Đoàn giám sát của Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc tại Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Chiều 5/8, đoàn giám sát của Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội do đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ, Ủy viên hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Nghệ An.

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện; các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, làm việc với đoàn công tác.

KẾT QUẢ TỪ CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH

Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho biết, toàn chi nhánh có 22 Ban đại diện hội đồng quản trị, gồm: ban đại diện cấp tỉnh và 21 Ban cấp huyện (01 thành phố, 17 huyện và 3 thị xã). Tổng số thành viên Ban đại diện các cấp là 689 thành viên. Ban đại diện các cấp đã chấp hành tốt chế độ sinh hoạt; Sau phiên họp Ban đại diện các đơn vị đã ban hành Nghị quyết để chỉ đạo kịp thời. Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW (năm 2015) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay, ngân sách các cấp đã chuyển sang ngân hàng ủy thác cho vay gần 170 tỷ đồng.

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Hàng năm, căn cứ vào văn bản hướng dẫn và Chương trình, kế hoạch giám sát của Hội đồng quản trị, Ban đại diện hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện đều xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp mình theo đúng quy định; thực hiện phân công cụ thể đối với từng thành viên thực hiện kiểm tra, giám sát tại các địa bàn.

Đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn đạt 10.549 tỷ đồng, tăng 867 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 8,9%. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 1.956 tỷ đồng, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số thu nợ đạt 1.104 tỷ đồng, giảm 163 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ đạt gần 10.522 tỷ đồng/22 chương trình tín dụng chính sách, tăng 851 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tốc độ tăng trưởng 8,8%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Kết quả giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP: Từ ngày 27/4/2022 đến ngày 30/6/2022, Chi nhánh đã giải ngân nguồn vốn của 04/5 chương trình cho 8.913 khách hàng, số tiền 250,2 tỷ đồng, hoàn thành 78,4% (riêng chương trình cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28 đã được cấp vốn 150 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện được, do đang chờ văn bản hướng dẫn).

KIẾN NGHỊ NHIỀU VẤN ĐỀ XUẤT PHÁT TỪ THỰC TIỄN

Tại cuộc làm việc, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Nghiên cứu, ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với nhóm đối tượng hộ gia đình có thu nhập trung bình sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này thoát nghèo bền vững. Nghiên cứu, điều chỉnh nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo phù hợp với giá cả vật liệu và chi phí thực tế đầu tư các công trình nước sạch, công trình vệ sinh hiện nay. Nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn tương đương với mức cho vay tối đa của chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Văn Vinh báo cáo hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị và chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tại cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Văn Vinh báo cáo hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị và chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tại cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Các Bộ, ngành, Ngân hàng chính sách xã hội, Tổ chức chính trị-xã hội TW cần quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm; tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn cho hội viên về chuyển giao khoa học, kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, giúp hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả.

Trên cơ sở giám sát trực tiếp tại cơ sở và báo cáo, kiến nghị của Nghệ An, đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ, Uỷ viên Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và một số thành viên trong đoàn giám sát đã trao đổi, đề nghị làm rõ một số nội dung; đồng thời giải đáp một số kiến nghị đề xuất của tỉnh.

Đoàn giám sát kiểm tra, làm việc tại huyện Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Đoàn giám sát kiểm tra, làm việc tại huyện Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Tại cuộc làm việc, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện cùng đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội đã giải trình, làm rõ một số nội dung đoàn giám sát trao đổi; đồng thời nhấn mạnh, Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, dân số đông thứ 4, điều kiện khí hậu tự nhiên khắc nghiệt. Trong bối cảnh khó khăn chung đó, Nghệ An đã có nhiều nỗ lực để phát huy hiệu quả vốn vay chính sách. Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 116 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tín dụng chính sách đóng góp rất lớn vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương; góp phần vào bảo đảm an toàn trật tự, an ninh biên giới.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo trao đổi tại cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo trao đổi tại cuộc làm việc. Ảnh: Thu Huyền

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo ghi nhận những nỗ lực cố gắng của tỉnh trong việc khắc phục khó khăn, đạt nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động tín dụng chính sách.

Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong thời gian tới, trưởng đoàn giám sát đề nghị Ban đại diện các cấp cần tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động tín dụng chính sách, nhu cầu vay vốn của khách hàng; làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn đối với các Tổ tiết kiệm vay vốn. Tăng cường công tác giám sát đối tượng vay trước và sau khi giải ngân để hoạt động cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách. Cần lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp và phát huy tốt hơn vai trò tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác các cấp để tăng cường hiệu quả chương trình tín dụng chính sách. Qua đó, góp phần giảm tín dụng đen, thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội.

Tin mới