Thực trạng và giải pháp khắc phục ngập úng ở TP. Vinh

(Baonghean) - Cứ đến mùa mưa lũ, người dân phường Vinh Tân, Hồng Sơn (TP.Vinh) lại khốn đốn trong tình trạng ngập úng. Nước ngập sâu cả mét, kéo dài hàng tuần liền. Họ phải dùng xuồng, thuyền để đi làm, đi chợ. Một số khu chung cư cao tầng khu vực này cũng phải đi thuyền mới tới được... Trẻ em phải lội nước đến trường. Những bất cập trong quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị  đã bộc lộ rõ nét.

Gia  đình anh Nguyễn Hữu Lợi và chị Nguyễn Thị Hằng, xóm Tân Phượng, xã Vinh Tân sinh sống phía cuối khu đô thị của Công ty ĐT và PT nhà Hà Nội ở Vinh Tân. Nền nhà của anh chị giờ đã thấp hơn nền khu đô thị khoảng 1m. Đó  là lý do khi cả khu đô thị này bị ngập thì nhà chị lại càng ngập sâu. Chị Hằng nhớ lại cơn lũ năm 2010, chị phải sơ tán hai đứa con lên nhà ngoại ở Thanh Chương 2 tuần; còn hai vợ chồng chị chỉ biết kê ván cao ngồi trong nhà chờ cứu trợ. Vì nhà nước ngập gần 2m, lúa gạo ướt hết. Còn gia đình ông Nguyễn Gia Nhi, khối Phúc Tân, phường Vinh Tân  ở đầu khu đô thị nhưng cũng chịu cảnh ngập thường xuyên vào mùa mưa. “Chỉ có điều, trước đây ngập xong nước rút nhanh, còn giờ đây nước rút chậm hơn. Từ khi có khu đô thị mới thì ngập càng nặng, nước bị chặn lại tứ phía, có khi hàng tuần liền”- ông Nhi cho biết. Ông Nhi còn khẳng định: Các cống Cầu Đen, Đệ Tam nhỏ quá , nước chảy không kịp.

Xe bị chết máy do ngập úng trên đường Hoàng Phan Thái xã Nghi Phú (TP.Vinh)

(ảnh chụp ngày 9/9/2012).

Ở Nghi Phú, đường Hoàng Phan Thái là điểm ngập úng kinh niên. Năm 2007, đường được nâng cấp, nhưng đến nay đây vẫn là điểm úng ngập nặng của thành phố. Trận mưa lớn từ ngày 6-8/9/2012 vừa qua, giao thông ngưng trệ 2 ngày liền. Nhiều gia đình khốn khổ chỉ biết ngồi ở nhà hoặc mặc quần đùi lội nước.

Tìm hiểu được biết: Hệ thống thoát nước Thành phố Vinh là hệ thống thoát nước chung (trừ các khu công nghiệp và khu đô thị mới là dùng hệ thống thoát nước riêng). Theo đó,  nước thải được xử lý cục bộ rồi thoát ra sông Vinh và sông Kẻ Gai, theo 3 hướng chính: Hướng thứ nhất: thoát nước cho khu vực phía Bắc qua kênh Bắc đổ ra sông Rào Đừng. Hướng thứ hai: Thoát nước cho khu vực phía Nam qua mương số 2, số 3 và kênh Hồng Bàng đổ ra sông Vinh và hướng thứ ba là thoát nước cho khu vực phía Tây qua kênh số 1 đổ ra sông Vinh và kênh số 4 đổ ra sông Kẻ Gai.

Kênh Bắc bắt nguồn từ cầu Bàu, điểm cuối cống thoát nước Rào Đừng qua thời gian dài khai thác trong điều kiện đô thị hóa tăng mạnh đã xuống cấp, lòng kênh bồi lắng, rác thải nhiều nơi đổ xuống, dòng chảy có chỗ biến dạng, bờ kênh bên lở, bên bồi, có nơi bị lấn chiếm xây dựng trái phép.

Hệ thống hồ điều hòa như hồ Goong, hồ Công viên Trung tâm, hồ Thành có tác dụng như hồ điều hòa, vừa tạo cảnh quan sinh thái vừa tiêu thoát nước, ví dụ hồ Công viên Trung tâm có dung lượng nước 1.540.000 -1.760.000m3, song rác thải tấp đầy các mương dẫn, thoát, tình trạng ô nhiễm môi trường  đáng báo động.  Các hồ này thường nuôi cá, đến lúc cần xả lại không chịu xả hoặc là cống thoát nước quá nhỏ.

Theo ông Nguyễn Quốc Thắng – Trưởng phòng Đô thị Thành phố Vinh: Nguyên nhân của úng ngập Thành  phố Vinh là do việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, chưa quan tâm vấn đề thoát nước chung của thành phố. Nhiều khu vực ao, hồ có tác dụng điều hòa và chứa nước mùa mưa bão đã được san lấp xây dựng các khu đô thị, các trung tâm thương mại mới, khiến nước bị ứ đọng trong các khu dân cư, trên một số tuyến đường trong một thời gian nhất định trước khi thoát được hết theo hệ thống mương thoát nước của thành phố. Hiện nay, thành phố có 8 khu đô thị mới quy mô lớn đã và đang xây dựng. Về quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới đều có quy hoạch mương thoát nước đồng bộ và các điểm đấu nối cụ thể. Song các nhà đầu tư chưa thi công hoặc đang thi công dở dang gây ngập úng các khu vực khu đô thị mới và các khu vực lân cận trong mùa mưa bão. Các chủ đầu tư đang xem nhẹ  vấn đề thoát nước chung của thành phố.

Về phương án chống ngập úng cho hiện nay và lâu dài, theo lãnh đạo Thành phố Vinh thì, năm 2012, thành phố nạo vét khơi thông các cửa xả thượng lưu, hạ lưu hồ điều hòa; vớt bèo, vét bùn âu chứa nước Trạm bơm Tây Nam và Trạm bơm phía Nam; nạo vét 10.000m hệ thống mương cấp II, thay thế 1.000 bộ hố ga thu nước mặt đường kiểu mới. Song song với việc nạo vét là thực hiện đấu nối các vị trí chưa được đấu nối của một số tuyến mương thoát nước trên địa bàn. Năm 2013, thành phố cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước chống ngập úng, chống ô nhiễm môi trường cho khu vực dân cư xung quanh chợ Hưng Dũng đợt 2; khu vực dân cư phía Tây Bắc chợ Vinh đợt 2; cải tạo thành mương lắp đặt tấm đan mương số 1, số 2. Thực hiện kế hoạch này, sẽ tăng khả năng thoát nước, giảm ngập úng các khu vực Nghi Kim, Nghi Phú, Hà Huy Tập, Trường Thi, Hưng Dũng, Chợ Vinh...; tuyến mương thoát nước phía đông đường Nguyễn Trãi, Hà Huy Tập đến cầu Kênh Bắc. Khắc phục tình trạng ngập úng, UBND thành phố kiến nghị các ban ngành liên quan yêu cầu các chủ đầu tư các khu đô thị mới đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục hồ điều hòa và mương thoát nước hoặc có biện pháp chống ngập lụt trong mùa mưa bão. 

Tuy nhiên, để thực hiện các phương án trên, cần hơn 160 tỷ đồng, trong khi đó, hiện nay mỗi năm chỉ bố trí được từ 3 - 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thị chính cho công tác bảo dưỡng thường xuyên hệ thống thoát nước. Như vậy, việc chống ngập úng cho thành phố vẫn còn là bài toán khó, người dân  thành phố vẫn phải chấp nhận “sống chung với  úng ngập”.

Tin mới