Những "bảo tàng" gia đình ở Quỳnh Lưu

(Baonghean) - Cùng với hệ thống di tích - danh thắng khác, hiện trên địa bàn Quỳnh Lưu có rất nhiều gia đình đang lưu giữ những cổ vật có giá trị. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa ông cha để lại, góp phần giáo dục ý thức trân trọng quá khứ cho thế hệ trẻ, đồng thời, là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng quê…
Anh Hồ Xuân Lương giới thiệu cổ vật của gia đình.
Anh Hồ Xuân Lương giới thiệu cổ vật của gia đình.
Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Hồ Xuân Lương, xóm 2, xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) vào một ngày cuối Thu. Trong ngôi nhà cấp 4 ngả màu rêu phong, nhiều đồ vật cổ được trưng bày cẩn thận, ngăn nắp. Chủ nhân ngôi nhà cho biết, đây là những đồ vật cổ từ ngày xưa do cụ thân sinh để lại và một phần do chính tay anh sưu tầm từ nơi khác về. Vốn là con trai của một người sành chơi đồ cổ, từ nhỏ, anh Lương đã được tiếp xúc với nhiều cổ vật do cha mình sưu tầm và anh “lây” niềm đam mê của cha lúc nào không hay. Năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại chiến trường nước bạn Lào trở về địa phương, anh dành thời gian cho niềm đam mê sưu tầm đồ cổ. Ngoài giờ làm việc, hễ có thời gian rảnh, anh lại lặn lội khắp làng trên, xã dưới sưu tầm đồ cổ. Anh liên hệ với những người buôn đồng nát, hễ nghe tin có sách cũ hay những đồ đồng, đồ sắt cũ bán, là anh tìm đến mua hết. Ngoài ra, anh cũng đặt mối liên hệ với các xã, nhà ai có đồ vật cổ bán thì báo tin, anh tìm đến và mua bằng được.
Với cách làm này, đến nay, anh có hơn 100 đồ vật cổ các loại. Từ những đồ vật gần gũi với đời sống con người như chiếc bát, đôi đũa, chiếc giỏ tre hay chiếc chõng tre, đến những vật dụng trong chiến tranh như vỏ tên lửa, chiếc gương, chiếc lược của bộ đội năm xưa. Đặc biệt anh có một tủ sách cũ bằng chữ Hán cả bản viết tay và bản in. Bộ sách gồm có sách luân lý, sách đạo đức Nho gia và sách xem bói, sách địa lý. Đặc biệt, anh còn có cuốn địa bạ thời Pháp thuộc (cuốn địa chính của huyện Quỳnh Lưu lúc bấy giờ) gồm cả chữ quốc ngữ, chữ Hán và có phần kiểm duyệt của Công sứ Pháp bằng tiếng Pháp. Thông qua cuốn địa bạ này, người ta có thể tìm lại những tên làng cổ của các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu. Hiện bộ sách này được anh cất giữ trong tủ kính để chống mối mọt. Không chỉ những đồ vật cổ được trưng bày trong nhà, những đồ vật khác có kích thước lớn như chiếc chum nước, cối đá hay cả những bức tượng về nhiều nhân vật lịch sử đều được anh trưng bày phía ngoài sân theo trình tự thời gian. Bởi, trong tiềm thức của anh thì những đồ vật gì mình đã sưu tầm đều rất có giá trị, đặc biệt là giá trị về mặt tinh thần. Mỗi đồ vật giúp cho thế hệ trẻ có thể hiểu thêm về một thời khốn khó của cha ông, để tiếp tục vươn lên, sống và cống hiến cho gia đình, xã hội. 
Chúng tôi được anh Lương giới thiệu về một gia đình có niềm đam mê sưu tầm đồ vật cổ là gia đình ông Nguyễn Thái Bồng (77 tuổi) ở xóm 10. Vừa bước chân đến cổng nhà ông Bồng, chúng tôi ngạc nhiên và thích thú khi trước mắt mình là ngôi nhà  bằng gỗ, với những nét điêu khắc, chạm trổ tinh tế.  
