Nhà thơ Vương Trọng "có duyên" với Truyện Kiều

(Baonghean) - Trong số những nhà thơ Việt Nam đương đại, Vương Trọng là nhà thơ có nhiều bài thơ hay, ngay từ thời chiến tranh chống Mỹ.

Khoảng thời gian sau năm 1975, thơ ông có tìm tòi vào chiều sâu nhân bản, nhưng ngôn ngữ, giọng điệu, cả hình thức câu thơ cũng không có gì thay đổi đột biến.

Vương Trọng quan niệm: “Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu, mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận”. Thơ ông hay bởi trong thơ thấy cuộc đời, tâm trạng, số phận không chỉ của một người... Năm 2001, nhà thơ Vương Trọng có gửi tặng tôi tập thơ chọn Ngoảnh lại, đọc rất thú. Cũng từ quan niệm sáng tác vừa nêu, nhà thơ rất thích thơ Đỗ Phủ, thơ Nguyễn Du, bởi ngoài tài thơ ra, ở họ còn có “Trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh”.

Nhắc tới bút danh Vương Trọng, bạn đọc dù chưa hiểu sâu cũng dễ liên tưởng tới Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Theo cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (2007), tên thật của ông là Vương Đình Trọng, sinh ngày 1/8/1943; quê quán xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Mặc dầu vậy, ngay từ những bài thơ đầu tay gửi đăng các báo, ông đã bỏ bớt chữ Đình, và bút danh của ông chính thức từ đó cho tới nay vẫn là Vương Trọng. Nàng Kiều trong Truyện Kiều họ Vương (Vương Thúy Kiều), người yêu của Kiều là Kim Trọng. Như vậy ngay thủa lọt lòng, ông đã mang họ của nàng Kiều, còn tên thì trùng với chàng Kim.

Không dừng lại ở đấy. Sau này trở thành một nhà thơ tên tuổi, Vương Trọng đã có bài thơ “Bên mộ của Nguyễn Du” (1982) được nhiều người biết tới, nhất là ở Nghệ Tĩnh. Cả 3 tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Vương Trọng đều chủ yếu căn cứ vào bản dịch nghĩa ra tiếng Việt từ đó mà “lục bát hóa” thơ cụ Nguyễn, được bạn đọc cổ vũ và khâm phục. Ông còn đi nói chuyện về thơ Kiều, về tài năng và cuộc đời chìm nổi của cụ Nguyễn Tiên Điền, và là người chịu trách nhiệm chính trong những cuộc thi tìm hiểu Truyện Kiều qua lẩy Kiều, đố Kiều cách đây vài năm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam...

Đấy là chuyện ngoài đời, ngoài xã hội, còn trong gia đình riêng của mình, do quá mê Kiều, Vương Trọng đã đặt tên cho con trai đầu của mình là Vương Liêu Dương (quê Kim Trọng ở Liêu Dương). Năm ấy, biết vợ mang bầu đúng lúc ông nhận nhiệm vụ vào Nam công tác. Ông đã ghi ra giấy, đề nghị vợ khi sinh nếu là con trai thì đặt Vương Liêu Dương, còn con gái đặt Vương Lam Kiều (Lam Kiều cũng là một địa danh được Truyện Kiều hay nhắc tới).

Chủ động đặt tên con theo sở thích, mong muốn của cha mẹ, ông bà là điều dễ hiểu, bình thường. Điều hơi “khó hiểu” ở đây, là do tình cờ hay cố ý, tên phu nhân của nhà thơ Vương Trọng cũng lại là Vân, ứng với câu chuyện của chàng Kim Trọng và nàng Thúy Vân khi gia đình Kiều trong cơn nguy biến:

                                Gặp cơn bình địa ba đào,
                           Vậy đem duyên chị buộc vào cho em.
                                                       (Câu 3065- 3066, Truyện Kiều)

Mới hay, Vương Trọng quả là một nhà thơ xứ Nghệ rất “có duyên” với Truyện Kiều!

Kim Hùng

Tin mới