"Nên trả lại lễ hội cho dân"

(Baonghean)- PGSNinh Viết Giao có một gia tài đáng nể về bề dày nghiên cứu văn hóa Nghệ An với hàng chục đầu sách về mảnh đất quê Bác. Ông hiện vẫn đang miệt mài viết sách về nhiều lĩnh vực văn hóa của miền đất này trong đó có mảng lễ hội. Nhân tháng Giêng, mùa của những lễ hội, chúng tôi có cuộc chuyện trò với GS. Ninh Viết Giao về lễ hội ngày nay.

 

- Ông nhận xét như thế nào về sự phong phú của lễ hội xứ Nghệ?


Ở các huyện miền xuôi của Nghệ An, trước đây, hễ làng nào thành hoàng là đều có lễ hội. Hội làng ngày trước thường được tổ chức định kỳ, hàng năm, hoặc 2, 3 năm một lần. Đặc biệt, Lễ hội Phú Nghĩa (Quỳnh Nghĩa - Quỳnh Lưu) 12 năm mới lại được tổ chức. Ngoài lễ hội thì có các lễ tục vào ngày sóc, vọc (mồng 1 và ngày Rằm), Lễ Tết Nguyên tiêu, Đoan ngọ. Tất cả lễ tục đó nổi lên những lễ hội được tổ chức ở quy mô làng xã, hoặc nhiều làng xã.


"Nên trả lại  lễ hội cho dân" ảnh 1

Những lễ hội lớn của Nghệ An như Lễ hội đền Cờn, đền Quả Sơn, đền Bạch Mã, đến Vua Lê là những lễ hội gắn liền với sự tích các vị thần có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, mà thường là những nhân vật lịch sử có công khai phá mảnh đất này. Ngay cả những lễ hội vùng phía Tây Bắc như Lễ hội đền Chín Gian, đền Choọng cũng gắn với những nhân vật lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.


- Cách tổ chức lễ hội bây giờ khác xưa như thế nào, thưa ông?


Ngày trước, lễ hội do nhân dân đứng ra tổ chức. Trong ngày hội, người dân không nghĩ về lợi ích, chỉ miễn làm sao thỏa mãn nhu cầu tâm linh của họ. Có nhà còn bày cỗ mời khách hành hương về nhà mình để chung vui. Người ta quan niệm trong ngày hội, ai càng mời được nhiều người về nhà mình cả năm sẽ được sung túc, no ấm.


Lễ hội vốn là một không gian đầy ắp tâm linh. Người ta không còn phân biệt ngụ cư hay chính cư, tất cả người lẫn thần linh, tổ tiên đều hành hương về nơi có hội. Người già, người trẻ đều cảm thấy như được khỏe khoắn hơn trong không gia lễ hội. Còn bây giờ, dường như không còn được như thế nữa?!


- Phải chăng xu thế thương mại hóa đã làm "hỏng" lễ hội?


Lý do đó chỉ đúng một phần thôi. Một phần vì chùa, đình trước đây do nhiều lý do đã bị tàn phá nhiều, làm mất đi không gian lễ hội.Hầu như bây giờ không còn những lễ hội dài ngày gắn với đời sống nông nghiệp của người nông dân.

Còn xu thế thương mại hóa ở các lễ hội ở Nghệ An thì chưa đậm nét như các lễ hội của Bắc bộ, có chăng chỉ có ở Lễ hội đền Cờn, người ta cũng viết sớ, xóc thẻ nhưng nhìn chung chưa phải vấn đề nhức nhối. Tôi đi Lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)hay Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) thấy sợ nhất là người ta chèo kéo khách hành hương mua đồ lễ.


- Là một người am hiểu tường tận về văn hóa Nghệ An, ông có "cao kiến" gì cho những mùa lễ hội sau?


Âm hưởng những lễ hội của Nghệ An chưa được lâu bền, có lẽ do một phần vì người dân chưa nhận thức được họ chính là chủ thể của lễ hội. Lễ hội ngày nay chủ yếu được chính quyền bỏ kinh phí tổ chức. Theo tôi, đã đến lúc nên trả lễ hội về cho nhân dân. Chính quyền chỉ nên là người định hướng lễ hội chứ không nên can thiệp sâu vào việc tổ chức. Thứ nữa, nên "giáo dục" lại cho người dân về cách tế lễ làm sao cho đúng quy cách. Tế lễ thực ra là mô phỏng lại những buổi thiết triều ngày xưa, rất quy củ chứ không theo mỗi nơi một kiểu như bây giờ...


Ngày nay, những hoạt động bề nổi như hội chợ, triển lãm ảnh, hoạt động thể thao hiện đại...đã lấn át những trò chơi dân gian. Ngày trước, ở bất cứ lễ hội nào cũng có chèo, tuồng, hát cửa đình trong một không khí linh thiêng. Tóm lại, lễ hội phải hướng về tâm linh.

                                                                    Xin chân thành cảm ơn ông!

Hữu Vi (thực hiện)

Tin mới