Xuân Nhâm Dần đọc lại 'Lời con hổ ở vườn bách thú'

(Baonghean.vn) - Tôi thích đọc “Nhớ rừng” của Thế Lữ bắt đầu từ lời đề từ: “Lời con hổ ở vườn bách thú”. Đây là kiểu nói mà không nói. Một thông báo thoạt xem có vẻ thản nhiên, vô cảm nhưng bên trong chứa đựng một xúc cảm mãnh liệt về nỗi hờn của “hổ lạc khỏi rừng”!
Xuân Nhâm Dần đọc lại 'Lời con hổ  ở vườn bách thú' ảnh 1
Nhà thơ Thế Lữ (1907 - 1989)
Dường như tất cả các thông điệp về nỗi căm hờn đã được thể hiện một cách cô đúc, khái quát và đau đớn nhất trong lời đề từ trên, nên tôi thực sự không muốn dành nhiều chú ý cho những diễn giải có tính chất kể, tả hay lập luận về nỗi buồn giận, hờn căm sau đó. Tôi muốn dành sự chú ý nhiều hơn cho sự xuất hiện trùng trùng hệ thống hình ảnh thể hiện nỗi hoài nhớ rừng bằng, và trong sự đối lập các trạng thái không gian.
Hiển nhiên, không cần nói nhiều, thì ai cũng hiểu rằng, sự đối lập ở đây chính là sự đối lập giữa một bên là cảnh huy hoàng tự do của chúa sơn lâm trong ngày tháng cũ, và một bên là khung cảnh mà chắc chắn nó đã phải ngấy đến tận cổ mới có thể kết luận một cách chua xót rằng, đấy là “những cảnh sửa sang tầm thường giả dối”. Hai chữ “tầm thường” biểu tỏ thái độ khinh bỉ, ngân vang một ý chí của chủ nghĩa lãng mạn mà Thế Lữ thuộc số người tiên phong ở Việt Nam, bởi từ gốc rễ ban đầu, sự xuất hiện của chủ nghĩa lãng mạn chính là một phản ứng của tầng lớp thanh niên trước cái tầm thường, chật chội và nhạt của cuộc sống mà họ đang chịu đựng.
Theo cách nhìn của lý thuyết thi pháp học, hai không gian được mô tả ở đây thuộc hai phạm trù không gian đóng và không gian mở. Không gian đóng là tầng tầng, lớp lớp trùng vi vây bủa số phận của nạn nhân. Trước hết, đó là không gian cũi sắt. Dĩ nhiên, trước hết, nó là một hình ảnh thực tế và trong một bối cảnh khác, nó thực sự phi thơ. Nhưng ở đây, từ cái phi thơ ấy, tính thơ được thể hiện một cách da diết mà nếu ai từng đến vườn bách thú ngắm nhìn những con hổ lành hiền trong tình thế bị tước hết giá trị và liên tưởng tới tâm trạng của những kẻ mà tự do bị tước đoạt thì mới ngấm thấu. Đấy là một thứ tâm trạng phổ quát của tầng lớp thanh niên trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Có vẻ như rộng rãi hơn một chút, thông thoáng hơn một chút là khung cảnh vườn bách thú. Ấy là cảm nhận có được từ cái nhìn bên ngoài. 
Nhưng tiếc thay cảnh ấy, người ấy lại được miêu tả bằng cách thi triển cái nhìn từ bên trong, từ chiều sâu của sự tuyệt vọng và căm phẫn, và là của một kẻ luôn ý thức được giá trị và đẳng cấp cũng như tình thế hiện tại của mình. Cảnh đó là “Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng/ Len dưới nách những mô gò thấp kém/ Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm/ Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu/ Của chốn ngàn năm cao cả âm u”.
Đúng là cảnh rất bé mọn và dở hơi. Điều đáng chú ý là những thứ đó nó chỉ dừng lại ở mức độ tội nghiệp, thậm chí, bình thường, nếu nó tự đứng tách ra một mình, tự biết lấy mình. Nhưng khi đã “học đòi bắt chước vẻ hoang vu của chốn ngàn năm cao cả âm u” thì nó trở nên thảm hại. Đấy là kết quả của cái nhìn mang tính ý hướng của chủ thể - con hổ hóa trang trong bài thơ – nếu nói theo tinh thần triết học, hiện tượng học.
Sự thảm hại của “những cảnh sửa sang tầm thường giả dối” kia bị đẩy đến tận cùng khi trong bài thơ xuất hiện khung cảnh hùng vĩ, tráng liệt của “cảnh rừng ghê gớm” trong một không gian mở. Đến đây thì người đọc được thưởng ngoạn một tuyệt bút thi - họa của Thế Lữ. Từ cái nhìn của chúa tể, kẻ ngự trị rừng già, từng chi tiết sắc màu nối nhau tạo nên một bức tuyệt họa về cái phi thường. Dường như đây là khoảnh khắc quan trọng và cảm động trong những hồi ức của con hổ.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt.
 

