Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An về tình hình huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Nghệ An đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, hiệu quả cao, chất lượng tốt.
Chiều 15/6, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An về việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Làm việc với đoàn có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

DOANH SỐ CHO VAY ĐẠT HƠN 23.000 TỶ ĐỒNG

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện cho thấy, tỉnh Nghệ An đã tổ chức phổ biến, quán triệt kịp thời Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và các văn bản chỉ đạo của Trung ương tới các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn.

Từ đó, làm chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với tín dụng chính sách; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội. Các chủ trương lớn của Ban Bí thư đã thật sự đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ, tích cực.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW về tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW về tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Thành Duy

Đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn đạt gần 10.878 tỷ đồng, tăng 4.636,7 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,28%/năm. Trong đó, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cấp là 10.627 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 250,9 tỷ đồng.

Giai đoạn 2014 - 2022, tổng doanh số cho vay đạt 23.117 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã cấp vốn cho 714.341 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhờ đó đã giúp 193.028 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; 42.779 học sinh, sinh viên là con em gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn về tài chính do các nguyên nhân khách quan được hỗ trợ tiền để đóng học phí.

30.479 người lao động được hỗ trợ vốn để tạo việc làm ổn định từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; 3.002 người lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách được hỗ trợ vốn để đi lao động tại nước ngoài.

Trên 180 ngàn hộ gia đình sống tại vùng nông thôn được hỗ trợ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm ô nhiễm môi môi trường vùng nông thôn; 10.754 gia đình hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây nhà, sửa chữa nhà ở, xóa bỏ tình trạng nhà dột nát, tạm bợ cho người nghèo.

Đồng chí Tống Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Tổ trưởng Tổ xây dựng báo cáo Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Tống Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Tổ trưởng Tổ xây dựng báo cáo Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi một số điểm trong quy định cho vay của các chương trình tín dụng chính sách hiện hành.

Cụ thể, nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo từ 5 năm lên 10 năm (tương đương thời hạn cho vay tối đa của chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo); nâng mức cho vay tối đa của chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/công trình.

Đồng thời, quan tâm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động, nhất là người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người lao động tại các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai.

Tại cuộc làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan đã trao đổi, làm rõ thêm với Đoàn giám sát các nội dung liên quan.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An luôn coi trọng công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và liên tục. Qua cuộc làm việc đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề, từ đó giúp cho Nghệ An thực hiện tốt hơn hoạt động tín dụng chính sách xã hội, là chủ trương có tính nhân văn sâu sắc, bảo đảm công bằng xã hội, phát triển bền vững.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định, hiện nay tỉnh đang xây dựng đề án để tiếp tục tăng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, từ vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành hiện nay lên tốp 15 tỉnh, thành cả nước trong thời gian tới.

Đồng thời, kiến nghị tiếp tục bổ sung nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho tỉnh để đáp ứng nhu cầu còn thiếu qua rà soát vừa qua; nghiên cứu, xem xét người đi xuất khẩu lao động được vay tiền để đóng khoản phí môi giới xuất khẩu lao động, qua đó tạo điều kiện cho người lao động không phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất cao hơn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì khâu nối các tổ chức, đơn vị bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi Ban Kinh tế Trung ương và Đoàn giám sát.

KỊP THỜI, CHÍNH XÁC, ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG, HIỆU QUẢ CAO

Kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An - Trưởng đoàn giám sát đánh giá việc triển khai học tập, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai kịp thời đến tất cả các cấp, ngành, qua đó tạo sự chuyển biến rất tích cực.

Đặc biệt, Nghệ An có nét mới so với nhiều tỉnh, thành khác là chỉ đạo 100% các huyện, thành, thị ban hành kế hoạch đưa chủ trương của Đảng về công tác tín dụng chính sách vào cuộc sống.

Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận cuộc giám sát. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu kết luận cuộc giám sát. Ảnh: Thành Duy

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Nghệ An được tăng cường, thể hiện sự thống nhất, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả khá tích cực; nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của chính sách tín dụng xã hội khá rõ, đặc biệt là tập trung cho công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà ở xã hội cho hộ còn khó khăn, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo…

Đồng chí Đỗ Ngọc An cũng ghi nhận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chủ động, tích cực và có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện chính sách tín dụng xã hội; qua đó vun đắp thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng đối tượng, hiệu quả cao, chất lượng tốt;…

Qua làm việc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An - Trưởng đoàn giám sát đề nghị tỉnh tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác; đồng thời tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tin mới