Ca khúc "Chiến thắng Điện Biên" - Niềm tự hào của cả dân tộc ta!

(Baonghean.vn) - Sau chiến thắng Him Lam oanh liệt mở đầu bằng con đường máu, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã kịp thời cho ra đời bài hát “Trên đồi Him Lam”. Ca khúc này lấy chất liệu nhạc từ Khu IV cộng với Khu III, là một sáng kiến táo bạo mở rộng cho âm nhạc có đất phát triển, nên được giới chuyên môn lúc bấy giờ hoan nghênh: 
Hôm nay ta thắng trận đầu tiên
Xác thù ngã xuống, đồi Him Lam ta cắm cờ
Đường mới chúng ta kéo pháo vào
Qua nhọc nhằn gian khổ
Ta thấu tỏ lòng dân đã tới đây…
Điều thú vị là trong ca khúc “Trên đồi Him Lam”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã dự báo chắc chắn chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về ta: 
Tin về thắng trận Bác Hồ rất mừng vui
Đồng lúa thắm tươi lại càng vui
Đem dâng lên Tổ quốc thân yêu đang đợi chờ
Điện Biên chúng ta sẽ toàn thắng! 
Chân dung nhạc sỹ Đỗ Nhuận
Chân dung nhạc sỹ Đỗ Nhuận

Từ trận địa Him Lam, mấy chiến sĩ làm văn nghệ lại theo đường giao thông hào về đơn vị văn công nhận nhiệm vụ mới. Trong cuốn hồi kí Đỗ Nhuận - âm thanh cuộc đời (NXB Kim Đồng, 2006), ông ghi lại rất cụ thể: “Các chiến sĩ văn công binh tay cuốc tay choòng ra mặt đường, rải đất đá hộc và cấp phối (loại đá nhỏ).

Đêm nào chúng tôi cũng ra đường cái để đón xem pháo hiện đại của ta hình thù ra làm sao. Nghe đồn Cachiusa từ bên Nga đưa qua có sức công phá ghê gớm lắm! Ngày nào tôi cũng dậy sớm đốc thúc anh em ra mặt đường. Tay vẫn quốc nhưng đầu suy nghĩ về bài ca chiến thắng. Anh Hoàng Xuân Tùy đi kiểm tra mặt đường gặp tôi, nói: 

  - Đỗ Nhuận chuẩn bị viết bài ca chiến thắng Điện Biên đi là vừa! 
  - Nhất định sẽ có, anh Văn có nhắc tôi rồi!”.
Gợi ý của một chiến sĩ giao thông lúc đó sao mà trùng hợp với sự suy nghĩ đang được nung nấu trong lòng nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Có điều, cách viết phải thế nào đây? Ở hai bài “Hành quân xa” và “Trên đồi Him Lam” nhạc sĩ đã vận dụng nhạc dân tộc vùng đồng bằng. Còn giờ đây, ngôn ngữ âm nhạc của “Chiến thắng Điện Biên” phải khác, nghĩa là phải có chất nhạc của miền Tây Bắc vì bối cảnh trận chiến thắng này là trên đất Tây Bắc.
Câu hỏi viết sao cho hay hầu như chiếm trọn tâm trí nhạc sĩ Đỗ Nhuận những ngày này. Niềm vui chiến thắng là của cả nước. Người Kinh, người Thái, người H’Mông, người Dao, người Tày và các dân tộc khác trong cả nước cùng góp công góp của, góp cả tính mạng mình làm nên lịch sử. Cần phải hòa sắc dân tộc, vì dân tộc Việt Nam là một. Nhưng cũng không thể “tham” mà viết dài. Phải chân thực, phải gọn gàng, dễ hát, dễ thuộc, dễ lưu truyền…Xem trong sổ tay, Đỗ Nhuận đã ghi chép được 5 trang dày đặc. 
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận đi thực tế QK4 thời chống Mỹ cứu nước
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận đi thực tế QK4 thời chống Mỹ cứu nước
Phải tước bỏ những chỗ không cần thiết, để chỉ còn lại hình ảnh thực tế, lay động, tuy có vẻ lộn xộn như “Em bé xòe hoa”, “Đàn bươm bướm trắng”, “Lá ngụy trang”, “Súng đại bác”, “Giải phóng Điện Biên”…
Thế rồi, cái ngày lịch sử hằng mong mỏi đã đến. Ngày 7/5/1954. Đang cuốc đất, rải đá làm đường thì bỗng một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: 
  - Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi! 
Trong hồi kí, nhạc sĩ Đỗ Nhuận kể, lúc đó người ông gai cả lên. Tất cả Đoàn Văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy, không cần đệm nhạc. Đỗ Nhuận thì không ôm ai cả, nhảy một mình, nhảy tít thò lò, và trong đầu phảng phất câu giải phóng Điện Biên…Thế rồi, đêm hôm đó, bên bếp nhà sàn đỏ lửa, ông ngồi thâu đêm tới sáng. Tay ông búng chiếc violon, mồm cứ i ỉ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Vừa sáng tác, vừa bóc mấy củ sắn lùi trong bếp than ăn lấy sức. Ca khúc “Giải phóng Điện Biên” đã ra đời như thế đấy: 
Giải phóng Điện Biên
Bộ đội ta tiến quân trở về
Giữa mùa này hoa nở
Miền Tây Bắc tưng bừng vui
Bản Mường xưa nương núa mới trồng
Kìa đàn em bé giữa đồng nằm tay xòe hoa 
Dọc đường chiến thắng ta tiến về
Đoàn dân công tiền tuyến
Vẫy chào pháo binh vượt qua
Súng đại bác quấn lá ngụy trang
Từng đàn bươm bướm trắng giỡn lá ngụy trang
Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc
Đồng bào nao nức mong đón ta trở về
Ngày chiến thắng ta đã về
Vui mừng đón chúng ta tiến về
Núi sông bừng lên
Đất nước ta sáng ngời
Cánh đồng Điện Biên
Cờ Chiến Thắng tưng bừng trên trời…
Bản đầu tiên chép tay, Đỗ Nhuận đưa cho Đoàn Văn công. Còn tác giả thì tự hát để anh em cùng nghe, rồi ông đi phổ biến trong một đơn vị pháo binh bằng cái giọng “thuốc lào” của mình…Từ giờ phút ấy, ca khúc cứ vang lên, làm nên một bài ca chiến thắng ghi dấu đậm nét chặng đường lịch sử của quân đội ta, nhân dân ta. 
Như vậy, riêng về đề tài Điện Biên, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có 3 ca khúc “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” và “Chiến thắng Điện Biên” đã và sẽ còn mãi với thời gian, cùng với những ca khúc khác của ông như “Du kích ca” (1944), “Du kích sông Thao” (1949), “Việt Nam quê hương tôi” (1960). 
Sinh năm 1922 ở làng Vạc, tỉnh Hải Dương cũ, sau nhiều năm cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật đương đại nước nhà, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã qua đời tại Hà Nội năm 1991. Ông được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về VHNT cùng với 4 nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước và Hoàng Việt. Đấy là phần thưởng xứng đáng với tầm vóc những cống hiến xuất sắc của cả 5 nhạc sĩ nói chung, và nhạc sĩ Đỗ Nhuận nói riêng. Cống hiến của ông bằng tài năng và máu thịt chính mình, đúng như nhạc sĩ Vũ Tự Lân (Tạp chí Âm nhạc, số 6/1996) khẳng định, là “vô giá và sẽ còn được ghi bằng những chữ vàng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam”! 
Nguyễn Văn Hùng

Tin mới