Đền Cồng

(Baonghean) - Đền Cồng được xây dựng vào năm 1471, ở làng Tiên Yên xưa (xã Quỳnh Hưng và Quỳnh Bá – Quỳnh Lưu ngày nay), đây là một công trình văn hóa, là thành quả của nhân dân tạo dựng nên để tôn thờ và tưởng niệm những người có công với dân, với nước trong cuộc sống. Các vị thần được thờ tại đền là: Tướng Đinh Lễ, Đinh Liệt và 53 vị Tiên hiền.
Lễ hội Đền Cồng. Ảnh: TT
Lễ hội Đền Cồng. Ảnh: TT
Tướng Đinh Lễ người Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông là cháu gọi vua Lê Lợi bằng cậu, là người dũng cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người, khi còn trẻ thường làm cận vệ cho Lê Lợi và theo vua chiến đấu chống giặc ngay từ những ngày đầu gian khổ ở vùng núi Chí Linh. Trải qua nhiều năm vào sinh, ra tử; ông được phong dần tới chức Tư Không và được ban quốc tính chuyển sang họ vua. Đinh Lễ là một trong những vị tướng dạn dày kinh nghiệm trận mạc và liên tiếp lập được nhiều chiến công.
Năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi cho quân bao vây bọn Lý An, Phương Chính ở thành Nghệ An. Tháng 5 năm 1425, Đinh Lễ cùng em là Đinh Liệt được vua giao nhiệm vụ vây hạ thành Diễn Châu (Thành Trài). Ông cùng em trai dựa vào địa thế hiểm trở của rừng Cồng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đuổi giặc chạy tới tận Tây Đô (Thanh Hóa). Tại rừng Cồng sau mỗi trận đánh, xác giặc nằm ngổn ngang, nhân dân phải chôn thành cồn gọi là mồ Cồn Giặc. Không chỉ giặc bị tổn thất, nghĩa quân Lam Sơn cũng không ít người đã ngã xuống, nhân dân đã đem thi hài của quân sỹ chôn cất tại Đồng Phúc, Đồng Quách. Cũng tại mảnh đất này, xưa kia là nơi nghĩa quân Lam Sơn tổ chức xưởng rèn đúc vũ khí, dấu tích đó vẫn còn lưu lại tới ngày nay với địa danh Cồn Rèn. 
Tháng 11 năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh trận quyết chiến với quân Minh tại Tốt Động - Chúc Động. Tướng Đinh Lễ vinh dự được tham gia và góp công lớn cho chiến thắng này.  Năm 1427, ông hy sinh trong một lần truy đuổi kẻ thù. Nghe tin Đinh Lễ hy sinh, Lê Lợi vô cùng thương tiếc; đến năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, luận công ban thưởng cho Đinh Lễ được xếp ở vị trí thứ 2/136 khai quốc công thần. Năm 1471, để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông, vua Lê đã hạ lệnh cho phép dân làng Tiên Yên lập đền thờ ngay trên mảnh đất đã một thời gắn bó với sự nghiệp đấu tranh oanh liệt của ông. Tên của đền lấy địa danh của làng để đặt, nhưng đồng thời cũng là tên loài cây đã một thời che chắn, bảo vệ cho ông cùng các tướng sỹ nghĩa quân Lam Sơn khỏi mũi tên, lưỡi giáo của kẻ thù, đó cũng như một sự tri ân của người dân nơi đây dành cho người anh hùng nghĩa quân Lam Sơn thưở ấy. 
Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), vua Lê Thánh Tông truy tặng thêm cho ông hàm Thái sư, tước Bân Quốc Công. Sau lại được truy phong là Hiển Thánh Vương. Hiện tên của ông được đặt cho một con đường tại thủ đô Hà Nội và ngay tại Thành phố Vinh, Nghệ An cũng có một con đường vinh dự được mang tên ông.
Cứ 3 năm 1 lần, vào ngày 15 tháng 3 âm lịch, tại đền nhân dân lại long trọng tổ chức lễ giỗ của 2 anh em Đinh Lễ, Đinh Liệt, là dịp để nhân dân xa, gần, du khách thập phương cùng hội tụ về đây, thắp nén tâm nhang tri ân các vị tiền nhân đã có công bảo quốc hộ dân; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta; đồng thời, cầu mong các vị thần chở che, phù hộ cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 
Thanh Hiền (st và gt)

Tin mới