Bác sĩ tuyến huyện đi đầu trong sáng tạo khoa học công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh là tấm gương tiêu biểu về tinh thần vươn lên làm chủ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao; đi đầu trong phong trào sáng tạo khoa học công nghệ... Trong 2 năm 2020 và 2023, bác sĩ Khanh đã được UBND tỉnh Nghệ An trao 2 giải Nhất về giải Sáng tạo khoa học công nghệ.

Vươn lên làm chủ các kỹ thuật

Năm 1995, tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh về công tác tại bộ phận Phòng khám, Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn. Trong quá trình thực hiện bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân, người bác sĩ trẻ này luôn nỗ lực để làm tốt nhiệm vụ.

Đến năm 2000, bác sĩ Khanh được phân công về Khoa Ngoại - khám bệnh, chữa bệnh chủ yếu bằng các thủ thuật và phẫu thuật. Trong môi trường công tác mới, anh cố gắng học tập, học hỏi và nhanh chóng thực hiện thuần thục, chất lượng các kỹ thuật mang tính thường quy như cắt ruột thừa, mổ đẻ, phẫu thuật điều trị gãy xương… Anh dần trở thành phẫu thuật viên chính tại đơn vị. Được cấp trên tin tưởng, bồi dưỡng, năm 2004, bác sĩ Khanh được cử đi học chuyên khoa 1 tại Đại học Y Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh và các nhân viên phòng mổ chuẩn bị dụng cụ cho ca phẫu thuật nội soi cắt tử cung bán phần. Ảnh Thành Chung.jpg
Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh và các kỹ thuật viên chuẩn bị dụng cụ cho ca phẫu thuật nội soi cắt tử cung bán phần. Ảnh: Thành Chung

Năm 2006, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Khanh quay trở về Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn công tác. Phát huy những kiến thức đã học được, anh trực tiếp thực hiện và khởi xướng phong trào triển khai ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh ở đơn vị. Trong 4 năm sau đó, Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn đã triển khai trên 100 kỹ thuật mới, như các kỹ thuật mổ mở để cắt túi mật, cắt dạ dày, cắt đại tràng, cắt tử cung, mổ bướu cổ… Bản thân bác sĩ Nguyễn Văn Khanh đã được tin tưởng bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Ngoại, rồi là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện.

Trong những năm 2010, phương pháp phẫu thuật nội soi mới bắt đầu được triển khai thực hiện tại các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước. Công tác trong lĩnh vực ngoại khoa, từ trước đó, bác sĩ Khanh đã sớm chú ý đến phương pháp này khi các bệnh viện tuyến tỉnh ở Nghệ An thực hiện những ca phẫu thuật nội soi đầu tiên (vào những năm 2001-2002).

IMG_1901.jpg
Thực hiện phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn. Ảnh: TTYT huyện Anh Sơn

Bác sĩ Khanh kể lại: “Phẫu thuật nội soi là một tiến bộ của y học, là thành tựu của khoa học, kỹ thuật hiện đại. Phương pháp nội soi có nhiều ưu điểm hơn phương pháp mổ mở như: Đường rạch da nhỏ hơn nên sẹo sau mổ ít hơn; Ít đau sau mổ hơn so với mổ mở; Ít chảy máu hơn; Thời gian hồi phục nhanh do ít đau, ít stress sau mổ cũng như ăn uống được sớm hơn nên ngày nằm viện ngắn hơn, toàn bộ quá trình chữa bệnh nhanh hơn… Tôi vẫn ao ước sớm học được kỹ thuật này để về giúp cho bệnh nhân huyện nhà. Và đến năm 2012, tôi toại nguyện khi được đơn vị cử đi học phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức Hà Nội”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh đã nhanh chóng tiếp thu kỹ thuật mới nhưng nghịch lý là Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn lúc này chưa có hệ thống máy móc để triển khai. “Học” cần phải đi đôi với “hành” mới tiến bộ. Bởi vậy, anh vẫn phải thường “mượn máy” của Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam và đưa bệnh nhân ở huyện lên đây phẫu thuật. Cũng nhờ vậy mà đến ngày 14/8/2014, khi Sở Y tế Nghệ An bố trí lắp đặt hệ thống máy phẫu thuật nội soi cho Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn thì bác sĩ Khanh đã có thể thực hiện thuần thục ngay.

36452c7880a554fb0db4.jpg
Phẫu thuật nội soi đã dần trở thành xu hướng chủ đạo của chuyên ngành ngoại khoa ở đơn vị. Ảnh: TTYT Anh Sơn

Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh kể lại: “Ngay sau khi vừa lắp máy xong thì bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân bị viêm ruột thừa. Tôi đã triển khai phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân này. Thời gian thực hiện ca phẫu thuật này là 1 giờ, tương đương với thời gian thực hiện của các bác sĩ tuyến tỉnh và Trung ương… Từ đây, phẫu thuật nội soi đã dần trở thành xu hướng chủ đạo của chuyên ngành ngoại khoa ở đơn vị. Đến tháng 10/2014 thì chúng tôi đã triển khai được phẫu thuật nội soi cắt tử cung bán phần - kỹ thuật rất khó vào thời điểm này”.

