Xung quanh việc xe khai thác mỏ đá làm hỏng đường ở Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên)

(Baonghean) - Trung tuần tháng 8/2015, Báo Nghệ An nhận được đơn của người dân xã Hưng Yên Nam nêu sự việc xe trọng tải lớn của các doanh nghiệp thi công khai thác mỏ đá làm hỏng tuyến đường dân sinh, gây ô nhiễm môi  trường...

Những người dân ở xã Hưng Yên Nam có đơn trú tại các xóm Xô Nổ, Đại Phú, 4, 5, 6... Tại đơn, người dân trình bày: Năm 2009, doanh nghiệp tư nhân Phước Thủy được tỉnh chấp thuận, cho phép đầu tư khai thác mỏ đá xóm Đại Bần (xã Hưng Yên Nam). Trước khi khai thác, doanh nghiệp Phước Thủy phải thực hiện cam kết với người dân mở đường để vừa phục vụ dân sinh vừa kết hợp khai thác mỏ. Sau đó, doanh nghiệp này đã thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ cho 320 hộ dân để mở đường rộng 10m, dài 4 km. Từ khi con đường được mở rộng, người dân được hưởng lợi nhiều, vừa đi lại thuận tiện, vừa phát triển được sản xuất, tiêu thụ hàng hóa từ việc chăn nuôi, trồng trọt tại các trang trại. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 lại nay, khi Công ty CP Khoáng sản Golden City vào đầu tư mỏ đá tại xóm Xô Nổ, sử dụng nhiều xe trọng tải lớn vận chuyển thiết bị, thi công khai thác mỏ đã phá nát tuyến đường. Xe vận tải lớn, chạy với tốc độ cao gây bụi bặm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là với con em trong độ tuổi đến trường... 
Nguồn gốc và thực trạng con đường
Qua tìm hiểu được biết, xóm Xô Nổ có 65 hộ, 345 khẩu, nguyên là những người sống ở các xóm 5, 6a, 6b..., là những vùng thường bị ngập lụt của xã Hưng Yên Nam di dân vào. Trước năm 2010, tuyến đường vào xóm Xô Nổ qua những khu vực sản xuất là do dân tự đào đất, nền đất chỉ rộng 3m, đi lại rất vất vả, nhất là vào thời điểm mùa mưa. Khi doanh nghiệp tư nhân Phước Thủy được tỉnh cấp phép khai thác mỏ đá trên địa bàn, người dân đã yêu cầu phải đầu tư nâng cấp đường. 
1
Xe vận chuyển đất đá chạy từ xóm Xô Nổ (xã Hưng Yên Nam) ra đường Nguyễn Văn Trỗi (ảnh chụp ngày 24/8)
Tháng 7/2009, UBND huyện Hưng Nguyên có Văn bản số 430/UBND-CT về việc chấp thuận cho doanh nghiệp tư nhân Phước Thủy đầu tư nâng cấp tuyến đường từ Km 10+500 đường Nguyễn Văn Trỗi đến thôn Đại Phú xã Hưng Yên Nam để phục vụ việc đi lại, sản xuất của nhân dân trong khu vực và hoạt động khai thác tại mỏ đá núi Đại Bần; ngày 8/12/2009, có Công văn số 779/UBND-CT xác nhận về việc xây dựng công trình giao thông của doanh nghiệp này...  
Khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, doanh nghiệp tư nhân Phước Thủy đã thuê tư vấn tổ chức khảo sát, xem xét điều chỉnh hướng tuyến để đảm bảo quy trình kỹ thuật để cấp có thẩm quyền phê duyệt; sau đó, qua 2 kỳ đầu tư thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng mở rộng đường lên đến 10m; và hoàn thiện cốt, nền đường cùng một số cống tiêu. 
Có mặt tại xóm Xô Nổ, chúng tôi nhận thấy tuyến đường từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến khu vực vào mỏ núi Đá Dựng có cốt nền khá tốt, bề mặt rộng, rải đá dăm, tuy nhiên đã xuất hiện rất nhiều ổ voi, ổ trâu lớn. Thời điểm này trời nắng nóng nhưng trên tuyến đường có khá nhiều xe tải cỡ lớn, thùng chất đầy đất, đá chạy với vận tốc khá cao tạo nên những cuộn bụi lớn. Vì các xe không che bạt nên đất, đá rơi vãi, cùng với các ổ, vũng trên đường nên ảnh hưởng nhiều tới việc đi lại của người tham gia giao thông. Nhiều người dân sống ở hai bên đường khi được hỏi đã tỏ rõ sự bức xúc.