Bốn mảnh ghép của bức tứ bình (chứ không hẳn là bốn bức tranh tứ bình như người ta thường quan niệm) thể hiện bốn thời khắc quan trọng của một ngày trong đời sống của chúa sơn lâm. Có sự xen phối cảm xúc, cảm giác như một sự tuần hoàn từ vẻ đẹp đắm say đến vẻ đẹp dữ dội, từ tâm thế của kẻ thưởng thức đến tâm thế của kẻ ngự trị và chiếm đoạt. Tính chất dữ dằn vì thế tăng dần trong từng nội dung câu hỏi rất có ý nghĩa tu từ.

Nếu trong các bức tứ bình của người xưa, người đọc chỉ có thể mô tả được sự lắp ghép của các phạm trù đức hạnh hoặc bốn mùa... trong tính chất quy phạm phần nào khô cứng (tùng, trúc, cúc, mai; xuân, hạ, thu, đông; ngư, tiều, canh, mục…) thì ở bức tứ bình của Thế Lữ, người ta có thể thấy được những chuyển động vi tế của các gam màu để từ đó có thể cảm nhận được những chuyển động vi tế của tâm trạng, và chính vì vậy, nên tính chất liên hoàn họa trở nên rất rõ ràng. 

Trong bức tranh ấy, người ta có thể thấy được kiểu sắc màu biểu trưng cho sự cao quý (đêm vàng), kiểu sắc màu của thế tục xanh non (cây xanh nắng gội), kiểu sắc màu của những biến động dữ dội (mưa chuyển bốn phương ngàn, giang san đổi mới), kiểu sắc màu của đời sống thanh bình (tiếng chim ca, giấc ngủ tưng bừng). Tất cả đều thấm đẫm tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn. Liên cuối của bức tứ bình vẫn trong sự chuyển động ấy của sắc màu, nhưng chợt gắt lên một thứ màu “bạo chúa” - màu máu. Dường như chạm vào những nỗi niềm từ sâu thẳm một trái tim nhuốm máu, cảnh rừng ấy được vẽ nên bằng gam màu phi thường, rợn ngợp. Hình như có một cuộc chiến tàn khốc diễn ra ở đây, giữa một bên là chúa sơn lâm với một bên là mặt trời - một trong những vị thần có quyền năng vô hạn trong vũ trụ bao la. Và chiến thắng dĩ nhiên thuộc về chúa tể rừng xanh khi nhấm nháp thời khắc “đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”.
Đương nhiên, bài thơ đã sử dụng một hiện tượng thiên nhiên rất thường gặp, ấy là khi hoàng hôn buông, mặt trời rơi xuống thì sắc chiều ánh lên màu đỏ rợn ngợp. Điều quan trọng là con hổ kia đã biết chớp lấy khoảnh khắc ấy để thể hiện một mặt là tư cách đế vương hoang dã của mình, một mặt là nỗi căm hờn bị tước đoạt mọi giá trị - bi kịch của kẻ chuyên tước đoạt. Chuyển động của sắc màu trong bức tứ bình kết thúc trong đỉnh điểm của những sầu hận.
Bằng cách mở ra hai không gian đối lập đóng - mở và việc sử dụng một cách tinh tế bức tứ bình tráng liệt của thiên nhiên hoang dã cũng trong thế đối lập với gam màu ngưng tụ, ảm đạm của “những cảnh sửa sang tầm thường giả dối”, Thế Lữ, với bài thơ được viết năm 1936, thuộc hàng tiên phong của thơ Mới lãng mạn, trở thành người tiên phong đại diện cho thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ phát biểu những suy tư của mình về tình thế làm người. Đây chính là một kiểu tâm trạng phổ quát mà về sau sẽ được thể hiện một cách da diết, rộn ràng trong cả ngàn bài thơ của hàng trăm tác giả giai đoạn 1932 - 1945.

Tin mới