm 1886 là nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản của nước Đức.Vào tháng 10 năm 1925 Thälmann trở thành Chủ tịch của Đảng Cộng sản của nước Đức và là ứng cử viên cho chức Tổng thống Đức.Ông bị Gestapo bắt giam năm 1933 rồi bị biệt giam trong suốt 11 năm, trước khi bị xử bắn tại Buchenwald theo lệnh của Adolf Hitler vào năm 1944. Các bạn thiếu niên khi gia nhập Đội, đứng trước cờ phải giơ tay tuyên thệ "Ernst Thälmann là tấm gương cho tôi, tôi hứa sẽ học tập và chiến đấu như Ernst Thälmann đã dạy dỗ".

Hội thi tiếng hát sơn ca tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt- Đức
Hội thi tiếng hát sơn ca tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt- Đức

Lại nói thêm, cuối năm 1980 thì Đoàn chuyên gia xây dựng Đức đã kết thúc hiệp định viện trợ không hoàn lại tái thiết thành phố Vinh sau chiến tranh (sau khi gia hạn 2 năm, từ 1978 đến 31/12/1980) thì Nhà văn hóa vẫn chưa thể hoàn thiện. Phải đến dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/1981) những đứa trẻ Quang Trung và thành phố mới có dịp được chiêm ngưỡng tòa nhà đẹp nhất thành phố lúc bấy giờ. Không ít người, trong lần đầu đến đây đã đâm sầm vào kính, bởi duy nhất cả tỉnh Nghệ- Tĩnh thời bấy giờ chỉ có nơi đây chơi sang đến vậy, dùng kính thay tường bao quanh tòa nhà.Tháng 11 năm 1989, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất thì đến tháng 8/1992, thành phố quyết định đổi tên thành Nhà văn hóa thiếu nhi Việt Đức nhưng mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Ban đầu, Nhà văn hóa thiếu nhi Ten-lơ-man chủ yếu chiếu phim, phòng đọc thư viện, dạy các môn năng khiếu vẽ, múa, hát, bóng bàn, cờ vua. Cô Oanh, thủ thư quê Nam Đàn vui tính và rất chiều bọn tôi, thầy Tiếu dạy môn bóng bàn thì vô cùng nghiêm khắc. Nơi đây đã đào tạo tuyển thủ bóng bàn Hồ Khánh Lâm, vô địch giải thiếu nhi toàn quốc U11…

Học múa tại nhà thiếu nhi Việt - Đức
Học múa tại nhà thiếu nhi Việt - Đức

Ngày ấy, những đứa trẻ Quang Trung chúng tôi sau giờ học rất hay ra đây chơi đu quay, cầu trượt, đánh cờ. Những cán bộ đầu tiên của Nhà văn hóa đều ở tập thể tại nhà A3Quang Trung, nên bọn tôi toàn được “xem ké” phim, hãnh diện phải biết với các bạn cùng trang lứa khi được đi xem chùa. Hình ảnh bốn thiếu niên Valerka Mescheriakov, Yashka, Danka Schus cùng đứa em gái Ksanka mồ côi cả cha lẫn mẹ trong phim “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt” phỏng theo tiểu thuyết Lũ quỷ đỏ của nhà văn Pavel Blyakhin; hay Sói và Thỏ trong phim “Hãy đợi đấy” do hãng Soyuzmultfilm phát hành, rồi cuốn phim “Chuyện ông lão đánh cá và con cá vàng” nổi tiếng về giáo dục nhân cách do đạo diễn Mikhail Tsekhanovsky thực hiện… đã theo chúng tôi đi suốt cuộc đời.

Mùa hè thư viện Nhà văn hóa với hàng ngàn đầu sách, phòng đọc sáng sủa, điều hòa chạy mát lạnhlà nơi bọn trẻ chúng tôi tụ tập cả ngày. Nhiều hôm đông người đọc quá, đến muộn chúng tôi ngồi bệt cả xuống nền nhà, mắt vẫn dán chặt vào những cuốn truyện nổi tiếng “Thám Tử Sherlock Holmes”, "Bác Phi-ô-đo, con chó và con mèo" , “Cánh buồm đỏ thắm”…

Hơn 30 năm qua, món quà của những người bạn Đức đã thực sự phát huy hiệu quả, nơi đây đã trở thành “Ngôi nhà chung” của thiếu niên xứ Nghệ. Bình quân mỗi năm nhà văn hóa thu hút trên 5.000thiếu nhi đến tham gia học tập sinh hoạt với gần 20 chục bộ môn khác nhau. Nơi đây đã phát hiện, bồi dưỡng hàng ngàn tài năng trẻ của xứ thành phố. Đã có hơn 800 giải thưởng được trao tặng cho các em trong đó có 65 giải quốc tế. Đội nghệ thuật Chim xanh luôn đạt giải xuất sắc liên hoan ban nhạc tốp hát khu vực phía Bắc. Nhìn những bức tranh cuộc thi “Em vẽ về ngôi nhà mơ ước của em”, hay hội thi “Tiếng hát Sơn Ca”, các tác phẩm CLB phóng viên nhỏ của Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức… chúng ta như trở lại những năm tháng tuổi thơ của mình.

**

Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.

Có bao giờ những đứa trẻ nhà tầng ngày ấy, cùng lúc tìm lại được “một ngày ấu thơ” tại Nhà văn hóa thiếu nhi Việt- Đức, nơi chúng tôi từng gắn bó không nhỉ?

         Ai đó trả lời hộ tôi với “Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?”.

                                                                                                       Phan Hảo

TIN LIÊN QUAN

Tin mới