Nghệ An có trên 12.000 ha thông chưa được xử lý thực bì, nguy cơ cháy rừng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Toàn tỉnh có hơn 15.476 ha rừng thông dễ cháy, tuy nhiên hàng năm việc phát dọn thực bì chỉ đạt trên 3.000 ha, còn tới hơn 12.000 ha thông chưa được phát dọn, nguy cơ cháy rừng rất cao trong mùa nắng nóng.

bna_van truong 3.JPG
Khu vực rừng thông xã Thượng-Tân-Lộc huyện Nam Đàn thực bì dày đặc, nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: Văn Trường

Len lỏi vào khu vực rừng thông xã Thượng-Tân-Lộc huyện Nam Đàn những ngày này, thấy hầu hết thực bì dưới tán thông dày đặc. Do lâu ngày không được thu gom, lá thông sau khi rụng xuống tạo thành lớp “bổi” khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Ông Trần Minh Nam - người dân ở xã Thượng-Tân-Lộc cho biết: “Trước đây, khi chưa có bếp ga, bếp điện, người sống ven rừng chúng tôi thường xuyên vào rừng thông để thu gom lá thông, thực bì về nấu nướng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân đã chủ động được chất đốt nên việc thu gom thực bì không còn diễn ra thường xuyên nữa, vì thế mà thực bì cũng ngày càng dày thêm”.

bna_van truong 22334.JPG
Trong năm 2023, một số diện tích ở khu vực rừng thông xã Thượng-Tân-Lộc (huyện Nam Đàn) đã bị cháy lan do thực bì dày đặc. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Ông Nguyễn Cảnh Lộc - Chủ tịch UBND xã Thượng-Tân-Lộc cho biết: Xử lý thực bì dưới tán rừng thông, keo ở địa bàn xã khá ít, tính từ đầu mùa nắng nóng đến nay, toàn xã chỉ xử lý đạt 150 ha/1.200 ha rừng thông, keo. Trong đó, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn xử lý được 120 ha, xã xử lý được 20 ha. Nguyên nhân ít xử lý thực bì là do những năm qua giá nhựa thông sụt giảm mạnh nên người dân không mặn mà sản xuất và chăm sóc rừng.

Ông Võ Trọng Cường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đàn-Hưng Nguyên cho biết thêm: Địa bàn huyện Nam Đàn có trên 4.000 ha rừng thông, tuy nhiên toàn huyện chỉ mới xử lý được 366/4.000 ha tại các khu vực trọng điểm, gồm khu mộ Bà Hoàng Thị Loan xã Nam Giang, đền thờ Vua Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn, chùa Đại Tuệ ở xã Nam Anh.

Diện tích được xử lý thực bì dưới tán rừng thông chủ yếu là do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn xử lý, còn lại rừng thông do các xã quản lý chưa được xử lý, nguyên nhân chính vẫn là do thiếu kinh phí.

bna_van truong 2.JPG
Thực bì ở khu vực rừng thông xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu mọc tốt um tùm nhưng chưa được xử lý. Ảnh: Văn Trường

Tại địa bàn huyện Diễn Châu, hàng năm thường xuyên xảy ra các vụ cháy rừng, nhưng thực bì dưới tán rừng thông luôn dày đặc không được xử lý.

Quan sát tại khu vực rừng ven hồ Xuân Dương ở xã Diễn Phú (huyện Diễn Châu) thấy thực bì dưới tán thông mọc tốt um tùm, trong khi đó, khu vực rừng này giáp ranh xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc thường xuyên có người qua lại, nguy cơ cháy rừng rất cao trong mùa nắng nóng.

Đại diện UBND xã Diễn Phú chia sẻ: Do khó khăn về kinh phí nên đến nay xã chưa có điều kiện để xử lý thực bì, những năm qua, xã thực hiện công tác phòng là chính, như cử các lực lượng canh gác, kiểm soát ở các cửa rừng nhằm phát hiện xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm huyện Diễn Châu, toàn huyện có gần trên 6.000 ha diện tích rừng thông nhưng hầu hết diện tích thực bì rừng thông chưa được xử lý. Huyện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng do địa bàn chưa có đơn vị chủ rừng là các công ty lâm nghiệp hay Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý. Chủ yếu diện tích rừng trên đều giao cho xã và cộng đồng dân cư quản lý.

bna_van truong 23.jpeg
Xử lý thực bì rừng thông ở huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Ngoài ra, các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… diện tích xử lý thực bì cũng rất hạn chế. Ông Trần Quốc Minh - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Hiện, toàn tỉnh có hơn 15.476 ha rừng thông dễ cháy, tuy nhiên hàng năm việc phát dọn thực bì chỉ đạt trên 3.000 ha, còn tới hơn 12.000 ha thông chưa được phát dọn. Các diện tích được xử lý thực bì, chủ yếu là do các đơn vị như các công ty lâm nghiệp hay Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý trích kinh phí để xử lý, còn lại các diện tích do xã quản lý hầu hết không được xử lý nên nguy cơ cháy rừng thông rất cao.

bna_van truong 1.jpeg
Một số diện tích rừng thông khu vực trọng điểm ở huyện Nam Đàn được xử lý thực bì. Ảnh: Văn Trường

Nguyên nhân chưa xử lý được nhiều diện tích thực bì là do khó khăn về kinh phí, để xử lý 1 ha thực bì dưới tán rừng thông tốn kém từ 4-5 triệu đồng. Trong khi nguồn kinh phí cho công tác phòng chống, cháy rừng cũng rất hạn hẹp, các đơn vị quản lý rừng và các địa phương còn phải chi vào việc mua sắm thêm dụng cụ chữa cháy, công tác tập huấn, duy tu chòi canh, làm đường băng cản lửa…

Tin mới