2 giải Nhất sáng tạo khoa học công nghệ

Trong quá trình thực hiện phẫu thuật nội soi cho các bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh đã nhận ra một bất cập, tồn tại. Đó là với những bệnh nhân có bệnh phẩm khối lượng lớn (ví dụ như cắt tử cung lành tính) thì rất khó khăn trong việc đưa bệnh phẩm này ra ngoài. Các bác sĩ tuyến huyện nói chung cần phải mở rộng thêm phần lỗ đưa dụng cụ nội soi vào (trên cơ thể bệnh nhân) để đưa bệnh phẩm ra. Việc mở rộng này về mặt bản chất là không khác gì mổ mở, khiến bệnh nhân bị vết sẹo dài, đau đớn, lâu hồi phục.

Máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi Dr Khanh. Ảnh Thành Chung.jpg
Máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi Dr Khanh. Ảnh: Thành Chung

Từ sự bất cập trên, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh đã suy nghĩ đến việc cần phải có một dụng cụ chuyên dùng để cắt nhỏ và đưa bệnh phẩm có kích thước, khối lượng lớn ra ngoài. Tìm hiểu thực tế thị trường, anh đã biết đến thiết bị chuyên dùng của hãng sản xuất thiết bị phẫu thuật nội soi Karl Storz - Đức. Tuy nhiên, dụng cụ chính hãng này có giá rất cao, lên tới 500 triệu đồng… Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn không thể nào mua được.

Xuất phát từ sự thiếu kinh phí, trong những năm 2014-2017, bác sĩ Khanh trăn trở để mày mò và chế tạo nên một máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi. Sau hàng trăm lần thử nghiệm trên mô hình và hàng chục lần cải tiến, đến năm 2019, bác sĩ Khanh đã sáng tạo hoàn thiện nên một máy cắt bệnh phẩm hoàn toàn mới, có nguyên lý hoạt động khác, song có tác dụng không thua kém gì dụng cụ chính hãng. Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh cho hay: “Máy thành phẩm chỉ có giá khoảng 45 triệu đồng, chưa đến 1/10 giá mua chính hãng”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh giới thiệu về nguyên lý hoạt động của máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi Dr Khanh. Ảnh Thành Chung (1).jpg
Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh giới thiệu về nguyên lý hoạt động của máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi Dr Khanh. Ảnh: Thành Chung

Máy cắt bệnh phẩm Dr Khanh ra đời đã giải quyết tốt bài toán lấy các khối bệnh phẩm lành tính, có kích thước lớn ra ngoài. Máy có thể áp dụng được cho hầu hết các đơn vị y tế, đặc biệt là y tế cơ sở tuyến huyện, không có điều kiện để mua máy bệnh phẩm chuyên dụng đắt tiền. Ưu điểm của máy là chạy rất êm, thao tác thuận lợi hơn, hình thức đẹp; xay, cắt, hút với tốc độ phù hợp; các khối bệnh phẩm được cắt nhỏ thành thỏi dài, lấy ra ngoài rất triệt để và an toàn.

Với sáng tạo “Máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi Dr Khanh”, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh đã được UBND tỉnh Nghệ An trao giải Nhất Cuộc thi "Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2020". Máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi Dr Khanh đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế… Được biết, hiện nay đã có trên 20 bệnh viện trong, ngoài tỉnh đưa “Máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi Dr Khanh” vào hoạt động khám, chữa bệnh.

Cần đỡ tử cung Dr.Khanh trong phẫu thuật nội soi cắt tử cung. Ảnh Thành Chung.jpg
Cần đỡ tử cung Dr.Khanh trong phẫu thuật nội soi cắt tử cung. Ảnh: Thành Chung

Cũng trong thời gian hoàn thiện “Máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi Dr Khanh”, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh cũng đã hoàn thành chương trình học bác sĩ chuyên khoa 2 và sáng tạo nên dụng cụ “Cần đỡ tử cung Dr.Khanh trong phẫu thuật nội soi cắt tử cung”. Dụng cụ mới này có tác dụng giúp cho phẫu thuật viên có thể dễ dàng nhận diện, tìm kiếm tử cung của bệnh nhân trong quá trình phẫu tích vào cung đồ.

Đặc biệt, nếu dụng cụ “Cần đỡ tử cung” của hãng sản xuất thiết bị y tế nước ngoài có giá lên tới 120 triệu đồng thì “Cần đỡ tử cung Dr.Khanh” có giá sản xuất khoảng 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, “Cần đỡ tử cung Dr.Khanh” có có những ưu điểm nổi trội hơn dụng cụ sẵn có trước đó. Với công trình “Cần đỡ tử cung Dr.Khanh trong phẫu thuật nội soi cắt tử cung”, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh tiếp tục được trao giải Nhất giải Sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2023. Hiện nay, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh đang hoàn thiện các thủ tục để cấp bằng sáng chế độc quyền cũng như trình Bộ Y tế đưa dụng cụ này vào danh mục y tế.

bna_Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ cho nhóm tác giả đạt giải Nhất.JPG
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ cho nhóm tác giả đạt giải Nhất. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Trao đổi về những dự định sáng tạo khoa học công nghệ trong tương lai, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh chia sẻ: “Khi gặp những bất cập, vướng mắc trong kỹ thuật khám, chữa bệnh thì chắc chắn tôi sẽ nghĩ cách để giải quyết nó. Từ đầu năm nay, tôi đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện. Với nhiệm vụ mới, trước mắt, ưu tiên cần giải quyết của đơn vị là phải triển khai tốt các phần mềm khám, chữa bệnh từ xa, thanh toán điện tử…, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền y tế thông minh”./.

Tin mới