Anh Lê Ngọc Long (công dân xóm Xô Nổ) đã nói rằng, tình trạng xe chở đất, đá gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và làm mất an toàn cho người dân đã kéo dài vài tháng nay. Vì bức xúc, nên trong tháng 7/2015, anh Long cùng nhiều người dân trong xóm Xô Nổ đã lập barie chắn đường không cho xe khai thác mỏ chạy qua...
2
Mặt đường đã bị xe cày nát không được sửa chữa, gây bụi, ô nhiễm nặng môi trường sống 
Theo ông Phạm Trọng Lan - xóm trưởng xóm Xô Nổ: Trong quá trình khai thác sản xuất vận chuyển đá, hàng năm, doanh nghiệp tư nhân Phước Thủy đều thực hiện tu bổ mặt đường; khi thời tiết nắng nóng thì tưới nước chống bụi hàng ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm có thêm Công ty CP Khoáng sản Golden City đầu tư khai thác mỏ thì mọi việc đã thay đổi. "Cả hai doanh nghiệp đều không có trách nhiệm với dân, với đường. Mặt đường giờ đã bị xe cày nát không được sửa chữa; xe quá khổ, quá tải chở đất đá gây bụi, ô nhiễm nặng môi trường sống nhưng không chịu tưới nước, bên cạnh đó, gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, nhất là trẻ trong độ tuổi đến trường. Vì quá bức xúc, người dân đã làm barie chắn đường không cho xe đi để buộc họ phải có trách nhiệm. Sau đó, công an huyện đã về; rồi chính quyền xã cũng can thiệp đề nghị dân dỡ barie cho xe qua. Dân đã tháo barie, nhưng vấn đề dân kiến nghị vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Thế nên mới có chuyện nhân dân viết đơn gửi các cấp chính quyền và cơ quan báo chí..." 
"Nút thắt” của vấn đề
Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy “nút thắt” của vấn đề nằm ở chỗ khúc mắc, tranh chấp giữa hai doanh nghiệp trong việc sử dụng, đầu tư nâng cấp con đường dẫn tới các mỏ đá đi qua địa bàn xóm Xô Nổ. Có được con đường rộng rãi như ngày hôm nay là nhờ công đầu tư ban đầu của doanh nghiệp Phước Thủy, vậy nên khi Công ty CP Khoáng sản Golden City - doanh nghiệp cùng ngành nghề - sử dụng tuyến đường này để vận chuyển hàng hóa nhưng "quên" đi sự đầu tư ban đầu thì có sự bất bình. Vì vậy, khi Công ty CP Khoáng sản Golden City xin bỏ vốn đầu tư đổ bê tông tuyến đường nhằm khắc phục tình trạng “ổ gà, ổ voi” và bụi thì doanh nghiệp tư nhân Phước Thủy không đồng tình.
Trong cuộc gặp giữa 2 doanh nghiệp vào ngày 25/8/2015 tại trụ sở Công an huyện Hưng Nguyên, đại diện Công ty Phước Thủy nêu ý kiến:  Tính toán tổng mức đền bù cho dân và phần nền Công ty Phước Thủy đã thi công thực tế, hai bên cùng nhau đầu tư thêm phần mặt đường theo thiết kế. Thẩm định dự toán của hai bên thi công phần đường và mặt đường, đấu thầu thi công mặt đường. Tổng mức đầu tư chia đôi, chi phí thi công 2 đơn vị cùng chịu và trách nhiệm quyền lợi ngang nhau. Tuy nhiên, đại diện Công ty Golden City không đồng ý với phương án này và xin được đầu tư nâng cấp mặt đường từ mỏ đá ra đường Nguyễn Văn Trỗi và làm mới đường kéo dài ra đường tránh Thành phố Vinh. Chi phí sẽ do bên Golden City chịu trách nhiệm và còn hỗ trợ doanh nghiệp Phước Thủy số tiền 100 triệu đồng. Tuy nhiên, yêu cầu này không được phía doanh nghiệp Phước Thủy chấp thuận.
