Xử phạt vi phạm hành chính về dạy thêm

(Baonghean) - Hỏi: Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là vi phạm quy định về dạy thêm, thì hình thức và mức phạt bao nhiêu? Thẩm quyền của chủ tịch UBND phường, thành phố đối với vi phạm dạy thêm học thêm? (lemao54@gmail.com)
Trả lời: Ngày 22/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số: 138/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính và có hiệu lực từ ngày 10/12/2013. 
- Theo đó tại Điều 7, Mục 1, Chương II của NĐ quy định: Vi phạm quy định về dạy thêm
1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm theo các mức phạt sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng;
c) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép;
d) Từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 điều này;  Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:  Buộc bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Khoản 1 điều này;  buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điểm b, c và d Khoản 1 điều này.
- Tại Điều 28, Chương 3 về thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. 
1. Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa là 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại Chương II nghị định này;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b khoản này.
2. Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa là 50.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b khoản này;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Chương I Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa là 100.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại Chương II nghị định này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
e) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4, Chương I nghị định này.
TN (tổng hợp)

Tin mới