Bài 2: Phát triển sản phẩm du lịch vật chất

(Baonghean) - Sản phẩm du lịch vật chất được hiểu là những sản phẩm hữu hình được các doanh nghiệp du lịch cung cấp cho khách du lịch. Trong những năm gần đây ngành Du lịch của Malaysia và Singapore đã xây dựng được những sản phẩm mang đặc trưng riêng cho quốc gia mình, vừa có giá trị đặc sản, lưu niệm, thoả mãn nhu cầu của khách du lịch, vừa có giá trị thương phẩm, hàng hóa cao, đem lại nguồn thu đáng kể cho quốc gia và người dân.

-->> Bài 1: Vai trò quản lý của nhà nước

Nhân viên cửa hàng chocolate ở trung tâm Kuala Lumpur-Malaysia đang giới thiệu các loại chocolate. Ảnh: Minh Thông

Trong 3 thập niên trở lại đây, Malaysia đã đa dạng hoá trong nông nghiệp theo hướng trồng các cây công nghiệp như cọ dầu, ca cao, cao su phục vụ xuất khẩu và chế biến thành tinh phẩm, mà chocolate (sô cô la) là một sản phẩm như thế. Các cửa hàng chocolate tại Malaysia đã trở thành một địa chỉ bắt buộc mà các tour du lịch phải ghé vào (theo quy định của ngành Du lịch nước này). Chúng tôi đã được “đưa vào” một cửa hàng chocolate lớn ở trung tâm Kuala Lumpur. Tại đây, du khách được ăn thử miễn phí, cũng như được các nhân viên cửa hàng (nói được rất nhiều ngôn ngữ) giới thiệu về hàng chục loại kẹo chocolate đang được sản xuất, bày bán: Chocolate là loại kẹo ăn tốt cho sức khỏe; chocolate của Malaysia được đánh giá có chất lượng hàng đầu trên thế giới.

Nhân viên cửa hàng Sâm ở TP. Kuala Lumpur – Malaysia

giới thiệu bằng tiếng Việt cho du khách Việt Nam. Ảnh: Minh Thông.

Cửa hàng đá quý của Công ty Thiên Bảo cũng là một địa điểm cố định trong hành trình tham quan Malaysia. Mỗi ngày cửa hàng này đón tiếp hàng trăm đoàn khách tham quan, mua sắm. Các nhân viên có nhiều quốc tịch khác nhau, sử dụng được nhiều ngôn ngữ để giới thiệu, hướng dẫn khách. Đá được chế tác thành nhiều món đồ biểu trưng cho sự may mắn, bình an, như chuỗi tràng hạt, hình bát quái, tượng Phật, tượng các thần linh, bùa chú. Mỗi đoàn khách ghé vào cũng đều có vài người mua các loại trang sức đắt đỏ hơn cả vàng bạc này.

Cửa hàng sâm Tongkat Ali cũng có mặt khắp Malaysia. Sâm Tongkat ali thực chất là phần gỗ cứng trong rễ của cây Eurycoma Longifolia Jack (cây bách bệnh, cây bá bệnh, cây mật nhân) thuộc họ Simaroubaceae (thanh thất)… Vào cửa hàng này, khách Trung Quốc thì được một nhân viên cửa hàng nói tiếng Hoa giới thiệu, khách Việt Nam thì được nhân viên người Việt Nam tiếp thị - mà theo đó, sâm Tongkat Ali có thể chữa được 8 thứ bệnh như khí hư huyết kém, ăn uống không tiêu, gân xương yếu mỏi, chân tay tê nhức, nôn mửa, tả lỵ, chữa thận. Du khách đã được cho uống thử loại sâm này cũng như được giới thiệu kỹ về giá cả, chương trình khuyến mãi…

Một góc siêu thị 6 tầng trong Tòa Tháp đôi Petronas – TP. Kuala Lumpur

Và nếu sâm Tongkat Ali được ngành Du lịch Malaysia phong là “quốc bảo” thì ở ngành Du lịch Singapore coi 3 loại dầu gió (gồm dầu sư tử, dầu khuynh diệp, dầu bệnh ngoài da) là đặc sản, báu vật của quốc đảo này. Các loại dầu gió “đa công dụng” với giá vừa phải có lẽ đã là mặt hàng bán chạy, bán với số lượng lớn nhất tại đây. Bất cứ đoàn khách nào (đặc biệt là khách châu Á) sau khi vào các cửa hàng dầu gió đều “tay xách, nách mang” đưa về sử dụng, làm quà. Ở một cửa hàng dầu gió bất kỳ của quốc đảo sư tử đều có nhân viên nói được nhiều thứ tiếng và để thuận tiện hơn là rất nhiều catalo, tờ rơi in bằng nhiều thứ tiếng. Có thể nói dầu gió đã trở thành “đặc sản” xuyên quốc gia…Thăm thú quốc đảo sư tử, có một câu sologan thường được các hướng dẫn viên bản địa nhắc đi, nhắc lại “Chưa ăn cháo ếch ở khu Geylang là chưa đến Singapore”. Anh Jepterry – một hướng dẫn viên cho hay: “Geylang không chỉ có chợ tình mà còn có những cửa hàng đặc sản như cháo ếch, trái cây với giá cả rất bình dân mà những du khách có dịp đến đây không thể bỏ qua”.

Singapore không giàu tài nguyên nhưng rất phát triển về công nghệ, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi đá quý, trang sức lại là những sản phẩm vật chất du lịch nổi tiếng ở đây. Đá quý, vàng ngọc, kim cương được nhập khẩu về chế tác, bày bán. Điều lý thú là những “xa xỉ phẩm” này lại bán rất chạy – Các công ty ở đây với chiêu bài giảm giá 90-95% giá trị sản phẩm trong một thời gian nhất định đã đánh trúng tâm lý du khách. Bất kỳ một du khách nào lúc rời Singapore hay Malaysia đều có một vài vật phẩm có tính chất lưu niệm in hình biểu tượng của 2 quốc gia này như móc khóa, lọ tăm, dĩa hoa quả có hình sư tử Merlion hay tháp đôi Petronas....

Phải nói rằng những sản phẩm du lịch của Malaysia và Singapore không hề rẻ nhưng bán rất chạy, không tiêu tốn chi phí vận chuyển ra nước ngoài mà “xuất khẩu” tại chỗ. Có thể lý giải điều này: 2 quốc gia đã thực sự xây dựng, phát triển được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng (hầu hết các sản phẩm đều thiết thực, dễ mua dễ bán, nhỏ gọn dễ mang theo), cộng thêm là có chiến lược kinh doanh hiệu quả, tiếp thị khéo léo; thái độ của các công ty, nhân viên lịch sự, không chèo kéo, ép mua, chiều lòng được những khách hàng khó tính nhất (không mua cũng vui và mua thì vui hơn)…Theo ước tính bình quân, một du khách khi đến Malaysia hay Singapore đều bỏ ra khoảng 2.000 USD mua hàng hóa, sản phẩm du lịch.

Thành Chung

Tin mới