1
Doanh nghiệp Phước Thủy đổ đá dăm chuẩn bị làm đường
Trao đổi với phóng viên, phía doanh nghiệp Phước Thủy cho rằng: "Nếu Phước Thủy đầu tư, nâng cấp, trải nhựa tuyến đường thì phía Golden City phải hỗ trợ Phước Thủy 4 tỷ đồng, còn nếu Golden City làm đường thì hỗ trợ Phước Thủy 2 tỷ đồng đầu tư ban đầu. “Để nâng cấp con đường vào mỏ đá (dài 2 km, rộng 3m) thành con đường dài 4 km, rộng 10m như hiện nay chúng tôi đã thực hiện đền bù cho 300 hộ dân với khoảng 400 lô đất phần lớn là đất khai hoang, không có bìa. Ngoài ra còn hỗ trợ hoa màu trên đất và một số khoản hỗ trợ khác. Đó là chưa kể kinh phí bỏ ra để làm đường. Nên nếu Golden City không thỏa thuận được, Phước Thủy sẽ tự thực hiện đầu tư, nâng cấp tuyến đường  giai đoạn 2 và  không cho công ty này sử dụng chung tuyến đường này. Hiện công ty chúng tôi đã gửi bản cam kết tiếp tục thực hiện dự án tới UBND xã Hưng Yên Nam...”, bà Phạm Thị Thủy - đại diện doanh nghiệp Phước Thủy cho biết.
Qua trao đổi, doanh nghiệp Phước Thủy  cũng đưa ra một số hồ sơ liên quan đến việc đầu tư con đường như Báo cáo thẩm tra thiết kế cơ sở công trình xây dựng đường vào mỏ đá Hồng Vàng, xã Hưng Yên Nam do Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng 198 lập với tổng mức đầu tư (theo giá vật liệu quý 1 năm 2010) là 11.202.964.000 đồng và hồ sơ biên bản đền bù và hỗ trợ đất khai hoang của từng hộ dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không đưa ra số liệu cụ thể về tổng kinh phí đã đầu tư con đường cũng như tiền đền bù hỗ trợ các hộ dân là bao nhiêu?
Về phía Golden City, trao đổi với phóng viên, ông Bùi Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: “Thực tình, chúng tôi cũng rất biết ơn công lao của doanh nghiệp Phước Thủy trong việc đầu tư, mở rộng tuyến đường vào mỏ đá ban đầu. Golden City cũng muốn đạt được thỏa thuận để cùng nhau sử dụng con đường phục vụ cho việc khai thác đá nhưng doanh nghiệp Phước Thủy không đưa ra các căn cứ về mức đầu tư ban đầu là bao nhiêu mà lúc nói thế này, lúc nói thế khác nên chúng tôi không biết dựa vào đâu để tính toán mức hỗ trợ...”.
Ông Tuấn cũng bày tỏ nguyện vọng của Golden City là muốn chịu trách nhiệm đầu tư nâng cấp mặt đường từ mỏ đá ra đường Nguyễn Văn Trỗi, đồng thời làm mới đường kéo dài từ đường Nguyễn Văn Trỗi ra đường tránh Thành phố Vinh và hỗ trợ doanh nghiệp Phước Thủy 500 triệu đồng...
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, sau cuộc họp với đại diện hai doanh nghiệp vào ngày 25/8, UBND huyện Hưng Nguyên đã giao cho xã làm trung gian để Công ty CP Khoáng sản Golden City tiếp tục gặp doanh nghiệp tư nhân Phước Thủy thỏa thuận trong việc đầu tư nâng cấp đường. Tuy nhiên, đến thời điểm này hai doanh nghiệp vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung.
