Người "vác tù và" cần mẫn

(Baonghean) - Làm xóm trường vốn là một công việc không dễ dàng nhưng có một người đã gắn bó với công việc này hơn 20 năm nay và luôn hoàn thành nhiệm vụ với một sự nhiệt tình, say mê không mệt mỏi. Ông là Phan Văn Song, một giáo dân của xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương.

Mấy năm trước đường về xã Phong Thịnh còn lầy lội thế mà giờ đây Phong Thịnh như được “khoác áo mới” với những con đường nhựa rộng thênh thang, sạch sẽ. Qua trung tâm xã, xe chúng tôi chỉ đi chưa đến 15 phút là đến  xóm Trung Thành, một xóm thuộc “vùng sâu, vùng xa” của xã Phong Thịnh. Xóm hiện vẫn đa phần là sản xuất nông nghiệp, người dân chân chất, là 1 trong 3 xóm đầu tiên của huyện Thanh Chương được công nhận danh hiệu Làng Văn hóa cấp tỉnh. 
Người đưa phong trào của xóm đi lên không ai khác chính là Xóm trưởng Phan Văn Song, người đảng viên gương mẫu. Nói về ông, người dân trong xóm ai cũng trân trọng bởi ít có một người nào gắn bó việc làng, việc xóm thời gian dài như ông. Đến nay đã 20 năm, 1 tháng, 15 ngày ông làm công việc “vác tù và hàng tổng” và một năm trước ông đã có ý định xin nghỉ vì sức khỏe, vậy mà mãi vẫn chưa thể bàn giao công việc. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Phong Thịnh thừa nhận: Ít có người đảng viên nào cần mẫn, chăm chỉ và đóng góp nhiều cho địa phương như Xóm trưởng Phan Văn Song. Nếu ông nghỉ việc, thực sự chúng tôi thiếu đi một cán bộ tận tụy.
Ông Song (bên phải) thảo luận với Bí thư xã Phong Thịnh.
Ông Song (bên phải) thảo luận với Bí thư xã Phong Thịnh.
Phong Thịnh vốn là một xóm nghèo, thời điểm ông Phan Văn Song lên làm xóm trưởng năm 1993 toàn xóm có đến hơn 30% hộ nghèo, hệ thống điện, đường còn hết sức tạm bợ, bà con chủ yếu là nông.  Xác định, muốn xóm đi lên và phát triển kinh tế thì giao thông nông thôn là một việc hết sức cần thiết nên ngay sau khi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, ông đã vận động bà con phát quang bờ bụi, mở rộng đường… Thấy đây là một chủ trương đúng đắn nên chỉ một thời gian ngắn phát động, người dân xóm Trung Thành đã hồ hởi hiến đất, tự nguyện chặt cây cối trong vườn để  nhường đất mở rộng đường làng từ 1 - 1,5 mét lên 3-4 mét.  
Ông cũng trăn trở, Trung Thành là xóm ít ruộng lại hay bị ngập úng nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế là điều cần phải quan tâm.  Bản thân ông Song khi đó cũng chỉ là công nhân Xí nghiệp gạch 22/12 về hưu, kinh nghiệm về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi không có nhiều nhưng ông đã mạnh dạn để nghị lên xã, huyện đưa kỹ thuật và giống mới về hỗ trợ và giúp đỡ bà con phát triển kinh tế. Lợi thế của xóm Trung Thành là đất rừng nên ngay sau khi được triển khai, bà con đã nhanh chóng tiếp cận trồng rừng và xây dựng trang trại. Thế nên, chỉ sau vài năm, kinh tế Trung Thành đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo từ 30% nay chỉ còn 4% (4 hộ). Xóm cũng là đơn vị dẫn đầu của huyện trong xây dựng xóm văn hóa.
Bằng nội lực và hoàn toàn dựa vào sự đóng góp của nhân dân, ông đã vận động nhân dân trong xóm làm đường bê tông, xây nhà văn hóa, mua sắm đồng bộ, đầy đủ các thiết chế văn hóa. Hỏi ông về việc làm này, ông bảo: vận động nhân dân quyên góp tiền xây dựng các công trình công cộng là việc làm nhạy cảm. Vì thế, nếu không làm khéo, làm đúng thì đôi khi còn gây nên những mặt trái. Bản thân tôi quan điểm, mình làm việc gì cũng vì nhân dân, một đồng của dân cũng công khai, cũng sử dụng đúng mục đích. Có như vậy, dân mới tin, mới ủng hộ…
Được sự tin tưởng đó nên từ năm 1996, trong khi nhiều nơi còn đang loay hoay chưa biết vận động như thế nào, tổ chức ra sao thì xóm Trung Thành đã xây dựng xong nhà văn hóa, xây dựng xong hương ước và đưa hoạt động của xóm vào quy củ. Nhờ đó, từ năm 1999 xóm đã vinh dự được công nhận danh hiệu Xóm Văn hóa cấp tỉnh. Hiện, xóm có trên 90% gia đình văn hóa, trên 40 con em trong xóm đang học tại các trường đại học, cao đẳng, là đơn vị luôn đi đầu trong các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở xóm, ở huyện.
Trên cương vị là Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã, Ủy viên Ủy ban đoàn kết công giáo huyện, ông Song đã tham gia tích cực vào xây dựng mối đoàn kết lương – giáo trong toàn huyện. Mọi người luôn nhớ sự kiện ở Giáo xứ Trung Hòa nhiều năm trước đây. Khi đó dù đã có lần ông Song bị nhiều người dị nghị, nhưng ông vẫn kiên trì hàng đêm đến từng nhà để vận động người dân, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, để người dân hiểu và ủng hộ việc làm của chính quyền.
Cũng nhờ những đóng góp đó, nên ông đã 2 lần được Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng bằng khen, 14 giấy khen của Huyện ủy Thanh Chương và nhiều lần được đi tham dự báo cáo điển hình. Chia sẻ về kinh nghiệm làm dân vận khéo, dân vận tốt, ông bảo: Cần nhất là phải đi sâu, đi sát, dám làm, dám hy sinh… Ông cũng nói đùa “làm công việc vác tù và hàng tổng thì thường xuyên phải bù lỗ vì phụ cấp không đủ xăng xe đi lại, nhưng tôi thấy vui vì mình đã lên ông, đã nghỉ hưu nhưng vẫn được bà con tin cậy, yêu quý”.
Bài, ảnh: Mỹ Hà

Tin mới