Rót chén trà mời khách, ông Bồng cho biết, đây là ngôi nhà cổ do cụ thân sinh để lại. Ngôi nhà dựng từ năm 1944 và được làm bằng những loại gỗ quý như lim, táu. Đây có thể coi là ngôi nhà cổ kính nhất trong xã. Đặc biệt, tất cả các đồ vật được trưng bày trong nhà đều là những món đồ vật cổ có cách đây vài trăm năm. Các đồ vật được ông Bồng lưu trữ một cách chuyên nghiệp, phong phú. Ông cho biết, hiện nay trong nhà có tới gần 100 đồ vật cổ, những đồ vật có xuất xứ lâu đời như: hai chiếc chóe bằng sứ (có từ thời nhà Minh - dùng để đựng được nước và được đặt trong các chùa chiền), hiện ông đang đặt trước bàn thờ chính của gia đình; bức đại tự “Mộc Thiên Ân (Ơn trời) được treo phía trên cao; 2 câu đối mộc được sơn son thiếp vàng (được làm cách đây 60 năm) được treo ở hai cột gỗ trụ chính diện ngôi nhà. Đặc biệt, bức tranh “Nam Thanh Tinh Hoa” về cảnh đẹp của thiên nhiên, sông núi nước Nam ghi bởi bút tích của Bác Hồ được ông treo đối diện với bàn thờ. Đó là những chiếc đồng hồ quả lắc xuất xứ từ nước Đức, Liên Xô đến cây “trúc” Việt Nam được khắc họa thành con rồng và có tên gọi “Trúc Hoa Long”, hay những chiếc gương soi từ thời nhà Nguyễn... Để có được những đồ vật cổ quý hiếm này, ông đã miệt mài sưu tầm hơn 30 năm nay.
Cách đây gần 1 năm, xã tổ chức Lễ động thổ chùa Lam Sơn, tất cả các tăng ni, phật tử ở khắp mọi nơi tụ về đây để tham dự lễ. Cũng trong dịp này, nhiều người đã tìm đến gia đình ông Bồng để được chiêm ngưỡng những món đồ vật cổ ấy. “Tiếng lành đồn xa”, thỉnh thoảng khách từ nơi khác tìm đến đến chơi nhà và xin gia đình ông được chiêm ngưỡng các món đồ vật cổ này. “Còn sống ngày nào, tôi sẽ cố gắng sưu tầm thêm những đồ vật cổ. Đầu tiên là lưu giữ cổ vật truyền thống của cha ông ta ngày trước, thứ hai là giáo dục thế hệ trẻ sau này phải nhớ đến cội nguồn, những đồ vật đã gắn bó với cha ông một thời”, ông Bồng chia sẻ.
Hiện nay, trên địa bàn xã Quỳnh Yên có khoảng 10 hộ gia đình đang lưu giữ những đồ vật cổ này. Ông Hồ Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Yên cho biết: “Việc các hộ gia đình đang lưu giữ, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của thời cha ông đã thể hiện tình cảm của họ đối với cội nguồn của dân tộc. UBND xã cũng khuyến khích người dân nên lưu giữ những cổ vật của làng, đồ vật của cha ông ta để lại như một bảo tàng gia đình – nơi gìn giữ, phát huy, giáo dục truyền thống yêu nước”. Quỳnh Lưu là địa bàn có rất nhiều tiềm năng để phát triển văn hóa du lịch, việc lưu giữ và bảo tồn đồ vật cổ xưa ở các gia đình là điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng quê. Tuy nhiên, việc giữ gìn và bảo tồn đồ vật cổ hiện nay chỉ dừng lại ở góc độ cá nhân, chưa được các ngành chức năng quan tâm.
Việt Hùng 
Đài TT-TH Quỳnh Lưu

Tin mới