Cần có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Cồn Đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đó là kiến nghị của các chuyên gia khảo cổ tại Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích khảo cổ Cồn Đất năm 2024 diễn ra vào chiều 25/4, tại xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu).

Hội nghị do do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu; đại diện các phòng, đơn vị chuyên môn liên quan của Sở Văn hóa và Thể thao cùng các chuyên gia khảo cổ trong nước và quốc tế.

bna_Cồn Đất_4.jpg
Quang cảnh Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích khảo cổ Cồn Đất. Ảnh: Minh Quân

Địa điểm Cồn Đất thuộc địa phận thôn 4, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Di tích Cồn Đất được phát hiện năm 1979, khai quật lần đầu tiên năm 1981 với hai hố có diện tích 75m2. Năm 2020, Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử khảo sát cho thấy trên bề mặt di tích có một khu nghĩa địa hiện đại. Kết quả khai quật, khảo sát cho thấy tầng văn hóa của di tích dày khoảng 7m mang đặc trưng của văn hóa Quỳnh Văn.

bna_vị trí Di tích.jpg
Địa điểm Di tích khảo cổ Cồn Đất trên bản đồ vệ tinh.

Những đặc trưng của Di tích Cồn Đất cho thấy đây là một di tích có vai trò quan trọng trong việc nhận thức các giai đoạn phát triển của văn hóa tiền sử Việt Nam ở vùng ven biển Bắc Trung Bộ. Căn cứ vào đặc trưng di vật, niên đại Carbon C14 đã được công bố, Cồn Đất được dự đoán có niên đại trong khoảng 6.000 - 4.000 năm cách ngày nay.

bna_Cồn Đất.jpg
Các đại biểu, chuyên gia tham quan hố khai quật tại Di tích Cồn Đất. Ảnh: Minh Quân

Với các giá trị lịch sử văn hóa lâu đời trên, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Nghệ An tiến hành nghiên cứu khảo cổ học về di tích Cồn Đất với các mục tiêu: Khai quật, thu thập và chỉnh lý di tích và di vật Cồn Đất; Đánh giá vai trò, phương thức con người thích nghi với môi trường tự nhiên trong lịch sử.

Cuộc khai quật được thực hiện từ đầu tháng 3/2024. Sau hơn một tháng rưỡi thực hiện công việc, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Úc, Đại học Quốc gia Philippines, cùng các phương pháp khai quật khảo cổ học hiện đại, tại Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di tích Cồn Đất năm 2024, đoàn khai quật đã khẳng định: Hai hố khai quật khảo cổ học ở địa điểm Cồn Đất đã cung cấp nhiều thông tin về di tích và các loại hình di vật.

bna_Cồn Đất_3.jpg
Các di vật được phát hiện qua khai quật. Ảnh: Minh Quân

Dựa trên kết quả khai quật, bộ công cụ đồ đá, đặc biệt là bộ sưu tập đồ gốm phát hiện được ở Cồn Đất với đặc trưng phổ biến là gốm đáy nhọn văn chải hai mặt được xem là mang đặc trưng của văn hóa Quỳnh Văn.

Văn hóa Quỳnh Văn được các nhà nghiên cứu nhận định là một trong những trung tâm gốm sớm thuộc thời đại đá mới Việt Nam sau Hòa Bình bên cạnh các trung tâm khác là Đa Bút, Cái Bèo. Sự nảy sinh và phát triển đồ gốm gắn liền với môi trường sông biển và kinh tế khai thác thủy hải sản là chính của người cổ Quỳnh Văn. Tại Di tích Cồn Đất, đoàn khai quật đã lấy hơn 1500 mẫu than để xác định niên đại bằng phương pháp C14, tuy nhiên, hiện nay, chưa thể mang mẫu phân tích để có thể xác định một cách chính xác.

Kết quả khai quật và nghiên cứu tại Di tích Cồn Đất đã cung cấp những thông tin, tư liệu vật chất quan trọng, góp phần giải quyết một số vấn đề liên quan đến sự xuất hiện của người cổ xưa tại di tích, phương cách con người sinh sống, quá trình chiếm lĩnh xác thực và tính chất, niên đại và quy mô của di tích này.

bna_Cồn Đất_5.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Giáo sư Philip Piper (Đại học Quốc gia Úc) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Quân

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng khẳng định: Di tích Cồn Đất là một trong những di tích khảo cổ học hiếm hoi ở Đông Nam Á còn lưu giữ được địa tầng văn hóa đa dạng. Do vậy, để có thể nhận diện đầy đủ tính chất và giá trị của di tích nhằm xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Cồn Đất, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cần giao các cơ quan quản lý địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ di tích, mở rộng thu thập tư liệu, nghiên cứu và khai quật khảo cổ học nhằm bổ sung tư liệu để xác định rõ hơn quy mô, cấu trúc và tính chất di tích.

Bên cạnh đó, từ kết quả khai quật khảo cổ học, cùng các thông tin hiện có xây dựng Hồ sơ di tích cấp tỉnh nhằm bảo tồn di tích Cồn Đất. Sau đó, cần tiến hành xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đối với di tích này./.

Tin mới