Trăn trở cùng tranh thêu

(Baonghean) - Sản phẩm du lịch là một trong những hạn chế của ngành du lịch Nghệ An nói chung và du lịch Nam Đàn nói riêng. Nhưng vài năm trở lại đây, khách du lịch đến Khu di tích Kim Liên rất thích những sản phẩm tranh thêu hình quê Bác do HTX Thanh Thủy (Nam Thanh) sản xuất. Người khởi xướng và đưa nghề thêu về với Nam Đàn là chị Hồ Thị Hồng Thúy - Chủ nhiệm HTX.

Không phải công chức nhà nước, cũng không còn phải cặm cụi bên khung thêu như ngày xưa nhưng để sắp xếp gặp được chủ nhiệm HTX Thanh Thủy không dễ bởi ngày nào cũng như ngày nào chị Thúy cũng phải chạy qua chạy lại mấy xã Nam Thượng, Nam Thanh, Nam Thái để kiểm tra và thu mua sản phẩm. Say mê như thế nên hôm đến nhà gặp mẹ chị, câu nói mà bà nhắc đi nhắc lại về con gái mình là: Mãi chẳng chịu lấy chồng. Giục liên tục đến gần 34 tuổi mới chịu kết hôn, 35 tuổi mới có con đầu.  Ở quê, tuổi này con cái phải học lớp 4, lớp 5 rồi. 
Chị Thúy đang đóng gói hàng để chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Chị Thúy đang đóng gói hàng để chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Chị Hồ Thị Diệu Thúy cũng tự nhận mình như vậy. Ngày còn đi học, chị Thúy học khá nhất nhà. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố ốm nặng nên dù đã tốt nghiệp cấp III chị không đăng ký thi đại học mà chọn ở nhà làm nông nghiệp phụ giúp gia đình. Cơ may đến với chị trong một lần tình cờ xem ti vi, trên đó có giới thiệu về cơ sở dạy nghề và sản xuất thêu của cựu chiến binh Đào Ngọc Phúc ở Thành phố Hòa Bình. Thế là, không đắn đo, chị Thúy liền viết thư gửi lên Hòa Bình với mong muốn được học nghề và có thể đem nghề về cho bà con trong xóm. 3 tháng được chính tay ông Đào Ngọc Phúc đào tạo, chị Thúy đã có một tay nghề vững chắc. Sau đó, chị còn được giới thiệu về Hoa Lư (Ninh Bình) học nghề thêu ren xuất khẩu và lên Thường Tín (Hà Tây) học nghề thêu tranh.
Những ngày đầu mới làm nghề, chị nhận hàng từ Thường Tín về thêu thủ công tại nhà. Có thời gian rảnh chị lại bày cho anh em trong gia đình và một vài người trong xóm. Tuy nhiên, làm một thời gian ngắn chị nhận ra công việc này nếu đi lại để gửi hàng thì vất vả quá, tiền lại chẳng đáng bao. Tại sao mình không tự thành lập cơ sở rồi bao tiêu sản phẩm…Ý tưởng đó cũng được đông đảo chị em trong thôn tán thành bởi nông dân ở quê ngoài những khi làm mùa còn lại thời gian khá rảnh rỗi, ai cũng muốn có nghề phụ để kiếm thêm thu nhập.
Lớp học nghề thêu thủ công đầu tiên được mở tại ngay chính nhà của chị Thúy. Thời gian đầu, mọi người vừa học vừa làm. Sau này được sự giúp đỡ của Chi cục Khuyến công tỉnh, phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện, mỗi một lớp học được hỗ trợ  thêm 30 – 50 triệu đồng để bồi dưỡng cho các học viên. Chị em học xong, những sản phẩm đã hoàn thành được trả tiền công. Ngoài ra chị Thúy còn giao hàng để các chị làm thêm tại nhà. Bền bỉ như vậy, 3 năm qua  chị đã mở được 13 lớp dạy nghề cho chị em ở các xã Nam Thái, Nam Lộc, Nam Thanh, Nam Thượng và đào tạo được hàng trăm thợ thêu lành nghề.
