Xe chở cây khủng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm

(Baonghean.vn) - Làm rõ phản ánh xe chở cây 'khủng' có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm; Thủ tướng thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ; Bàn về giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai;... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở là đối tượng quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật Nhà ở.

Các đối tượng trên được vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.

2. Làm rõ phản ánh xe chở cây 'khủng' có dấu hiệu vi phạm pháp luật

DN chở cây gỗ khủng trên quốc lộ 1A bị CSGT tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt. Ảnh: Internet.
DN chở cây gỗ khủng trên quốc lộ 1A bị CSGT tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt. Ảnh: Internet.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ có hay không hành vi bao che cho phương tiện chở cây xanh quá khổ, quá tải như phản ánh của báo chí.

Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ có hay không hành vi bao che cho phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ như phản ánh của báo chí và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng xe; nếu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2018.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nguồn gốc các cây được chuyên chở trên các phương tiện như báo chí phản ánh; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2018.

3.Thủ tướng thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân là Tổ trưởng Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân là Tổ trưởng Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Tổ trưởng Tổ công tác.

4 Tổ phó gồm: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh.

Các thành viên gồm: Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ Hoàng Thị Ngân; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Chính phủ Hoàng Thái Dương; Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Hạnh; Chánh Thanh tra, Bộ Nội vụ Nguyễn Hữu Tuấn; Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ Trương Hải Long - thư ký Tổ công tác.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ tại các Bộ, ngành, địa phương.

4. Bàn về giải pháp thúc đẩy tập trung đất đai

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung hội nghị, trong đó tập trung đánh giá thực trạng, nhu cầu thực tiễn, kinh nghiệm và sự cần thiết phải tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội; xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, các bất cập chủ yếu trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai.

Phân tích, đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách hiện hành và thực tế việc triển khai tích tụ, tập trung đất đai của các địa phương đến các vấn đề kinh tế-xã hội, môi trường. Đề xuất các giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, cách thức tổ chức thực hiện...; xác định các nhiệm vụ cần phải tiến hành, cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện, thẩm quyền và lộ trình thực hiện.

5. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cụ thể, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp gồm:

1- Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2- Có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8m2/người; có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

3- Người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu theo quy định.

4- Có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tối thiểu từ 12 tháng trở lên cho tổ chức kiểm định.

5- Có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định trong đó có nội dung, cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức nước ngoài: 1- Đáp ứng 5 điều kiện nêu trên; 2- Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp, kiểm định chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp ít nhất là 5 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định....

6. Khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản bị nước ngoài trả về

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Để xử lý dứt điểm vấn đề các lô hàng thủy sản bị cảnh báo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đặc biệt là tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt mức quy định tại các thị trường nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó,  Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cập nhật thông tin, thông báo cho doanh nghiệp về thay đổi trong chính sách nhập khẩu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu kiểm dịch, điều kiện nhập khẩu của các nước đối với hàng thủy sản.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở nuôi, cơ sở thu gom, sơ chế thủy sản áp dụng quy trình sản xuất, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản kết nối, xây dựng các vùng nguyên liệu thủy sản đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời khuyến nghị người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, sử dụng thuốc thú y thủy sản theo đúng quy định và không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu để phòng trị bệnh.

7. Hoàn thiện Đề án ổn định dân cư, phát triển KTXH vùng tái định cư thủy điện Sơn La

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về công tác ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 4/2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ, cơ quan liên quan, cân đối bố trí nguồn vốn thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho Đề án; hướng dẫn Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất phương án sử dụng nguồn trích khấu hao để hỗ trợ vốn thực hiện Đề án theo đúng quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

UBND các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn thiện Đề án; cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

Tin mới