Thư viện dòng họ Hoàng

(Baonghean) - Cụ Hoàng Kiêm, tự Ngọc Trang, sinh năm Canh Ngọ (1870), niên hiệu Tự Đức thứ 23, quê quán làng Ngọc Lâm, huyện Đông Thành (nay là huyện Diễn Châu). Cụ từng là môn sinh của cụ Nguyễn Thúc Tự, thầy giáo của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1904 (Giáp Thìn), niên hiệu Thành Thái thứ 16, cụ Hoàng Kiêm đỗ tiến sỹ đầu bảng, bạn thân thiết gắn bó với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực… Đã có lần cụ Hoàng Kiêm đập bàn, xô ghế, ném bài ngà ngay trước mặt tên công sứ Pháp để phản đối lệnh tróc thuế dân cày trong lúc mất mùa đói kém. Rồi cụ nộp ấn từ quan, nghỉ hưu trước thời hạn (1930), an dưỡng tại quê nhà. Năm 1939, cụ từ trần, thọ 70 tuổi. Trong di chúc, cụ có câu “Sẽ làm nhà thờ tại nơi ở. Trước làm phòng đọc sách, sau đó là nhà thờ. Ta rất vui với ý nguyện đó”.
Đọc sách tại Thư viện dòng họ Hoàng.
Đọc sách tại Thư viện dòng họ Hoàng.
Từ ngày nghỉ hưu, chị Hoàng Thị Tùng (Hoàng Kiêm là ông nội của thân sinh chị Tùng) có điều kiện chăm sóc nhà thờ chu đáo hơn, nhưng cũng chỉ quẩn quanh dọn dẹp hương khói. Phần mộ của ông bà cụ Hoàng Kiêm được táng ngay trong khuôn viên nhà thờ. Ngày ngày dòng di chúc của cụ cố khắc trên bia đá như nhắc nhở, giục giã chị thực hiện ước nguyện của tiền nhân. Phòng đọc thì có đấy nhưng lâu lâu mới có người trong chi phái hay trong họ đến tìm tư liệu, đọc và nghiên cứu trong số sách ít ỏi để lại của ông cha. Năm 2011, nhà thờ Tiến sỹ Hoàng Kiêm đón nhận niềm vui lớn: Được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Sự kiện này càng hối thúc chị Tùng thực hiện ý tưởng thành lập Thư viện dòng họ Tiến sỹ Hoàng Kiêm.
Buổi đầu, đụng đến đâu thiếu đến đó. Sách, yếu tố quan trọng nhất quá ít ỏi. Giá sách không có, bàn ghế phục vụ bạn đọc không có… Vạn sự khởi đầu nan cũng là chuyện bình thường. Trước hết, đem bàn ghế trong nhà, bàn ghế em dâu, em trai ra thư viện. Lại nữa, thăm dò gia đình nào có bàn ghế ít dùng hay hư hỏng, chị Tùng liền đến vận động cho mượn tạm đem về lau chùi sạch sẽ, sửa chữa lại. Chỉ một thời gian ngắn hình hài của một thư viện mini đã hình thành. Con cháu gần xa trong dòng họ được thông báo đã gửi sách về, nâng số lượng lên hàng trăm cuốn. Nhưng nỗi lo lớn nhất là liệu có độc giả đến với thư viện không? Gia đình nào trong làng, trong xã mà chẳng đầy đủ các phương tiện nghe nhìn, các em học sinh phần lớn học hai buổi, thậm chí học ba buổi trong ngày! Và rồi thật bất ngờ, người làng, người xã đủ các lứa tuổi đến thư viện đọc sách, mượn sách, tặng sách ngày một nhiều.
Đông nhất vẫn là các cháu học sinh cấp I, cấp II, cấp III có mặt thường xuyên như đến hẹn. Chị Tùng vui hẳn! Chị dành phần lớn thời gian chăm lo thư viện một cách bài bản theo nghiệp vụ. Tuy rằng hàng tuần lịch mở cửa thư viện vào thứ bảy và chủ nhật, nhưng chị Tùng sẵn sàng phục vụ khách lẻ vào bất cứ giờ nào. Tiếng lành đồn xa, Thư viện huyện Diễn Châu kết hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An về trực tiếp khảo sát và bước đầu chỉ đạo hoạt động mô hình thư viện dòng họ này, hỗ trợ 4 giá sách loại 4 tầng và 1.000 đầu sách các loại. Con cháu dòng họ và độc giả ủng hộ gần 2.000 đầu sách, 10 bộ bàn ghế, 4 quạt điện… Tháng 6/2013, bà Thanh Mai (Vụ trưởng Vụ Thư viện) nhân chuyến công tác vào Nghệ An đã đến thăm thư viện họ Hoàng và tặng một số sách thiếu nhi. Đặc biệt, trong số sách tặng của bà Vụ trưởng, phần nhiều là sách giáo khoa để những học sinh nghèo không có điều kiện mua đủ sách đến thư viện ghi chép hoặc mượn.
Để thư viện luôn có sách mới phục vụ bạn đọc ngày càng lớn, chị Hoàng Thị Tùng thường xuyên trao đổi, luân chuyển sách báo từ thư viện huyện, thư viện tỉnh, từ tủ sách các gia đình. Cho đến thời điểm này, thư viện họ Hoàng đã cấp tặng hơn 200 thẻ bạn đọc miễn phí cho độc giả trong và ngoài xã, trong đó tỷ lệ độc giả tuổi thiếu niên chiếm 70 đến 80%. 
Thư viện dòng họ nói chung, thư viện họ Hoàng nói riêng là mô hình mới cần được nhân rộng và phát triển.
 Phan Thế Phiệt 
(Yên Thành)

Tin mới