Riêng hệ thống chân rết để  thường xuyên sản xuất hàng cho chị cũng xấp xỉ 100 người. Hợp tác xã Thanh Thủy được thành lập cũng trên mục đích tập hợp mọi người lại để dễ điều hành, giao dịch và để xây dựng thương hiệu hàng hóa. Chị cũng nói rằng, sở dĩ lấy tên Thanh Thủy vì đây là tên của xã Nam Thanh trước kia, qua đó muốn ngụ ý: Đây là sản phẩm thêu do chính người Nam Đàn sản xuất và phải mang bản sắc của người Nam Đàn. Chị cũng chuyển hướng kinh doanh. Nếu như trước đây, sản phẩm làm ra chủ yếu nhập cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thì nay chủ yếu là sản xuất cho thị trường trong tỉnh. Một phần cũng bởi khi đi khảo sát chị thấy Nam Đàn có khu di tích Kim Liên nhưng hàng lưu niệm để bày bán chủ yếu lại là hàng của các tỉnh khác về còn hàng trong tỉnh hầu như không có. Chị muốn thay đổi suy nghĩ của những người bán hàng bằng chính các sản phẩm do thợ của Hợp tác xã Thanh Thủy sản xuất.
Cũng mất một thời gian ngắn, Chủ nhiệm HTX Thanh Thủy mới nghĩ ra được mẫu mã có thể “hút” khách, đó là hình ảnh quê nội, quê ngoại Bác Hồ. Đây cũng là hình ảnh thân thương nhất mà khách tham quan nào đã ghé qua Nam Đàn cũng muốn lưu lại để làm kỷ niệm “Một lần về thăm quê Bác”. Quá trình sản xuất cũng cho chị nhiều kinh nghiệm, ví như những ngày đầu chị thường làm tranh theo khổ lớn  nhưng sau này thấy sản phẩm nếu to quá vừa nhiều tiền, lại cồng kềnh không thích hợp với những chuyến đi xa, chị chuyển sang thêu tranh nhỏ chỉ vừa bằng một khổ giấy A4. Thế là khách thích và mua ngày một nhiều. Đến nay hơn 80% lượng tranh do cơ sở chị sản xuất là được tiêu thụ tại Khu di tích Kim Liên. Thị trường ngoài tỉnh cũng khá ưa chuộng loại tranh này, đặc biệt là khách du lịch khi đi tham quan chợ Bến Thành – TP Hồ Chí Minh và các cửa hàng thủ công mỹ nghệ. 
Với lượng hàng tiêu thụ ổn định, đến nay chị Thúy đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động là phụ nữ ở các xã với mức thu nhập trung bình  từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng. Chị Thanh – một học viên của HTX Thanh Thủy ở xã Nam Lộc (Nam Đàn) thì nói rằng: Nghề thêu rất thích hợp với phụ nữ nông thôn vì chị em có thể đem về nhà tranh thủ thời gian nông nhàn. Học sinh sau giờ học cũng có thể thêu giúp mẹ.  Riêng chị Thúy, dù đã có những kết quả nhất định nhưng chị vẫn chưa hài lòng vì cho rằng: Mẫu mã của mình còn khá nghèo nàn, chất lượng các sản phẩm chưa cao… Chị đang ấp ủ, sẽ chọn ra những thợ thêu lành nghề nhất đi học nâng cao để hướng đến những sản phẩm cao cấp. Khi đó, không chỉ khách du lịch đến Nam Đàn mà khách hàng ở khắp Nghệ An có thể mua những bức tranh thêu, đẹp, chất lượng như tranh của những làng nghề nổi tiếng. Còn giá sản phẩm thì chỉ bằng 2/3 hoặc rẻ hơn rất nhiều…
Song Hoàng

Tin mới