4 món ăn, nước uống giúp cải thiện tình trạng bệnh gan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực phẩm và đồ uống hàng ngày có ảnh hưởng lớn đến hoạt động chức năng của gan. Dưới đây là một số món ăn, nước uống giúp bảo vệ gan, hạn chế sự tiến triển của bệnh gan.

Gan là một cơ quan thiết yếu với nhiều chức năng bao gồm chuyển hóa, bài tiết và khử độc, hỗ trợ tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn, lưu trữ vitamin và khoáng chất, làm sạch độc tố khỏi máu và tổng hợp protein.

Khi gan bị suy yếu dẫn đến các bệnh lý của gan như gan nhiễm mỡ , viêm gan , xơ gan, ung thư gan…

6.png
Cá chép nấu đậu đỏ tốt cho người bệnh gan.

1. Các thực phẩm nên ăn và nên tránh ở người bệnh gan

- Các thực phẩm nên ăn: Các loại rau: Khoai sọ, giá đỗ, rau hẹ, cà, mướp. Các loại ngũ cốc: Bột mì đen, bột cám gạo, các loại đậu. Các loại nấm: Nấm hương, mộc nhĩ đen. Các loại khác: Dầu trám, dầu hạt cải, dầu trà.

- Thực phẩm nên tránh: Các loại thịt: Nội tạng động vật, thịt nướng, thịt mỡ, đùi gà, chân giò lợn... Các loại thủy hải sản: Trứng cá, mực ống, cá trắm đen hoa, cá đao, bạch tuộc. Các loại đồ uống: Cafe, nước có ga, trà đặc, rượu.

7.png
Nước táo chua dùng cho bệnh nhân viêm gan cấp và mạn.

2. Món ăn, đồ uống cải thiện hoạt động chức năng gan

Người bệnh gan nên ăn uống cần giữ mức cân bằng, hạn chế thu nạp nhiều thức ăn có nhiệt lượng cao, giúp cho mỡ trong các tế bào gan dần được oxy hóa; nên hạn chế thu nạp vào cơ thể dầu mỡ, hợp chất carbon (những thức ăn có chứa carbon như cơm, tinh bột nói chung hay đồ nướng cháy…).

Ngoài ra, nên ăn nhiều protein và các rau quả xanh; không nên ăn vào thời điểm trước khi đi ngủ.

Một số món ăn, đồ uống nên áp dụng thực hiện giúp bảo vệ gan, cải thiện tình trạng bệnh gan:

2.1. Cá chép nấu đậu đỏ

Thành phần: Cá chép 1 con 1000g, đậu đỏ 120g, vỏ quýt (trần bì) 06g.

Chế biến: Cá đánh vẩy, bỏ mang và ruột, đậu đỏ, trần bì rửa sạch nhồi vào bụng cá. Cho nước, gia vị vừa đủ ngập cá. Đun to lửa tới sôi, chuyển đun nhỏ lửa, nấu tới mức nước sánh lại là được.

Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng.

Phạm vi dùng: Gan xơ cứng, bụng có dịch, viêm gan vàng da , viêm túi mật.

Cách dùng: Dùng 2 lần 1 tuần.

8.png
Nước nhân trần, bồ công anh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.

2.2. Xương lợn nấu rễ cây bạch bối diệp

Thành phần: Xương sống lợn 200g, rễ cây bạch bối diệp khô 90g, muối tinh vừa đủ.

Chế biến: Xương lợn rửa sạch, chặt nhỏ cho vào nồi đất cùng với rễ bạch bối diệp đã rửa sạch. Cho 2 lít nước đun cạn còn 400ml, lọc bỏ bã, cho gia vị vừa đủ.

Công dụng: Trừ thấp, dưỡng can, hoạt huyết sinh tân dịch.

Phạm vi dùng: Chữa viêm gan mạn.

Cách dùng: Mỗi tuần 1- 2 lần, kéo dài 1-2 tháng.

2.3. Nước táo chua (toan táo)

Thành phần: Táo chua 50g, đường trắng vừa đủ.

Chế biến: Cho táo vào nồi nước 500ml, đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ, cho đường trắng vừa đủ vào là được.

Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, an thần.

Phạm vi dùng: Viêm gan cấp tính, mạn tính, hồi hộp bất an.

Cách dùng: Lượng uống tùy ý, ngày 1 lần, Uống từ 15-20 hôm liên tục.

2.4. Nước nhân trần, bồ công anh

Thành phần: Nhân trần 100g, bồ công anh 50g, đường trắng 30g.

Chế biến: Nhân trần, bồ công anh cho vào nồi nước 500ml, nấu cạn còn 400ml, cho đường vào là được.

Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi mật, giảm vàng da.

Phạm vi dùng: Chữa viêm gan vàng da cấp.

Cách dùng: Ngày uống 2 - 4 lần với liều như trên, kéo dài 15-20 ngày liên tục.

Ngoài ra, để bảo vệ gan cần thực hiện tốt một số biện pháp sau: Duy trì cân nặng hợp lý Có chế độ ăn cân đối Tập thể dục thường xuyên Tránh tiếp xúc với các độc tố như nấm mốc từ thực phẩm… Hạn chế sử dụng rượu Rửa tay thường xuyên Dùng thuốc đúng hướng dẫn sử dụng, tình dục an toàn, tiêm phòng vaccin, khám sức khỏe định kỳ…

Tin mới