Thư viện của cô gái tật nguyền

(Baonghean) - Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa, nhưng vừa học xong lớp 7, Trần Thúy Nga bỗng xuất hiện các triệu chứng đau khớp tay và sau đó lan ra khắp cơ thể. Sau nhiều lần chữa trị không khỏi, căn bệnh biến chứng khiến Nga suốt đời phải ngồi xe lăn. Không chịu đầu hàng số phận, từ những lời động viên của bạn bè, người thân, Nga đã vươn lên trở thành người có ích... 

Không đầu hàng số phận 
Trần Thúy Nga (SN 1985), ở xóm 6B, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Suốt nhiều năm đi học em luôn đạt học sinh khá giỏi và được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nga từng có ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo giỏi để về dạy dỗ các em nhỏ. 
Ước mơ nhỏ nhoi của cô học trò nghèo sớm bị dập tắt. Năm 1998, vào một ngày cuối năm lớp 7, Nga bỗng thấy đau dữ dội ở các khớp ngón tay. Lúc đầu, cứ tưởng do chơi trò kéo co nên bị bong gân, đau khớp. Mỗi khi về đêm, từng cơn đau dữ dội khiến Nga bật khóc. Không để kéo dài thêm nữa, mẹ Nga quyết định đưa con đi viện huyện để thăm khám. Tại đây, các bác sỹ cho biết, em bị bệnh thấp tim và “viêm đa khớp dạng thấp”. Các bác sỹ kê đơn thuốc cho uống bởi Nga không thể tiêm vì bị dị ứng. Những cơn đau khớp tiếp tục hành hạ. Thương con, mẹ và anh cả lại đưa Nga đi khắp nơi để chữa chạy. Nhưng sau nhiều lần chạy chữa, bệnh tình của em vẫn không thuyên giảm. Tay em teo tóp dần dần và không còn có thể tự mình đi lại được nữa!
Trần Thúy Nga tại thư viện của mình.
Trần Thúy Nga tại thư viện của mình.
Có lẽ, cuộc sống của Nga sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu không nhờ những lời an ủi động viên của người thân, bạn bè. Đặc biệt, chỉ với một câu nói của mẹ: “Con hãy trân trọng cuộc đời đã sinh con ra. Có nhiều người còn bệnh tật, khổ cực hơn mình nhiều. Sống tốt mới khó, chứ kết thúc cuộc sống thì thật dễ”. Không được cùng bạn bè tung tăng đến trường, suốt ngày Nga chỉ làm quen với người bạn thân là chiếc xe lăn và bốn bức tường trắng. Thế nhưng, từ đây Nga đã nuôi dưỡng ý chí tự học hỏi, tìm tòi kiến thức qua sách báo, qua tivi. Từ đó cô biết được nhiều tấm gương vươn lên từ tật nguyền để sống tốt, sống đẹp,  được xã hội tôn trọng, như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, bạn Phương Thúy ở Phú Thọ, nhà văn mù Nguyễn Trung Thành hay nghị lực phi thường của “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ… 
Không còn những ngày khóc ròng sưng húp cả đôi mắt, Nga bắt đầu tập vẽ tranh, tập làm quen với máy tính với đôi bàn tay co quắp. Biết sử dụng máy tính, Nga bắt đầu biết nhiều về thế giới bên ngoài, rồi tập viết báo, viết truyện học trò, những câu chuyện đời thường. Những lúc rảnh rỗi hoặc những cơn đau dịu đi, Nga lại mang giấy bút ra vẽ. Cứ như thế, hiện Nga đã có hàng chục bức tranh với những nét vẽ tinh tế mà mỗi khi nhìn vào nó ít người biết được rằng đó là những bức tranh được vẽ ra của một người có một đôi tay không bình thường. Một bước ngoặt khác mặc dầu rất khó khăn nhưng đã khiến Nga quyết tâm làm cho bằng được, đó là việc tự học tiếng Anh, mặc dầu trước đó trong chương trình học ở nhà trường em chưa từng biết qua. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của 2 cô em gái, cộng với việc miệt mài tự học, hiện cô đã có một vốn kiến thức kha khá về tiếng Anh. 
Sách giúp học sinh nghèo 
Nga có chị gái Trần Lan Phương, thời điểm đó đang làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh thường xuyên gửi sách về cho em đọc cho đỡ buồn tủi. Ngoài ra, Nga còn được bạn bè khắp nơi gửi tặng sách, nhờ đó, Nga đã góp được một rương sách. Đó là vào khoảng năm 1999. Cái xã nghèo nơi Nga sinh ra, việc học sinh được đọc truyện là thứ gì đó xa xỉ. Rất nhiều em đã đến mượn Nga truyện về đọc, có người mượn không trả hoặc làm mất, hư hỏng. Lúc này, chị gái đã góp ý với Nga nên cho thuê những cuốn truyện ấy hoặc ghi vào sổ để dễ tìm người mượn mà hỏi. “Việc cho thuê không đáng là bao nhưng nó làm cho người mượn có trách nhiệm hơn và biết được giá trị của cuốn truyện. Nghĩ là làm, mình bắt đầu nghĩ ra ý tưởng cho thuê 200 đồng/ngày. Mình thấy rất ngại với việc làm này, có khi không lấy tiền nhưng vẫn ghi vào sổ. Lúc đó, mình đã có khoảng 200 đầu sách”, Nga tâm sự. 
Và Nga muốn làm một điều gì đó có ích. Em bắt đầu gom sách xây dựng thư viện sách cho riêng mình. Các sách “Hạt giống tâm hồn”, “Quà tặng cuộc sống”, dạy kỹ năng sống, các sách văn học, danh nhân. Nga đều cho các em học sinh đọc miễn phí. Một số sách truyện giải trí thì cho thuê giá rẻ, mục đích mở thêm đầu sách cho thư viện của mình, để học sinh trong xã được đọc nhiều hơn nữa. Đây là công việc giúp Nga có thêm thu nhập lại được đọc sách đúng với sở thích của mình, vừa đem đến văn hóa đọc cho mọi người xung quanh. Từ những cuốn sách ít ỏi ban đầu mà chị gái mua, hay những cuốn sách bạn bè tặng, cứ như thế hơn mười năm nay, Nga đã có một thư viện sách cho riêng mình với khoảng hơn 3.000 đầu sách, đa dạng về nội dung. 
Trong căn phòng rộng khoảng chừng hơn 10m2 là thư viện sách của Nga. Xung quanh phòng được trang trí bởi những câu danh ngôn, tục ngữ nói về việc học, việc đọc sách và đạo làm người nổi tiếng trên thế giới. Mỗi cuốn sách đều được bọc bìa cẩn thận rồi viết tên sách vào gáy. Sách được bỏ vào các tủ khóa lại, khi học sinh mượn sách nào thì tra cứu ở một quyển sổ khi đó Nga mới giao chìa khóa và chỉ tủ có chứa sách đó để các em tự đi lấy. Các em học sinh trong vùng rất thích thú khi được đến đây đọc sách miễn phí.  
“Ước mơ lớn nhất của Nga là trong tương lai sẽ có thêm thật nhiều sách và xây dựng được thư viện lớn hơn để những người yêu thích đọc sách được đọc miễn phí”, Nga tâm sự. Đó cũng chính là niềm vui nhỏ mà Nga muốn tặng cho mọi người đã giúp Nga có động lực để sống!
Lê Quyết

Tin mới