Cần đồng lòng vì mục tiêu chung
Để giải quyết dứt điểm tình trạng "ổ voi, ổ gà" và ô nhiễm môi trường bụi, đáp ứng nhu cầu của người dân trong sinh hoạt, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc đi lại khai thác mỏ cần phải có sự chung tay, góp sức của cả hai doanh nghiệp cũng như người dân với mục tiêu chung là đầu tư nâng cấp con đường. Ở đây, hai doanh nghiệp cần phải hiểu rằng dù ai là người đầu tư nâng cấp con đường thì đường vẫn là đường chung của xã hội, do Nhà nước quản lý, chứ không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Con đường ngoài việc phục vụ cho các doanh nghiệp đi lại khai thác mỏ còn để phục vụ dân sinh và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bởi vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng việc đầu tư, nâng cấp con đường này để ngăn cản người khác khai thác, sử dụng là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, công lao mở đường ban đầu của doanh nghiệp Phước Thủy là không thể phủ nhận. Và khi doanh nghiệp vào sau là Golden City đã có thành ý cùng chung tay trong việc đầu tư trải thảm nhựa mặt đường và hỗ trợ kinh phí đầu tư mở đường ban đầu thì doanh nghiệp Phước Thủy cũng cần thiện chí tạo điều kiện để Golden City thực hiện. Về phía Công ty Golden City cần phải thấy rằng, để có con đường rộng lớn hôm nay là nhờ công của doanh nghiệp Phước Thủy đầu tư, nâng cấp ban đầu để cùng chia sẻ, hỗ trợ một cách thỏa đáng. Về phía người dân, yêu cầu có con đường rộng rãi, sạch đẹp là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc yêu cầu phải theo đúng trình tự quy định của pháp luật và việc lập barie để ngăn cản các doanh nghiệp vào khai thác mỏ là hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án.
Về phía chính quyền huyện Hưng Nguyên cần thể hiện vai trò trọng tài trong việc xử lý khúc mắc giữa 2 doanh nghiệp. Trước mắt, cần sớm làm việc với hai doanh nghiệp để làm rõ trách nhiệm và đi đến thống nhất phương án đầu tư, nâng cấp đường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và người dân địa phương. Doanh nghiệp nào vì những toan tính lợi ích cá nhân mà cố tình gây khó dễ trong quá trình khai thác, sử dụng, nâng cấp con đường cần kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, nếu cần có thể đình chỉ việc khai thác mỏ. Và để có phương án hỗ trợ hợp lý, doanh nghiệp Phước Thủy cần đưa ra những căn cứ xác thực về kinh phí đầu tư đường vào mỏ đá ban đầu.
Từ đó, UBND huyện Hưng Nguyên có thể mời đơn vị trung gian để tính toán tổng mức đầu tư phần đoạn đường 2 doanh nghiệp khai thác chung theo thời giá hiện nay (cả đền bù GPMB, làm đường cấp phối, trải thảm). Với tổng mức đầu tư đó, sau khi trừ phần khấu hao doanh nghiệp Phước Thủy đã khai thác trong những năm qua rồi chia đôi để 2 doanh nghiệp cùng đóng góp xây dựng.
Nhóm phóng viên
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngoài việc kinh doanh có hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng, chủ thể kinh doanh còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật và ứng xử theo chuẩn mực chung, gọi là “đạo đức trong kinh doanh”. Ở đây, việc khúc mắc kéo dài giữa hai doanh nghiệp trong việc đầu tư và sử dụng hạ tầng là con đường có điểm bắt đầu từ mỏ đá đã ảnh hưởng và gây thiệt hại không nhỏ đến trật tự tại địa phương, quyền lợi của doanh nghiệp và đặc biệt là lợi ích của xã hội, của nhân dân. Về mặt pháp lý, Khoản 1, Điều 4, Luật Giao thông đường bộ quy định về  nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ: “Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường”. Bên cạnh đó, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh cũng được quy định rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng”. (Khoản 8, 9 Điều 8).
Việc 2 doanh nghiệp đều có nguyện vọng được đầu tư, nâng cấp tuyến đường là điều đáng mừng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay là sự thiếu thống nhất giữa hai doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ, cụ thể là đầu tư và sử dụng con đường. Để tháo gỡ vướng mắc, cần có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, sự đồng thuận trên cơ sở tăng cường đối thoại hơn nữa giữa hai doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải thiện chí trên cơ sở vì phát triển chung mà gác lại những bất đồng để tìm tiếng nói chung.
Luật sư Trọng Hải - Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự
TIN LIÊN QUAN

Tin mới